ĐỜI SỐNG

Hai cô gái Dao đỏ thế hệ Gen Z và những món quà cho du khách

Nguyễn Hậu • 02-08-2023 • Lượt xem: 854
Hai cô gái Dao đỏ thế hệ Gen Z và những món quà cho du khách

Người dân tộc Dao đỏ vốn nổi tiếng với nghề làm thuốc từ cây thảo dược. Thế hệ trẻ Gen Z người Dao đỏ đang tiếp nối và phát triển nó thành những món quà đậm chất văn hóa địa phương.

Hai cô gái người Dao trẻ tuổi Tần Tả Mẩy, sinh năm 2001 và Chảo San Mẩy, sinh năm 1999 là bạn học cùng lớp tiếng Anh, hiện đang là cộng sự của nhau trong hành trình lập nghiệp tại quê hương Sapa, Lào Cai. Hai cô gái đã cùng nhau thành lập một doanh nghiệp xã hội do người dân tộc thiểu số sở hữu và điều hành. Sản phẩm chính là một số mặt hàng, mỹ phẩm làm đẹp được chiết xuất từ thiên nhiên. Dựa trên kiến thức về các phương thuốc cổ truyền của người Dao đỏ truyền lại. Với sự giúp đỡ của các thầy giáo người nước ngoài, Chảo San Mẩy và Tần Tả Mẩy đã cùng nhau tìm tòi, học hỏi và tự mình tạo ra những sản phẩm độc đáo và cho ra đời thương hiệu Red Dao.

Thế hệ Gen Z Dao đỏ: Chảo San Mẩy và Tần Tả Mẩy

Chảo San Mẩy chia sẻ: Sapa là một vùng đất rất đẹp nhưng vẫn còn thiếu những món quà mang đậm chất văn hóa của người địa phương. Người Dao đỏ sinh sống tại đây có rất nhiều kiến thức về các loại thảo dược núi. Từ đó Chảo San Mẩy đã cùng với Tần Tả Mẩy xây dựng ý tưởng và phát triển ra những sản phẩm mang tính đặc hữu địa phương kết hợp giữa bản sắc truyền thống và nét hiện đại. Khi khách du lịch đến, người ta có thể mua về làm quà và đồng thời cũng quảng bá nét văn hóa truyền thống của mình. Cốt yếu nhất vẫn là gìn giữ được kiến thức quý báu về thảo dược núi của người Dao đỏ từ xa xưa được truyền lại.

Là người bản địa thông thạo địa bàn cộng với những kiến thức kinh nghiệm được truyền lại từ mẹ và bà nên hai cô gái không gặp khó khăn gì trong việc tìm và hái lá thuốc. Các loại thảo dược như bạc hà, thảo quả, tía tô, chùa dù... được hai cô gái hái đem về để thử nghiệm cho sản phẩm mới. Các sản phẩm tạo ra đều là hữu cơ và trong công thức đều có các loại thuốc đặc trưng của người Dao đỏ. Để tạo ra được một bánh xà phòng thủ công, hai cô gái đã phải tự mình tìm hiểu quy trình, cách làm, công thức và tỷ lệ các chất. Trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại rồi lại kiên nhẫn làm lại cuối cùng những bánh xà phòng đầu tiên cũng ra đời. Nhưng sản phẩm chưa mang nhiều đặc trưng của thảo dược người Dao, chủ yếu là các mùi hương của bạc hà, cam, xả, chanh... Vậy nên các cô gái này đã quyết thử nghiệm thêm nhiều thảo dược hơn nữa. Cứ như vậy đến nay Red Dao đã cho ra đời 6 loại xà phòng với 6 mùi hương khác nhau. Mỗi loại lại được kết hợp từ nhiều loại thảo dược bản địa của người Dao.

Hành trình thử nghiệm để tạo ra sản phẩm của hai cô gái

Tần Tả Mẩy chia sẻ: "Để làm ra được sản phẩm thì phải thử nghiệm cây thảo dược với các loại tinh dầu làm sao để trong sản phẩm đó phải có nét văn hóa của người Dao. Nhiều loại cây thảo dược tốt nhưng cho vào sản phẩm lại tạo ra những rủi ro, vì vậy chúng tôi phải lựa chọn cây thuốc nào mà thấy phù hợp".

Một trong những sản phẩm của hai cô gái người Dao đỏ

Không chỉ chú trọng vào chất lượng sản phẩm, hai cô gái còn chú trọng trong khâu đóng gói và làm bao bì. Mong muốn đưa hình ảnh người Dao đỏ đến với khách du lịch nên họ đã lựa chọn hai tông màu đen đỏ chủ đạo trong thiết kế hộp đựng. Bên cạnh đó logo thương hiệu, khuôn bánh xà phòng cũng có đường nét hoa văn đặc trưng của người Dao đỏ. Dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng hai cô gái này đã đưa được bản sắc văn hóa Dao vào từng sản phẩm một cách rõ nét nhất.

Bản sắc người Dao được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ nhất.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất xà phòng, họ còn ước mơ xây dựng một doanh nghiệp lớn mạnh, hình thành một vùng trồng thảo dược vừa để bảo tồn tri thức bản địa quý báu của người Dao vừa tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dựa trên thế mạnh vốn có.