ĐỜI SỐNG

Giúp bạn bảo quản thức ăn trong tủ lạnh bằng các cách thức khoa học sau

Anh Thư • 29-08-2022 • Lượt xem: 328
Giúp bạn bảo quản thức ăn trong tủ lạnh bằng các cách thức khoa học sau

Trong thời đại bận rộn như hiện nay, việc đi chợ cho cả tuần và trữ sẵn thức ăn trong tủ lạnh hẳn là sự lựa chọn tối ưu cho hầu hết các gia đình. Tuy nhiên nếu không biết bảo quản đúng cách, thực phẩm sẽ mất đi độ tươi ngon và các chất dinh dưỡng vốn có, thậm chí có thể bị hỏng. Hãy cùng đọc qua bài viết dưới đây để bỏ túi cho mình những mẹo bảo quản thức ăn trong tủ lạnh sao cho luôn tươi ngon nhé.

Phân loại thực phẩm

Mỗi loại thực phẩm nếu muốn trữ được lâu đều cần có nhiệt độ và cách bảo quản khác nhau. Vì vậy, phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh là việc đầu tiên bạn cần lưu ý.

Riêng đối với rau củ sau khi mua về, bạn không cần rửa sạch nếu chưa có nhu cầu sử dụng. Bạn cắt bỏ các phần rau củ đã bị héo úa, để thật khô ráo, chia nhỏ thành từng phần và cho vào túi zip. Có thể dùng túi nilon có lỗ thoáng khí để thay thế túi zip. Bạn cho toàn bộ số rau củ vào ngăn dành riêng để chứa rau củ trong tủ lạnh. Vì được thiết kế chuyên dụng để chứa rau quả nên ngăn này có thể duy trì nhiệt độ vừa phải và tối ưu độ ẩm thích hợp, giúp rau củ giữ được độ tươi ngon lâu hơn.

Đối với nhóm thực phẩm tươi sống như thịt cá hay các loại hải sản lại là một phương pháp bảo quản khác. Thực phẩm sau khi mua về, bạn rửa sạch, để ráo và cũng chia thành mỗi phần vừa phải để tiện cho việc sử dụng, hạn chế rã đông một lượng lớn thực phẩm chưa sử dụng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn còn lại. Cho từng phần thực phẩm đã được chia nhỏ vào các hộp đựng và để trong tủ lạnh với nhiệt độ 2 – 4 độ C ở ngăn mát và -18 độ C ở ngăn đông.

Đối với thức ăn đã được nấu chín, bạn để nguội sau đó mới cho vào hộp đựng thực phẩm và bảo quản trong tủ lạnh từ 2 – 4 độ C. Nên để thức ăn thật nguội rồi hãy cho vào tủ lạnh để hạn chế ảnh hưởng đến các loại thực phẩm khác và làm giảm tuổi thọ của tủ lạnh. Thời gian sử dụng số thức ăn đã được nấu chín này là trong khoảng 3 ngày.

Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh

Có thể bạn chưa biết, nhưng môi trường có độ ẩm ướt cao như bên trong tủ lạnh nếu không được vệ sinh thường xuyên sẽ là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn từ thức ăn sinh sôi và phát triển rất nhanh. Vệ sinh tủ lạnh 3 – 6 tháng 1 lần theo định kỳ giúp loại bỏ các cặn bẩn của thực phẩm bám trên khay đựng, những cặn bẩn này có thể sản sinh ra vi khuẩn và len lỏi vào thức ăn mới. Giúp động cơ tủ lạnh được nghỉ ngơi và khử đi mùi hôi khó chịu.

Sắp xếp hợp lý các loại thực phẩm

Biết cách sắp xếp hợp lý các loại thức ăn cũ, mới cũng giúp bạn dễ phân biệt và quan sát chất lượng thực phẩm. Bạn có thể đặt những thức ăn mới vào sâu bên trong tủ và thức ăn cũ ở phía ngoài để dùng theo thứ tự. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế vứt bỏ thức ăn gây lãng phí. Có thể xếp các hộp thực phẩm chồng lên nhau để tiết kiệm diện tích tủ lạnh.

Đối với các loại thực phẩm nặng mùi như sầu riêng, mắm, cá khô,… bạn cần đậy thật kín hộp đựng rồi hãy cho vào tủ lạnh để tránh bám mùi lên các thực phẩm khác và bầu không khí chung bên trong tủ.

Bạn có thể ghi chú thời gian sử dụng thực phẩm trên nắp hộp để tránh trữ thức ăn quá lâu, gây phí phạm và làm mất đi các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.

Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh là giải pháp tuyệt vời để tiết kiệm thời gian cho những gia đình bận rộn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý hạn sử dụng của từng loại thực phẩm khác nhau để linh hoạt hơn, vì một số thức ăn cấp đông quá lâu không chỉ làm mất đi các chất dinh dưỡng mà còn sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe. Hy vọng những mẹo nhỏ trên đây sẽ cho bạn thêm gợi ý để bảo quản thực phẩm tối ưu hơn.