ĐỜI SỐNG

Guilty pleasure - "Thú vui tội lỗi": Đấu tranh giữa tự thưởng và tự trách

HaoKhanh • 12-10-2024 • Lượt xem: 1375
Guilty pleasure - "Thú vui tội lỗi": Đấu tranh giữa tự thưởng và tự trách

Mỗi chúng ta đều có tính cách cá nhân riêng biệt và những sở thích độc đáo được dán nhãn là “Guilty pleasure” (thú vui tội lỗi). Tất nhiên có những điều tích cực và những điều tiêu cực xoay quanh nó. Điều quan trọng là bạn biết cách hòa hợp và tạo thế cân bằng để chúng đem lại cho bạn nguồn năng lượng lành mạnh, giúp bạn sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Tìm hiểu về Guilty pleasure - Thú vui tội lỗi

Guilty pleasure (thú vui tội lỗi) là bất cứ suy nghĩ, hoạt động hoặc hành vi nào đó mà cá nhân cảm thấy thích thú nhưng cũng gây ra cảm giác xấu hổ hoặc ngượng ngùng. Điều này bắt nguồn từ việc thấy rằng hoạt động hoặc suy nghĩ đó không được chấp nhận về mặt xã hội, không lành mạnh hoặc không nhất quán với bản sắc cá nhân của mỗi người.

Chắc chắn trong chúng ta ai ai cũng có ít nhất một "thú vui tội lỗi". Và bạn thường hay buông bỏ kiểm soát, giới hạn bản thân để tận hưởng nó một cách vô tư, vui vẻ

Bạn đang buồn chán vì sở hữu một thân hình có phần mũm mĩm. Bạn mong muốn có một body thon thả để xúng xính trong những bộ đầm quyến rũ. Và bạn quyết tâm giảm cân. Thế nhưng bạn không cưỡng lại được những món ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, mì xào …Dù bạn biết rằng nó chứa nhiều cholesterol không hề tốt cho sức khỏe nhưng lại không thể kiềm hãm được sức hút từ nó. Bạn ăn trong sự thích thú, vui sướng, cho “đã cái nư” nhưng sau khi ăn xong thì lại vô cùng hối hận. Thế là lại tiếp tục một vòng tuần hoàn giảm cân.

Bạn mê đắm trước một chiếc túi hàng hiệu, một đôi giày thể thao mới ra, một bộ đồ đẹp  thời trang thế nhưng trong túi lại chẳng còn tiền. Quá nhiều khoản phải chi như tiền nhà, tiền học, tiền điện nước chưa được thanh toán. Nhưng vì những phút bốc đồng, bạn vẫn quyết chốt đơn cho bằng được những món đồ mình yêu thích bằng chiếc thẻ tín dụng còn chưa trả hết nợ. Và tháng sau khi đến kỳ hạn bạn cảm thấy tội lỗi do chi tiêu quá đà.

Bạn bị sếp trách mắng vì thường xuyên đi làm trễ. Bạn đổ thừa cho muôn vàn lý do như kẹt xe, tắc đường, thời tiết xấu,…để che giấu cho những lỗi lầm của mình. Đó là thức thâu đêm suốt sáng để cày phim hay lướt facebook, tiktok hàng giờ đồng hồ. Những cám dỗ của mạng xã hội luôn đem lại sự thích thú, kích thích bạn muốn xem hoài không chán. Thế là hôm sau bạn đi làm trong một thể trạng mệt mỏi, chán nản dẫn đến “đụng đâu hỏng đó”. Bạn tự trách sẽ không làm như vậy nữa thế nhưng lần sau vẫn lặp lại.

Và còn rất nhiều những hành động “nuông chiều bản thân” khác như đọc truyện không lành mạnh, nghiện shopping, hóng drama, thích selfie, nghiện games,… mang đến cho bạn những giây phút sung sướng, hạnh phúc tuyệt vời tại thời điểm đó, nhưng có thể dẫn tới cảm giác tội lỗi và hối hận về sau.

"Thú vui tội lỗi" là con dao 2 lưỡi

“Thú vui tội lỗi kích hoạt sự giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác vui vẻ, hào hứng và thỏa mãn. Do đó, những hoạt động này có thể làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc”.

Theo một góc nhìn tích cực nhiều người cho rằng guilty pleasure giống như một liều thuốc chữa lành. Việc tham gia vào các "thú vui tội lỗi" mang lại nguồn dopamine khổng lồ giúp giải tỏa căng thẳng và cải thiện tâm trạng thông qua hoạt động mà mình yêu thích như xem phim, ăn vặt, lướt web,...

Ở một khía cạnh khác, thú vui tội lỗi còn phần nào giúp bạn “kiến tạo” bản sắc cá nhân, gây ấn tượng với mọi người vì những điều “độc và lạ”. Đôi khi nó còn kết nối mọi người có cùng sở thích, mang đến cơ hội cùng nhau khám phá và trải nghiệm. Ví dự khi tham gia vào các hoạt động mạo hiểm, thử thách đua xe, nhảy dù, leo núi dù “có phần điên rồ” nhưng khơi gợi sự sáng tạo, mang đến những cơ hội hay những ý tưởng mới.

Tuy nhiên, việc chìm đắm vào những "thú vui tội lỗi" và thực hiện nó vượt mức giới hạn cho phép sẽ đem đến nhiều hậu quả và rủi ro không mong muốn. Nó ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe, khả năng tài chính của mỗi người. Việc nghiện một thú vui nào đó tạo sự phụ thuộc khiến chúng ta hình thành thói quen sống không lành mạnh, sống thiếu trách nhiệm và mất động lực để vượt qua khó khăn. Ngoài ra và vì bảo vệ thú vui đó mà bạn gây căng thẳng với những mối quan hệ khác như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khi họ không thích, ngăn cấm hoặc không ủng hộ.

Tận hưởng “thú vui tội lỗi” một cách tích cực và có chừng mực

Chúng ta có thể hoàn toàn tận hưởng "thú vui tội lỗi" theo một cách tích cực bằng cách ấn định thời gian nhất định cho nó. Chẳng hạn bạn chỉ cho phép mình thức thêm 15 phút để xem phim thay vì tới 4h sáng, ngủ nướng thêm 30 phút vào những ngày cuối tuần.

Thay vì bị thu hút bởi những hoạt động không lành mạnh và chìm đắm trong đó, hãy làm sao lãng nó bởi những việc tích cực hơn như nghe nhạc, đi spa, hội họp bạn bè và dành thời gian cho gia đình.

Biến "thú vui tội lỗi" thành thành phần thưởng. Ví dụ sau khi làm việc nhà sẽ tự thưởng cho mình một ly trà sữa, sau khi hoàn thành KPI sẽ tự thưởng cho mình một chiếc túi đắt tiền. Điều đó sẽ giúp bạn có những niềm vui nho nhỏ sau khi đạt được mục tiêu, tận hưởng cảm giác thoải mái mà không còn cảm giác tội lỗi. Là động lực để thúc đẩy hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Việc quản lý “thú vui tội lỗi” rất quan trọng vì nó giúp chúng ta tận dụng tối đa những điểm tích cực và hạn chế những rủi ro. Hãy học cách hưởng thụ "thú vui tội lỗi" có điều độ để đem lại sự cân bằng lành mạnh, giúp bạn giải tỏa áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống và làm cho mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.


Tag: