Một thông điệp sâu sắc và ý nghĩa về việc sống chân thật với bản thân, đặc biệt là trong môi trường xã hội thường xuyên đòi hỏi chúng ta phải đeo “mặt nạ” và che giấu cảm xúc thật của mình.
Chúng ta đang sống trong một thế giới liên tục bảo chúng ta phải làm gì, cư xử như thế nào, phải là ai. “Biết thật thà với bản thân” và “sống cuộc sống mình mong muốn” có thể là một thách thức.
Khi có ai đó hỏi thăm, chúng ta cũng cho rằng người đó không có ý chân thành để dẫn đến một cuộc trò chuyện sâu sắc. Vì vậy chúng ta thường trả lời qua loa rằng “Tôi ổn”, “Tôi khỏe” ngay cả khi không phải như thế. Trong lý tưởng của mình, chúng ta sẽ thật sự lắng nghe, chúng ta không sợ bộc bạch chính mình. Nhưng thay vào đó, chúng ta trả lời với thế giới bằng chiếc mặt nạ của mình. Đôi khi chiếc mặt nạ đó quá chặt và thậm chí không dễ để cởi bỏ ngay cả khi bạn ở một mình. Hãy tháo xuống chiếc mặt nạ và tưởng tượng một thế giới không cần đến nó, để rồi bạn có thể nói tường tận mọi thứ, để được nâng đỡ bất kể bạn có ra sao đi nữa, và không cần bạn lúc nào cũng phải tỏ ra tích cực.
Theo nhà tâm lý học người Đan Mạch Svend Brinkman, chúng ta mong hạnh phúc tốt đẹp đến cho nhau, và đến với chính mình. Và điều đó cũng có mặt tối. Tuy có nhiều lợi ích, tâm lý học tích cực cũng có cái giá phải trả cho việc che giấu cảm xúc thực sự của bạn để tỏ ra vui vẻ với người khác. Không ai tích cực được mãi, mặc dù đó là điều mà văn hóa cuộc sống đã dạy chúng ta phải chấp nhận. Việc luôn nói rằng “tôi ổn” thực sự có hại cho sức khỏe tinh thần của bạn, vì điều đó ngăn cản bản thân bạn khỏi sự chân thật, ngăn cản bạn thành thật với chính mình.
Cảm xúc tồn tại chỉ bởi một lý do: để được cảm nhận. Khi thừa nhận một cảm xúc, bạn sẽ được dẫn dắt tới vấn đề đã gây ra cảm xúc - không có nghĩa là bạn phải hành động theo cảm xúc đó, mà một khi bạn nhận ra được vấn đề thì bạn mới có cách giải quyết. Nếu bạn cố gắng giấu cảm xúc đó đi và kìm nén đến mức không ai có thể giúp bạn, thì thậm chí tự bạn cũng không thể vượt qua.
Bởi vì bạn chỉ có một cuộc đời duy nhất - Ảnh: Sebastian Voortman on pexels
1. Chấp nhận những điểm yếu của mình.
Không sao cả, hãy nói ra khi bạn cần ai đó giúp đỡ, và cũng không sao cả nếu như bạn không ổn. Nếu chỉ luôn nói rằng “tôi ổn” khi thật ra không phải vậy, sẽ khiến cuộc đời bạn dần vô nghĩa. Sống thật với chính mình đòi hỏi phải chấp nhận mọi khía cạnh cuộc sống. Khi bạn thể hiện được con người mình, bạn mới có sức mạnh đương đầu với mọi thứ và tự bảo vệ hoặc đấu tranh cho những gì bạn cần, thể hiện bản thân và tiếng nói của mình.
Hãy tháo chiếc mặt nạ ra: có thể đây là điều khó khăn nhất, nhưng bạn không thể đợi cho đến khi an toàn mới bắt đầu chân thật, nhất là trong các mối quan hệ. Nhiều người bằng mọi giá phải giấu đi sự yếu đuối kể cả lúc tự soi gương.
Hành trình của bạn là sự độc đáo riêng, nó đã đưa bạn đến đây ngày hôm nay, thế nên không phải sợ hãi, hãy đón nhận. Điều bạn đang tìm kiếm là sự phát triển, không phải chỉ là tồn tại. Nó còn có nghĩa là bạn không phải so sánh bản thân mình hay cạnh tranh với bất cứ ai. Sự thật là bạn đủ tốt, chỉ cần luôn quyết đoán, thẳng thắn, có chính kiến (thay cho việc thụ động hoặc cáu bẳn) và tìm về bản thân bằng cách tự vấn:
“Tôi đang thực sự cảm thấy thế nào?”
Dũng cảm là khi hiểu rõ rằng có thể bạn sẽ không quan trọng trong mắt ngừơi khác và sự thật về bạn không được chấp nhận, nhưng bạn vẫn tin tưởng vào mình cho dù quá khứ đã từng thất bại hay gục ngã.
2. Chọn thái độ của bạn trong nghịch cảnh.
Bạn hãy thành thật và kiểm soát tốt cuộc đời bạn, bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ hàng ngày, chẳng hạn như điều chỉnh thái độ. Cuộc sống có thể không phải lúc nào cũng diễn ra như kế hoạch, nhưng việc kiên cường và cởi mở với những cơ hội mới có thể giúp bạn vượt qua những thách thức. Hãy đón nhận sự thay đổi, duy trì quan điểm tích cực và dựa vào con người nguyên bản của bạn để vượt qua những thời điểm khó khăn, xây dựng cuộc sống mà bạn mong muốn.
Viễn cảnh phải thay đổi để đối mặt với những điều xảy ra hàng ngày có thể gây choáng ngợp, ngay cả khi điều duy nhất chúng ta thay đổi là thái độ, vì bạn như trở thành một người khác. Nhưng điều này giúp bạn tiến lên phía trước. Ai cũng đã từng có một kế hoạch cuộc đời, rằng sau này ta sẽ là phi công, phi hành gia, bác sĩ hay là nàng tiên cá… Chúng ta đều hy vọng rằng có ai nhớ tới mình. Và hiện thực ập đến, trở ngại và khó khăn xuất hiện, bạn rẽ hướng khi con đường trước mặt không thể đi tiếp. Bạn chỉ còn nghĩ về những “nếu… thì…”, “có thể”, “giá như”, …
Nhà tâm lý học Clayton Barbeau đã đặt ra thuật ngữ “shoulding yourself” - mình nên thế này, mình nên thế kia - khi chúng ta không đi theo kế hoạch và trở nên áp lực vì những việc “nên” làm thay vì nhìn thấy cơ hội sâu xa hơn. Trong sự hỗn loạn này, bạn có đánh mất chính mình không? Vì cố gắng duy trì tình trạng và địa vị của mình, bạn đã lạc lối trong những thất bại và sai lầm. Vậy làm thế nào để tìm lại con người thật của mình và đạt được điều mà mình thật sự muốn?
Phải có sức bật.
Chúng ta không nhìn thấy mọi khả năng có thể xảy ra với chúng ta, nhưng phải tin tưởng bản thân để bắt đầu lại và tiếp tục xây dựng cuộc sống lý tưởng. Lựa chọn thái độ của mình để đối mặt với nghịch cảnh, và chắc chắn sẽ là sự thay đổi có ích.
Sự thật là sự thay đổi luôn xảy ra, nó tốt hay xấu tùy vào thái độ và quan điểm của mỗi người, và có thể bạn phải bắt đầu lại hết lần này tới lần khác. Nhưng dù mọi việc chưa ổn, thì bạn vẫn sẽ ổn - khi bạn tìm được và giữ lại con người vốn có của mình.
Bạn có thể chọn thái độ tích cực, tìm điểm sáng trong mỗi vấn đề, hoặc một tiềm năng nhỏ bé nào đó. Có thể sự tích cực đó đơn giản là chính bạn và cách bạn xử lý tình huống. Vô tình hoặc hữu ý, đây sẽ là thứ giúp bạn khai thác sức mạnh bản thân. Khi điều tồi tệ nhất xảy ra, bạn vẫn có thể dùng sự chân thật của bạn để lên tiếng cho người khác biết bạn cần gì, không có gì sai khi cần sự giúp đỡ. Hoặc đôi khi, giúp đỡ người khác có thể giúp chúng ta học được cách đối phó với một sự tổn thương. Khi giúp đỡ người khác, bạn cũng tìm ra được phiên bản tốt nhất của mình.
3. Làm những gì khiến bạn hạnh phúc cả khi không ai nhìn thấy.
Trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình không liên quan gì đến thành công hay địa vị của bạn, nó là nhân cách. Để sống cuộc đời bạn mong muốn, hãy trở thành người mà bạn muốn trở thành, hãy để ngọn lửa bên trong dẫn bạn đi con đường đúng đắn. Chân thật là nhân cách mà bạn cần cho hành trình đó. Cùng với thái độ, nhân cách là về những lựa chọn: làm điều đúng đắn, vượt qua trở ngại, dời non lấp biển… Và không hối hận với những lựa chọn tốt đẹp đó.
Nhưng làm sao biết được điều bạn thực sự muốn?
Thật không may, lối sống theo đuổi thành tích và địa vị hay thành công lại không mang lại nhiều hạnh phúc thỏa mãn. Chủ nghĩa duy vật đã phần nào sinh ra sự từ chối biết đủ cho bản thân. “Đủ đầy” là thứ chúng ta thật sự tìm kiếm, nhưng bản ngã lại không cho phép. Bản ngã theo đuổi những giá trị bên ngoài, những giá trị không thật, nó luôn bắt bạn tự hỏi “Tôi có đủ đầy chưa?” Và thay vì lấp đầy những khuyết thiếu bằng tình yêu và sự chấp nhận, bản ngã đuổi theo hình ảnh và vật chất bên ngoài.
Nhà tâm lý học Meagan O’Reilly của Stanford đã mô tả hiểu biết của mình về vấn đề này và sử dụng một chiến thuật nhỏ để chống lại nó: bằng cách hoàn thành câu,
“Nếu tin rằng mình đã đủ đầy, tôi sẽ ____”
Khi thật sự biết đủ - và không giả vờ biết đủ - bạn sẽ có được cuộc sống ung dung tự tại, có sự chân thực, có chính mình.
4. Điều cuối cùng,
Chân thực với bản thân nghĩa là bạn đang dũng cảm nói với vũ trụ rằng “Tôi có thể!” cho đến khi bạn cũng tin vào điều đó và trở thành tất cả những gì bạn có thể trở thành. Nó còn là việc tự làm chủ cách sống này chứ không phải giả vờ hay bị ép buộc. Cần có đam mê và năng lượng, nếu không, con đường này sẽ dễ khiến bạn kiệt sức, bởi bạn phải đưa ra quyết định hướng tới mục tiêu sâu xa hơn, thúc đẩy được mục đích sống và điều gì đó lớn lao hơn trạng thái vật lý của cơ thể bạn.
Từng bước từng bước, hãy tận hưởng quá trình này nhé. Chúc bạn thật nhiều may mắn!