ĐỜI SỐNG

Hải Vân Quan - Di tích lịch sử được ví là ‘Thiên hạ đệ nhất hùng quan’

Diễm Chi • 26-09-2023 • Lượt xem: 1529
Hải Vân Quan - Di tích lịch sử được ví là ‘Thiên hạ đệ nhất hùng quan’

Tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân, giữa ranh giới Huế và Đà Nẵng, Hải Vân Quan, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, là một trong những di tích lịch sử lâu đời mang nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa mà ông cha ta đã xây dựng và gìn giữ từ đời này sang đời khác.

Xem thêm:

Gợi ý các hoạt động tham quan Huế vào mùa thu

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” trên đỉnh đèo Hải Vân cao chót vót

Tọa lạc tại ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, độ cao 490m so với mực nước biển. 

Hải Vân quan là một công trình kiến trúc mang tính quân sự được xây dựng vào năm 1826 thời nhà Nguyễn. Trên cửa có hướng nhìn về phía phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, tương tự, trên cửa có hướng nhìn xuống Quảng Nam được đề dòng chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.  

Hải Vân Quan được xây dựng có ba cửa chính lần lượt là cửa trước, cửa sau và cửa tò vò.

Với vị thế tự nhiên và tầm nhìn chiến lược, phát huy tối đa được ưu điểm vượt trội của địa hình, trong một lần Chúa Nguyễn Hoàng đến xem vị trí cửa ải trên đèo, nơi đây cũng được mệnh danh là “yết hầu của vùng Thuận Quảng”. Mãi về sau này, khi vua Gia Long lên ngôi, ông cũng cho quân đến Hải Vân Quan để canh giữ.

Nhìn thấu nơi đây là cửa ải quan trọng chiến lược, tiếp nối vua chua Gia Long của mình, vua Minh Mạng đã cử 2 đội ứng sai và 4 đội hữu sai vận chuyển các trang bị và súng ống bao gồm 5 cỗ súng quá sơn bằng đồng, 100 cây pháo thăng thiên, 200 ống phun lửa và thuốc đạn theo súng lên nơi đây.  

Đặc biệt, trong giai đoạn năm 1946 – 1975, Hải Vân Quan còn được lựa chọn trở thành căn cứ quân sự để quân lính có thể giữ được con đường huyết mạch Bắc Nam. Vì vậy, công trình đã được mở rộng lên phía trên để tăng tầm nhìn kiểm soát. Bên cạnh đó, hai cổng lần lượt là Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan cũng được xây dựng thêm những hệ thống pháo đài công sự chuyên dùng để quan sát và đặt súng ống.

Một trong những chiến thắng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược không thể không kể đến chính là trận đánh Đồn Nhất của Đại đội 6, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, Liên khu V trong chiến dịch hè thu 1952-1954.

Cùng với dòng chảy thời gian, Hải Quan Vân không chỉ đơn thuần là một danh thắng hùng vĩ, đây còn là một di tích, một minh chứng cho những giá trị về lịch sử và văn hóa về một thời thời kỳ oai hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của ông cha ta. 

Một lớp tường đá phủ đầy rêu xanh ở Hải Vân Quan minh chứng cho những dấu vết của thời gian.

Do nằm trên đỉnh núi cao với khí hậu khắc nghiệt, nhiều mây, mưa quanh năm, thêm vào đó là sự tàn phá của chiến tranh, tường luỹ và cửa của di tích đã bị hư hại khá nhiều.

Tuy nhiên, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã bắt tay, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng khởi công trùng tu, phục hồi theo đề án tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc của triều Nguyễn bắt đầu từ ngày 19/12/2021. 

Giờ đây, sau gần 2 năm thực hiện, tiến độ trùng tu đã đạt được 95%, trong thời gian sắp tới đây, du khách đến thăm sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng Hải Vân Quan được khoác lên mình một chiếc áo mới với những giá trị từ xa xưa vẫn được gìn giữ một cách vẹn nguyên.

Sau khi hoàn thành tu bổ, di tích lịch sử Hải Vân Quan hùng vĩ sẽ có tổng diện tích là 6.500 m2.

Hải Vân Quan - Minh chứng lịch sử hào hùng về một thời đã qua

Có thể nói, Hải Vân Quan là một trong những công trình kiến trúc lịch sử không chỉ thu hút một lượng lớn sự chú ý của du khách trong mà còn là ngoài nước.

Do được xây dựng từ thời Nguyễn nên kiến trúc Hải Vân Quan mang đậm những nét kiến trúc đặc trưng của giai đoạn này.

Một bia đá với những họa tiết đặc trưng thời nhà Nguyễn.

Cửa ra vào Hải Vân Quan được xây dựng theo lối hình vòm cung giống Kinh Thành Huế với ba cửa lần lượt là cửa trước có bề dài và bề cao là 15 thước, bề ngang 17 thước 1 tấc, cửa sau có bề cao 15 thước, bề dài 11 thước, bề ngang 18 thước 1 tấc, và cuối cùng cửa tò vò có bề cao 10 thước 8 tấc, bề ngang 8 thước 1 tấc.

Có dịp đến đây, du khách không chỉ được thăm quan một di tích lịch sử cổ xưa mà còn được ngắm nhìn quang cảnh hùng vĩ và tươi đẹp của đèo Hải Vân. 

Đứng ở cửa quan, phóng tầm mắt ra xa về phía đèo Hải Vân, du khách sẽ không khỏi cảm thấy “nghẹt thở” khi được chiêm ngưỡng tận mắt những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những cung đường đèo quanh co uốn lượn, xa xa là mặt nước biển trong xanh với làn sóng nhấp nhô rì rào kéo dài đến bầu trời xanh cao vời vợi.

Cảnh quan núi non hùng vĩ cùng những con đường quanh co uốn lượn như được thu vào tầm mắt khi đứng quan sát tại Hải Vân Quan.

Để đến được Thiên hạ đệ nhất hùng quan, du khách có thể lựa chọn di chuyển từ kinh thành Huế theo các cung đường An Dương Vương – Nguyễn Tất Thành. Sau khi di chuyển được đoạn đường khoảng 60km, du khách tiếp tục đi men theo Quốc lộ 1A, rẽ trái tại cà phê Bình Châu, di chuyển khoảng 53m, rẽ phải tại hướng đi Hải Vân Quan và cuối cùng đi thêm 13m là tới được di tích này.

Do có địa thế khá hiểm trở, nên để di chuyển đến Hải Vân Quan, du khách cũng cần lưu ý mang theo một số những vật dụng cần thiết, di chuyển một cách chậm rãi nhất là ở những khúc cua.

Đặc biệt, di tích lịch sử Hải Vân Quan còn cách khá gần các khu du lịch nổi tiếng khác như con đường thiên lý Bắc – Nam, Bãi Chuối, Cây thông cô đơn, Suối Lương,...