GIẢI TRÍ

Hàn Quốc áp dụng công nghệ 'không tiếp xúc' trong các rạp phim

Anh Châu • 12-05-2020 • Lượt xem: 1101
Hàn Quốc áp dụng công nghệ 'không tiếp xúc' trong các rạp phim

Nhằm tránh tiếp xúc và phòng chống Covid-19, Hàn Quốc đã xây dựng một công nghệ mới để mọi người có thể an tâm hơn khi đến các rạp phim trong mùa dịch bệnh.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới bị đứng lại. Một trong những ngành phát triển buộc phải đứng lại, bị ảnh hưởng nặng nề thuộc nhóm lĩnh vực giải trí. Không chỉ ở các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật, Hàn,... lĩnh vực giải trí của Việt Nam cũng ảnh hưởng không nhỏ.

Theo thống kê, đứng đầu phòng vé tuần rồi là Rainy Day in New York của đạo diễn Woody Allen với 344.000 USD từ 46.700 phòng chiếu. Trolls World Tour đứng ở vị trí thứ 2 với 126.000 USD. Sau 2 tuần công chiếu, phim hoạt hình này của hãng Universal đã thu được 750.000 USD. Theo Hollywood Reporter, doanh thu phòng vé tuần này của Hàn Quốc chỉ bằng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc ngành công nghiệp điện ảnh phải bắt kịp với cuộc sống sau đại dịch. Nhưng để trở lại "cuộc sống bình thường" như trước kia có lẽ phải mất thêm một khoảng thời gian dài.


Ngành công nghiệp điện ảnh trong và ngoài nước ảnh hưởng rất nhiều vì đại dịch Covid-19. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Trong khu vực Châu Á, Hàn Quốc được xem là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Ngành công nghiệp điện ảnh là một trong những nạn nhân lớn nhất của đại dịch này tại xứ sở Kim Chi. Hàng chục bộ phim điện ảnh trong nước và nước ngoài được lên kế hoạch khởi chiếu vào mùa xuân đã phải lên lịch lại vì mọi người không muốn ở trong không gian kín như rạp chiếu phim. Kết quả là, tổng doanh thu đã giảm 88% trong năm, lên tới 15,2 tỷ won trong tháng 3, trong khi các chuỗi phức hợp giải trí phải đóng cửa một số rạp chiếu phim suốt khoảng một tháng trong các nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của mình. Và sau thời gian đỉnh của dịch bệnh, Hàn Quốc cho mở lại các rạp phim vào ngày 3/5. Tuy nhiên, do không có phim mới nên hầu hết đều chiếu các bộ phim cũ. Một phần vì e ngại dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại, nên phần đông mọi người đều lựa chọn cách giải trí tại nhà.

Thấy được mối nguy đó, Hàn Quốc đã đi đầu trong công cuộc xây dựng, phát triển công nghệ 'không tiếp xúc' trong các rạp phim để mọi người có thể an tâm hơn. Cụ thể, CJ-CGV – hệ thống rạp lớn nhất Hàn Quốc – đã biến chi nhánh của mình tại Yeouido thành mô hình rạp chiếu phim “không tiếp xúc” vào tháng 4 và có ý định sẽ nhân rộng công nghệ này. Rạp chiếu phim "không tiếp xúc" là một phần trong dự án chuyển đổi kỹ thuật số nhằm mục đích giúp khách hàng tiết kiệm thời gian chờ đợi mua vé và đồ ăn. Ngoài ra, nhân viên cũng có thể tập trung hơn vào công việc của mình, như chuẩn bị đồ ăn thay vì phải xử lý việc thanh toán và nhiều nhiệm vụ khác.


Hộp nhận đồ tại rạp chiếu phim theo công nghệ 'không tiếp xúc'

Robot tự lái tại rạp chiếu phim ở Hàn Quốc được xem là một giải pháp thông minh trong thời điểm hiện nay.

Công ty này đã thay thế các nhân viên bằng người máy thông minh. Chúng sẽ đảm nhận hầu hết công việc trong rạp từ bán vé cho đến bảo đảm an ninh. Chưa hết, các ki-ốt tự động và ứng dụng dịch vụ di động cũng được đưa vào sử dụng triệt để. Quầy bán đồ ăn nhẹ được thay thế bằng các hộp lấy hàng có điều khiển bằng đèn LED, cung cấp các mặt hàng thực phẩm được đặt hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Các robot tự lái, được gọi là “Check-bot”, cao khoảng 1,5 mét, được thiết lập đi xung quanh hành lang để cung cấp thông tin cho khách hàng về lịch chiếu phim hàng ngày hay chỉ dẫn họ lối vào nhà vệ sinh.

Oh Dae-sik - người đứng đầu nhóm công nghệ "không tiếp xúc" cho biết: “Trong bối cảnh "bình thường mới", nhu cầu không tiếp xúc với người tại rạp của khán giả tăng mạnh. Chúng tôi sẽ theo dõi phản hồi từ khán giả và nhân viên điều hành, xem xét mở rộng hệ thống rạp chiếu phim không tiếp xúc rộng rãi. Điều này ​​sẽ nâng cao mức độ thuận tiện cho khách hàng cũng như hiệu quả hoạt động của rạp chiếu phim”.

Bên cạnh CGV, Lotte Cinema cũng đã áp dụng các dịch vụ không tiếp xúc ở 22 trong số 130 rạp chiếu phim của mình vào cuối tháng vừa qua. Khán giả có thể đặt trước, nhận vé và đặt mua đồ ăn nhẹ trên các ki-ốt thông minh với hệ thống nhận dạng giọng nói. Để mua vé cho các bộ phim không được phép cho các nhóm tuổi nhất định, khán giả cần quét thẻ ID của họ.