ĐỜI SỐNG

Hai ‘căn bệnh’ tâm lý bùng nổ thời hiện đại

Cẩm Chi • 05-11-2022 • Lượt xem: 477
Hai ‘căn bệnh’ tâm lý bùng nổ thời hiện đại

Tháng 10 vừa qua thế giới đã chứng kiến bốn thảm kịch hàng loạt ở Indonesia, Hàn Quốc, Congo và Ấn Độ. Hàng trăm người thiệt mạng vì đám đông xô đẩy và giẫm đạp. Thế nhưng hàng triệu triệu con người khác đang rơi vào cuộc khủng hoảng tâm lý về đám đông và nỗi lo sợ. 

Hội chứng sợ đám đông - không chỉ là tâm lý

Vụ tai nạn Itaewon của Seoul, dẫn đến 156 người thiệt mạng dường như đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Người Hàn Quốc, những người đã quá quen với mật độ đô thị và tình trạng đông đúc trên đường phố, giờ đây đột nhiên lưu ý đến mức độ nguy hiểm của các điều kiện này. Vào giờ cao điểm sáng sớm hay chiều tan làm, các tàu điện ngầm ở Seoul chật cứng đến mức có thể dẫn đến khó thở hoặc hoảng sợ cho một số hành khách. Người đi làm gọi là "địa ngục", khi những người trong các tàu điện ngầm chật cứng bị dồn ép vào nhau, không thể di chuyển tự do. Nhiều người lo lắng, bất an và thậm chí xuống tàu khi tham gia các đám đông nơi công cộng.

Nhiều người Hàn Quốc sợ đi tới chốn công cộng đông người sau thảm kịch

Vấn đề này là điều thường xuyên sau mỗi đợt thảm kịch kinh hoàng xảy ra. Hội chứng sợ đám đông (Enochlophobia) là tình trạng sợ hãi quá mức và kéo dài về những tình huống có sự xuất hiện của nhiều người. Đây thực chất là một dạng của rối loạn lo âu ám ảnh sợ đặc hiệu hay hội chứng sợ nơi công cộng và hội chứng sợ khoảng trống.

Hội chứng sợ đám đông thường ảnh hưởng nhiều đến những người sống nội tâm hoặc những người có bản tính nhút nhát, sợ sệt. Nhiều người bệnh cảm giác bị chà đạp hoặc nghiền nát bởi đám đông, sợ hãi vi trùng hoặc virus do tiếp xúc gần gũi với người bệnh xung quanh họ; sợ bị lạc, cảm thấy không an toàn khi bị bao vây bởi những người lạ mặt. Vì vậy bệnh nhân có xu hướng né tránh với những tình huống đông người như siêu thị, đường sá đông đúc, các trung tâm thương mại, tàu điện ngầm, xe bus,..

Nỗi sợ thái quá khiến bệnh nhân có xu hướng né tránh với nhiều tình huống dẫn đến giới hạn cơ hội nghề nghiệp, việc học và các mối quan hệ xã hội… Nếu phải đối mặt với những tình huống có đám đông, người bệnh sẽ khởi phát sự sợ hãi, hoảng loạn quá độ và khó kiểm soát được hành vi, lời nói; rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu.

Bên cạnh những người sợ hãi, phần nhiều trong số đó bắt đầu để ý hơn đến sự nguy hiểm của đám đông và học kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm, sơ cấp cứu, bảo vệ bản thân… "Nếu có nhiều người biết cách hô hấp nhân tạo tại hiện trường, số người chết sẽ giảm. Sau vụ tai nạn, tôi quyết định học hô hấp nhân tạo”. - Nhiều bạn trẻ cho hay.

Trên thực tế, sau khi vụ việc xảy ra, các tổ chức đào tạo về hô hấp nhân tạo và các kỹ năng sơ cứu khác đã nhận thấy nhu cầu học những kỹ năng này của người dân tăng gấp đôi. Đồng thời nhiều người dân nâng tầm quan trọng của việc tăng cường đào tạo kỹ năng CPR trong các trường học và cộng đồng công cộng.

Hikikomori – người trẻ tự xa lánh cộng đồng

Tại Nhật Bản, đất nước phát triển nhanh nhất thế giới với muôn vàn áp lực của lối sống hiện đại điển hình. Lối sống này đã sản sinh ra một căn bệnh lạ Hikikomori. Hikikomori (trong tiếng Nhật có nghĩa là rút lui, ở ẩn; hiện đang ảnh hưởng đến gần một triệu người Nhật). Thay vì giao tiếp với thế giới xung quanh; một người Hikikomori sẽ tự cách ly mình với cuộc sống. Người bệnh bắt đầu bỏ học, sợ phải đi ra ngoài và sợ gặp mọi người, thậm chí cả cha mẹ mình. Trong một cuộc khảo sát được công bố năm 2014, thanh niên Nhật Bản xếp ở mức độ thấp nhất về sự hài lòng với bản thân. Có 92,5% thanh niên Nhật Bản tự cảm nhận được mình không thoả mãn yêu cầu của nền kinh tế, dẫn đến tuyệt vọng

Để tránh nhìn thấy thế giới, họ nhốt mình trong phòng nhiều tháng; ngủ cả ngày và lướt internet hay xem ti-vi suốt đêm. Đa phần các hikikomori chọn lối sống “ngủ ngày cày đêm”. Ban ngày, họ thường đi ngủ và khi đêm xuống, họ sẽ tiếp tục các sở thích của mình. Câu chuyện về những chàng trai đã ở trong căn phòng của mình 2 năm, 3 năm thậm chí là 10 năm mà không hề ra ngoài là điều rất bình thường tại Nhật Bản.

Theo bác sĩ tâm thần kiêm Giáo sư Đại học Tsukuba, Saito Tamak “Hikikomori không phải là tội phạm bạo lực hay bệnh nhân rối loạn tâm thần”. Họ không mắc bệnh hay có xu hướng thích làm điều ác, mà chỉ đơn giản là những con người yếu đuối về tâm hồn, không dám đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Bệnh nhân Hikikomori thường là những thanh niên gặp áp lực phải thi đỗ vào trường tốt; và kiếm được công việc lương cao, danh giá. Họ đã lựa chọn thế giới ảo làm điểm tựa tinh thần duy nhất cho bản thân, trốn tránh sự mệt mỏi với những mối quan hệ rắc rối. Ngoài ra, sự phát triển thần tốc của các phương tiện giải trí thời hiện đại như: phim hoạt hình, truyện tranh, internet và game…cũng có những tác động không nhỏ đến hội chứng Hikikomori. 

Hikikomori là chứng bệnh căn bệnh thời đại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những bậc phụ huynh; đặt quá nhiều kỳ vọng và sức ép vào con cái. Các chuyên gia tâm lý đều cho rằng hội chứng Hikikomori có thể chữa khỏi, bệnh có thể hồi phục và người bệnh có thể tái hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, việc này không  hề đơn giản, chưa kể đến việc cần phát hiện bệnh càng sớm càng tốt rất khó khăn, bởi thế sự quan tâm và động viên giúp sức là trách nhiệm của mỗi người, không chỉ ở bạn bè, người thân, gia đình, nhà trường, mà của cả toàn xã hội.