Các chuyên gia đã cảnh báo về việc người Hàn Quốc thường rất chủ quan trước sự nguy hiểm từ đám đông. Đặc biệt là những người dân ở Seoul khi họ luôn xem cảnh đường phố đông đúc hay việc phải chen lấn trên tàu điện ngầm là chuyện hết sức bình thường.
Nguy hiểm tiềm ẩn từ nơi đất chật người đông như Seoul
Nhưng sau thảm kịch Itaewon tối 29/10 vừa qua, mọi người đã có sự cảnh giác trước đám đông và có thể nhận thức được sự nguy hiểm tiềm ẩn từ việc “đất chật người đông” như tại Seoul như hiện nay. Chỉ cần thấy đám đông tấp nập, chen chúc nhau là nỗi ám ảnh về thảm kịch Itaewon lại hiện lên trong tâm trí họ. Lo sợ thảm kịch tương tự như vậy sẽ xảy ra, người dân liên tục tạo sức ép, yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc phải kiểm tra lại những khu vực thường xuyên tập trung đông người và phải tăng cường đảm bảo an ninh tại các địa điểm tổ chức sự kiện thu hút nhiều người tham gia nhưng không có ban tổ chức.
Chị Lee Yoo Mi hiện đang làm nhân viên văn phòng ở Yeouido chia sẻ rằng, chị thường xuyên đi làm bằng tàu điện ngầm nên quá quen với cảnh chật kín người vào giờ cao điểm. Nhưng kể từ sau thảm kịch giẫm đạp xảy ra, chị đã ý thức được sự nguy hiểm của đám đông và nghĩ rằng mình thật sự có thể bị đè chết. Chị nghĩ để đảm bảo an toàn, cần phải giới hạn số lượng hành khách trên mỗi chuyến tàu điện ngầm cũng giống như việc chúng ta giới hạn số lượng người khi đi thang máy.
Còn về trường hợp của chị Kim So-hyeon (30 tuổi) chia sẻ, lần đầu tham dự concert của thần tượng để lại cho chị nỗi ám ảnh kinh hoàng. Chị bị kẹt trong đám đông, liên tục bị đẩy từ những người phía sau tạo nên một áp lực rất lớn lên tim và phổi khiến chị không thể nào thở được.
Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2021 có 9,5 triệu người dân đang sinh sống tại thủ đô Seoul, mật độ dân số là 15.699 người/km2. Seoul hiện là thành phố có mật độ dân số cao nhất Hàn Quốc, xếp ngay sau là Busan với 4.320 người/km2. Mặc dù vậy mấy năm gần đây dân số Seoul đã có xu hướng giảm nhưng thành phố vẫn luôn đông đúc, nhộn nhịp.
Nhiều người vẫn chưa ý thức được mối nguy hiểm từ đám đông
Các chuyên gia nhận xét, việc người dân vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm từ đám đông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch đau lòng vừa qua.
Ông Juliette Kayyem - cựu Trợ lý Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ đã chia sẻ với CNN rằng những người dân ở Seoul đã quá quen thuộc với việc phải chen lấn, len lỏi vào những đám đông chật kín người để di chuyển. Họ vẫn chưa nhận thức được mối nguy hiểm từ những con đường dốc, nhỏ hẹp khi tập trung quá đông người.
Một số ý kiến cũng cho rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng phải chịu một phần trách nhiệm về thảm kịch vừa qua. Đêm 29/10, đã có hơn 100.000 người đổ xô đến Itaewon để vui chơi dịp lễ Halloween nhưng chính quyền tại Seoul, Văn phòng quận Yongsan và cả Sở Cảnh sát quận Yongsan đều không có bất kỳ biện pháp đặc biệt nào để đảm bảo an ninh.
Các chuyên gia cả trong và ngoài nước đều nhận định rằng ngoài việc có các biện pháp đảm bảo an ninh còn phải có khả năng dự đoán mối nguy hiểm sẽ phát sinh từ đám đông. Theo ông Lee Song-gyu- Chủ tịch Hiệp hội An toàn chuyên nghiệp Hàn Quốc nhân định rằng, lúc đó không có biện pháp đảm bảo an toàn nào được áp dụng có thể là do cả Chính phủ và người dân đều không hề nhận thức được sự nguy hiểm từ đám đông lúc ấy.
Đồng quan điểm với ông Lee Song-gyu còn có giáo sư Hwang Seung-sik. Ông cũng cho rằng sự việc có thể sẽ không xảy ra nếu cơ quan chức năng có thể nhận thức được sự nguy hiểm khi tập trung đông người và có các biện pháp đảm bảo an ninh hiệu quả.
Để những sự việc tương tự sẽ không xảy ra, người dân và các đơn vị tổ chức sự kiện phải luôn có ý thức về sự nguy hiểm khi tập trung đông người, đặc biệt là những chơi chật hẹp.
Giáo sư Lee Young-joo tại Đại học Seoul đã phân tích rằng trong những toa tàu điện ngầm hoặc các concert có trang bị rất nhiều thiết bị an toàn nhưng đa số mọi người thường không để ý đến. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần chuẩn bị cho mình những kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết cho những tình huống nguy hiểm liên quan đến việc tụ tập đông người.