ĐỜI SỐNG

Gợi ý những cách cực dễ để hoa nở đúng dịp Tết

Anh Thư • 02-01-2023 • Lượt xem: 895
Gợi ý những cách cực dễ để hoa nở đúng dịp Tết

Có thể nói, hoa là linh hồn của những ngày Tết, vì ý nghĩa và vẻ đẹp mà nó mang lại. Tuy nhiên, không ít những trường hợp hoa nở quá sớm hoặc quá muộn. Vậy làm sao để hoa nở vào đúng (hoặc cận dịp Tết) để hòa chung với không khí mùa xuân? Bài viết sau sẽ chia sẻ một số cách kìm hãm (khi hoa nở quá sớm) hoặc kích thích (khi hoa nở quá muộn) để mỗi người có thể tự làm đẹp cho chính không gian đón Tết của mình?
 

Sử dụng các giải pháp từ thiên nhiên 

Đầu tiên, ánh sáng sẽ kích thích quá trình sinh trưởng của cây, giúp cây hô hấp tốt hơn. Nếu bạn muốn hoa nở nhanh hơn, bông to và rạng rỡ hơn, đặt hoa ở những vị trí có nhiều ánh sáng mặt trời hay những nơi có nhiều ánh đèn chiếu sáng là một giải pháp. Ngược lại, nếu muốn kìm hãm sự phát triển của hoa, bạn có thể đặt những chậu hoa của mình vào nơi có ít ánh sáng, dùng bạt hoặc tôn để cản bớt ánh sáng, hoặc mang chúng vào trong nhà. 

Tiếp theo, nhiệt độ cũng ảnh hưởng tới thời gian nở của hoa. Đối với một số loài hoa như cúc, thược dược, lay ơn, nhằm đẩy nhanh thời gian nở hoa, bạn có thể tăng nhiệt độ bằng cách dùng nước ấm từ 30 đến 40 độ C, đổ vào lọ cắm hoa. Thêm vào đó, bạn nên vẩy nước ấm dạng sương lên hoa để duy trì nhiệt độ. Việc thay nước và rẩy nước sẽ thực hiện hai lần trong ngày, và cần đặt hoa trong không gian ít gió. Chỉ từ hai đến ba ngày, các loài hoa sẽ nở như ý bạn muốn. Bên cạnh đó, để kìm hãm việc nở sớm của hoa, bạn có thể giảm nhiệt độ bằng cách đặt hoa trong môi trường từ 18 - 24 độ C. Khi cây đã có nụ, bạn tiếp tục để hoa trong môi trường từ 8 - 15 độ C. Điều này sẽ kéo dài thời gian ngủ của cây, giúp cây lâu nở hơn. 

Với phương pháp hãm nước, người ta thường áp dụng cho một số loại cây mộng nước như xương rồng, hoa sứ. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn có thể áp dụng với mai. Khoảng tháng 10 và 11 âm lịch, chúng ta hạn chế việc tưới nước để hãm quá trình nở của mai, sau đó sẽ tưới đều nước (đặc biệt là nước ấm) để kích thích quá trình nở của mai vào 7 - 10 ngày giáp Tết. Với đào, người trồng đào sẽ quan sát quá trình phát triển của cây để lựa chọn việc phun tưới sao cho hiệu quả, từ lượng nước đến nhiệt độ nước. Nhìn chung quá trình chăm sóc cho đào phức tạp hơn mai, vì mai là loài cây có sức chống chịu cao hơn đào. 

Hoa mai là loài hoa phổ biến ở miền Nam trong những ngày Tết - Hình minh họa

Cắt tỉa thủ công 

Tỉa cành là cách phổ biến để tác động đến quá trình phát triển của cây, đặc biệt là kéo dài thời gian để hoa nở đúng dịp. Một số phương pháp áp dụng đồng thời như bắt chồi, hái nụ sẽ ngăn chặn việc lưu chuyển các chất dinh dưỡng từ lá xuống rễ, hạn chế việc ra hoa của cây. Đối với đào hoặc mai, việc tỉa cành, bắt nụ trước dịp Tết khoảng hai tháng để có hiệu quả cao nhất. 

Bên cạnh đó, tuốt lá sẽ góp phần không nhỏ trong việc quyết định thời gian ra hoa. Tuốt lá ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và thoát nước, tác động trực tiếp vào việc ra hoa. Tùy vào thời tiết để chọn thời gian tuốt lá. Nếu thời tiết nắng đẹp, chúng ta sẽ tuốt lá muộn hơn một chút, từ 30 - 40 ngày trước Tết, nếu thời tiết lạnh thì tuốt lá trước 50-60 ngày Tết. 

Cắt tỉa hoa thủ công - Hình minh họa

Can thiệp bằng một số thành phần hóa học bên ngoài 

“Nhất nước nhì phân” là đúc kết từ ông bà trong việc chăm sóc cây trồng. Phân bón thường được chia làm ba loại cơ bản là nitơ (đạm), phốt pho (lân), kali. Mỗi loại sẽ có mỗi lợi tích riêng trên bộ phận của cây. Theo đó, nitơ cần cho cành lá, phốt pho cần cho rễ, kali cần cho hoa, quả. Tùy thuộc vào đột phát triển của cây, người dùng sẽ cân nhắc tăng (hay giảm) lượng phân để cây phát triển đúng thời điểm. Điều này cần sự hướng dẫn và tư vấn từ những người có kiến thức và kinh nghiệm trong việc trồng hoa, khá khó cho những người chơi hoa thông thường. Bên cạnh đó, mỗi loài cây cũng có cách gia giảm lượng phân bón khác nhau. Nếu ai đã có sẵn các chậu hoa mai, hoa đào được mua từ năm trước, việc hạn chế bón phân đạm vào tháng 10 - 11 âm lịch, ngừng bón phân vào gốc rễ, tăng cường tưới nước sẽ kích thích việc ra hoa. 

Một mẹo nhỏ khác kích thích sự ra hoa là aspirin. Bạn có thể hòa tan một vài viên aspirin hoặc vài gram phân đạm, cho vào lọ cắm hoa. Việc này nhằm cung cấp một lượng khoáng chất hữu cơ, thúc đẩy quá trình ra hoa của cây. 

Bạn thường nghe về tác dụng tăng cường trí nhớ, kích thích tiến trình mọc tóc từ vitamin B1. Ít ai biết được, B1 cũng là một hợp chất giúp hoa nở nhanh hơn. Nếu hoa đào hay hoa li nhà bạn vẫn chưa nở mà 1 - 2 ngày nữa là đến Tết, bạn có thể dùng 2-3 viên B1, hòa tan với nước, tưới vào bình cắm hoa. Giải pháp này khá mắc nên chỉ áp dụng trong hộ gia đình. Bạn có thể thử xem sao nhé. 

Giấm trắng không chỉ là một chất tẩy rửa, dùng trong nấu ăn, mà còn là một phương pháp hữu hiệu kích thích việc ra hoa. Đặc biệt với đào, nếu cành đào cắm trong lọ hoặc chậu hoa chưa nở, bạn có thể hòa tan giấm trắng và đường cùng với nước. Nhỏ một vài giọt dung dịch này vô lọ cắm hoa sẽ giúp hoa nhanh nở và lâu tàn, và 2 - 3 ngày cần thay nước để tránh việc axit của giấm trong nước. Với chậu hoa, thường xuyên tưới một ít dung dịch này với nước hằng ngày sẽ làm đào nhanh nở hoa hơn. Và khi nở cũng sẽ lâu tàn hơn. 

Tết ai cũng muốn có trong nhà sắc hoa để vui cùng với cái không khí mùa xuân. Hi vọng những mẹo nhỏ trong bài viết sẽ giúp bạn có những mầu hoa thật rực rỡ trong mùa đoàn viên nhé.