“Harold And The Purple Crayon” (tựa Việt “Harold và cây bút phép thuật”) là bộ phim được chuyển thể từ bộ sách cùng tên của họa sĩ tranh Crockett Johnson từ năm 1955, từng được nhiều thế hệ trẻ em trên khắp thế giới yêu thích.
Chủ đề chính xuyên suốt bộ phim liên quan đến sự sáng tạo, cụ thể là cách chúng ta có thể vận dụng trí tưởng tượng của mình để sáng tạo hoặc làm những điều mang lại thay đổi tích cực cho cuộc sống của chính mình và cả người khác. Và dù chúng ta không có những cây bút chì màu tím kỳ diệu của riêng mình, bộ phim cũng gợi ý rằng, chúng ta vẫn có thể tác động đến người khác theo cách riêng của mình. Để đạt được điều đó, chúng ta cũng được nhắc nhở rằng “Chúng ta để lại dấu ấn trong những cuộc đời mà chúng ta thay đổi”, và ta phải biết biến những dấu ấn đó trở nên tích cực thay vì tiêu cực. Tương tự như vậy, khi ai đó bắt đầu sử dụng bút chì màu cho mục đích xấu xa, Harold đều cố gắng thuyết phục rằng, sức mạnh của bút chì màu không dành cho những mục đích xấu.
Dàn diễn viên Harold Và Cây Bút Phép Thuật
Hai người chịu tác động từ hành động của Harold là một bà mẹ với đứa con trai của mình, Terry và Mel. Cả hai đều đang phải vật lộn với nỗi đau mất chồng và mất cha. Đặc biệt, kể từ khi chồng qua đời, Terry đã chẳng còn vui vẻ nữa. Cô ấy từ bỏ niềm đam mê chơi piano và nhận một công việc mà cô không thích để chu cấp cho Mel. Tuy nhiên, Harold thuyết phục Terry tiếp tục trau dồi và mài dũa tài năng chơi piano ở những địa điểm công cộng, điều này đã thu hút được nhiều khán giả và giúp Terry lấy lại sự tự tin vào bản thân.
Harold, Moose và Porcupine đều có ý tốt, nhưng vô tình, sự thiếu hiểu biết của họ về thế giới thực đã vô tình gây ra sự hỗn loạn khắp thành phố. Và mặc dù không biết rằng, Harold và những người bạn của cậu ta chẳng qua cũng chỉ là bộ ba ảo ảnh, nhưng nỗ lực ban đầu của Terry nhằm bảo vệ Mel khỏi những người mà cô cho là nguy hiểm thật đáng ngưỡng mộ.
Khi mọi thứ Harold vẽ đều trở thành hiện thực!
Khi người sáng tạo ra Harold, một người kể chuyện vô danh trong thế giới của cậu mà cậu trìu mến gọi là Ông già, lần đầu tiên tạo ra cậu, Harold chỉ là một đứa trẻ 2-D tay cầm một cây bút chì màu tím - thứ mà cậu dùng để dựng lên thế giới xung quanh mình.
Nhiều thập kỷ sau, thế giới từng chỉ toàn là màu trắng của Harold giờ đã trở thành một xứ sở thần tiên ngập tràn màu tím, nơi cậu khám phá và tạo ra cùng hai người bạn thân nhất của mình là Moose và Porcupine. Nhưng tất cả những sáng tạo đó lại khiến Harold phải tìm câu trả lời từ Old Man bằng một câu hỏi sâu sắc hơn nhiều so với những câu bông đùa thường ngày của họ.
“Sao ông lại vẽ ra con?” Harold hỏi.
Và cậu chẳng nhận được câu trả lời nào cả. Nhưng mà câu hỏi đó, cũng như những gì mà cậu vẽ ra, đều chỉ nằm trong thế giới của cậu. Đó chính là lý do tại sao Harold không thể không viết nguệch ngoạc một cánh cửa có dòng chữ “Thế giới thực” lên đó - với niềm hy vọng mãnh liệt rằng cậu có thể gặp được người tạo ra mình ngoài đời thực.
Thế là sau đó, Harold mở được cánh cửa và tiến ra thế giới của chúng ta - chính xác là Providence, Rhode Island - cùng với hai người bạn Moose và Porcupine. Bí ẩn thay, họ đến thế giới thực dưới hình dạng của một con người, phép màu này rõ ràng là do cánh cổng ấy gây ra.
Và - chắc chắn rồi - Ông già! - ông ấy ở đó.
Sau khi bị “tạt một gáo nước lạnh”, Harold đã nhận ra rằng, trên thế giới này có vô vàn người đàn ông lớn tuổi, như Ông già vậy. Thế thì cuộc tìm kiếm này có lẽ sẽ mất thời gian hơn Harold nghĩ.
Nhưng không sao! Với niềm tin vào cây bút chì màu tím của mình, Harold vẽ ra xe đạp, máy bay và đủ loại đồ vật mà cậu nghĩ chúng sẽ giúp cậu tìm thấy Ông già của mình nhanh nhất có thể.
Nhưng khi Harold vẽ bất cứ thứ gì mà cậu thích, cậu cũng thu hút rất nhiều sự chú ý của những người xung quanh - bao gồm cả những người muốn sử dụng cây bút chì màu tím diệu kỳ của cậu cho những mục đích xấu xa của riêng họ…
Các yếu tố về tinh thần
Có rất nhiều điều để nói về khuôn khổ thần học, niềm tin tâm linh của bộ phim, nó có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều so với một cây bút chì màu tím bình thường. Cuối cùng, cốt truyện chính xoay quanh một quan điểm rất linh thiêng về hành động sáng tạo - bao gồm một số chủ đề mà các bậc cha mẹ theo đạo Thiên chúa có thể sử dụng để trò chuyện với con cái về thần học Thiên chúa giáo.
Harold khao khát được gặp trực tiếp người tạo ra mình, tích cực tìm kiếm ông khi nhận ra mình có thể du hành đến thế giới thực. Cụ thể hơn, cậu tự hỏi rằng mục đích ban đầu tạo ra mình của Ông già là gì - một câu trả lời mà chúng ta sẽ được khám phá ở cuối phim (và được mô tả trong phần cân nhắc có tiết lộ nội dung phim bên dưới).
Cây bút chì màu cũng đi kèm với các yếu tố tâm linh thú vị. Một số người nói cây bút chì màu như là ma thuật, và có người thì nói rằng nó được tạo ra từ “trí tưởng tượng thuần khiết”. Tuy nhiên, Moose nói đùa rằng, nó thực sự “hơn cả khoa học”. Tuy nhiên, Harold phát hiện ra rằng, cây bút chì màu đó chỉ có tác dụng nếu cậu tin vào sức mạnh sáng tạo của nó - một khi cậu nảy ra niềm nghi ngờ, điều đó sẽ khiến mọi nét vẽ nguệch ngoạc trước đó của cậu phai thành bụi tím. Các bậc cha mẹ có thể cân nhắc áp dụng khía cạnh này của bộ phim để trò chuyện với con trẻ về việc cần có niềm tin vững vàng, bất kể nỗi sợ hãi và khó khăn.
Cây bút chì màu có thể làm cho các sinh vật được nó phác họa trở nên sống động, và một người đàn ông gợi ý về việc sử dụng bút chì màu để sáng tạo ra một con người. Một người nào đó được truyền cho sức mạnh nhiệm màu. Một người nào đó đã trích dẫn sai câu Matthew 16:18 khi nói rằng “Trên tảng đá này, tôi sẽ xây dựng vương quốc của tôi”.
Cuối cùng, Harold trở nên hoảng loạn khi biết rằng, người đàn ông đã tạo ra cậu, Crockett Johnson ngoài đời thực, đã qua đời được một thời gian rồi, điều này đã khiến cậu trải qua một cuộc khủng hoảng về đức tin. Cậu buồn bã vì nghĩ rằng cậu sẽ không bao giờ được gặp người tạo ra mình cùng câu trả lời cho những câu hỏi về mục đích cuộc đời cậu. Tuy nhiên, cuối cùng Harold đã đọc được lá thư mà Johnson để lại cho cậu, trong đó nói rằng, mục đích của cậu là truyền cảm hứng cho những người khác hãy sử dụng trí tưởng tượng của họ để biến cuộc sống của chính họ thành những gì mà họ muốn. Johnson viết rằng, cuộc sống không phải “chỉ là những gì xảy ra với bạn - mà là những thứ do chính bạn tạo ra”.
Kết luận
Sau cùng, cốt lõi của bộ phim Harold Và Cây Bút Phép Thuật của Crockett Johnson là câu chuyện kể về những cách mà Harold sử dụng trí tưởng tượng của cậu để tạo ra thế giới của chính mình, gần như là từ con số 0. Và phiên bản phim live-action của Carlos Saldanha về câu chuyện đó đã thêm một chút khủng hoảng hiện sinh vào trong câu chuyện đó.
Được rồi, không đến nỗi quá kịch tính. Nhưng tôi hoàn toàn không ngờ là sẽ được xem một phiên bản trưởng thành của Harold, cậu bé khao khát được gặp người tạo ra mình để hỏi ý nghĩa cuộc sống của cậu là gì.
Nếu Harold không phải là một bộ phim hài dành cho trẻ em, thì nó có thể đi sâu hơn vào những chủ đề tâm linh. Thay vào đó, giống như nét vẽ nguệch ngoạc đầu tiên trên giấy, nó phác họa những nét chính vào phần đầu của một cuộc trò chuyện thiêng liêng, mà các gia đình sẽ phải sử dụng trí tưởng tượng của riêng mình để hoàn thành.
Và “những nét khái quát mơ hồ” có thể là một cách hay ho để mô tả một số yếu tố khác của bộ phim này nữa, như là: nội dung có yếu tố bạo lực có thể trở nên nguy hiểm nhưng không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, cùng lắm là gây ra chút bất hòa. Trong khi người lớn có thể hiểu được ý nghĩa ẩn dụ trong câu này, nhưng còn trẻ em thì chưa chắc. (Một lá cờ lục sắc thoáng hiện ở phía sau cũng nên được chú ý đến, một hình ảnh chỉ xuất hiện chớp nhoáng). Vì vậy, mặc dù còn tồn tại một số vấn đề nhỏ về nội dung và cần được lưu ý, nhưng có rất ít vấn đề ở đây thực sự gây phản cảm.
Cuối cùng, Harold Và Cây Bút Phép Thuật là một câu chuyện vui nhộn, mặc dù có phần hơi kỳ lạ. Những thông điệp tích cực của nó có thể mang lại sự đồng cảm với các gia đình. Và những dòng chảy tâm linh ẩn chứa trong cốt truyện có thể cung cấp cho các bậc cha mẹ theo đạo Thiên chúa một cách tiếp cận nhẹ nhàng và dễ chịu để trò chuyện với con cái của mình về việc đi tìm Đấng Tạo Hóa của chúng ta.