GIẢI TRÍ

Hoàng My kể chuyện phá bỏ giới hạn bản thân

Hiến Tửu • 27-12-2021 • Lượt xem: 591
Hoàng My kể chuyện phá bỏ giới hạn bản thân

“Tôi đã quen dần với sự hiện diện của con virus vô hình này. Có vẻ như nó chỉ muốn mình ở yên tại chỗ, thiết lập lại cuộc sống, để thiên nhiên được nghỉ ngơi và tái tạo” – Nàng Á hậu nói. 

“Tôi không sợ chết!”

- Chào Hoàng My, cuộc sống của bạn thay đổi ra sao trong 2 năm sống chung với dịch Covid-19?

Hai năm sống cùng đại dịch Covid-19 là khoảng thời gian tôi không thể lên được một kế hoạch hoàn chỉnh hay lường trước được điều gì. Trước đây, cuộc sống của tôi là những ngày tự do bay nhảy với chiếc ba lô trên vai. Tôi ngao du khắp nơi trên thế giới, đến những vùng đất thú vị như: Israel, Palestine, Nhật, Châu Âu… và sẽ ở lại bất kỳ nơi nào tôi muốn. 

Tôi đã dự định sẽ du ngoạn đến những vùng đất quanh dãy Himalaya và các nước Bắc Âu. Vậy mà, dịch bệnh đã khiến những kế hoạch đó phải gạt sang một bên. Không còn được tự do như trước, thay vào đó là một cuộc sống ổn định có phần rất lạ lẫm. Có thể gọi nó là một cuộc sống ổn định trong một thời kỳ bất định và một tương lai vô định (Cười).

- Mỗi ngày cập nhật thông tin số người Việt Nam mắc Covid-19 tăng nhiều, bạn có lo sợ?

Ban đầu hầu như ngày nào tôi cũng xem thông tin về những ca nhiễm mới. Đứng trước những con số liên tục tăng tại Việt Nam và thế giới, tôi cảm thấy rất bất an. Không muốn những suy nghĩ tiêu cực đến với mình, tôi đã không dành thời để đọc hay xem những thông tin đó nữa.


Á hậu Hoàng My tích cực trong công tác hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19

- Việc chấp nhận và thích nghi với cuộc sống hiện tại có khiến bạn cảm thấy khó chịu?

Cách đây hai năm khi chưa có quá nhiều thông tin về Covid-19, hình dung trong đầu tôi là một bức tranh dịch bệnh này rất ảm đạm, đầy xác người và lạnh lẽo. Trong nỗi khiếp đảm đó, tôi tự hỏi bản thân liệu mình sẽ làm gì để đối diện với viễn cảnh ấy. Đâu đó trong tôi đã nhìn thấy hình ảnh của những bộ đồ bảo hộ, cùng một vài người đi dọn những cái xác người ngoài đường. Tuy nhiên trong sự hình dung về bức tranh chết chóc đó, tôi không sợ chết, nhưng tôi cảm giác được sự đau đớn nếu có điều gì xảy đến với người thân của mình. Thật quá may mắn, viễn cảnh u ám ấy không xảy ra ở Việt Nam, ít nhất là cho tới thời điểm này….

Tôi đã xác định trong thời điểm này, gia đình mình chỉ cần có chỗ ăn, ở là được. Các nhu cầu giải trí không còn được đặt nặng. Trong trường hợp cần thiết mình cũng cần phải giúp những người khác nữa.

Về bản thân, trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, tôi dành hết thời gian cho gia đình. Kết hợp với việc rèn luyện thể lực, tôi chăm chỉ tập gym cùng huấn luận viên, yoga, đánh kickboxing, học lái mô-tô, và thiền. 

Gần đây khi tình hình dịch bệnh ở thành phố trở nên căng thẳng, tôi tham gia vào đội tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu chống dịch của Thành đoàn. Hai tuần nay, hầu như ngày nào tôi cũng hoặc đi hỗ trợ các bác sĩ tiêm vaccine, hoặc đi hỗ trợ các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực lây nhiễm. Tôi bắt đầu rời khỏi nhà vào buổi trưa đến tối mới về, có khi đến 1 giờ sáng hôm sau. Bây giờ điểm nào nóng và có nhiều ca nhiễm là có mặt tôi cùng các đồng đội. Tôi đã quen với sự hiện diện của các F0 và F1 ở xung quanh mình rồi nên không còn sợ gì nữa.

- Vì sao My lại quyết định tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Bạn không sợ mình sẽ bị nhiễm Covid-19?

Tham gia vào đội tình nguyện phản ứng nhanh hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, tôi được biết lịch hoạt động trước vài tiếng và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Khi tham gia hỗ trợ, My phải luôn ở tâm thế sẵn sàng và không ngại vất vả. Tuy lo ngại chuyện sẽ có nguy cơ bị nhiễm, nhưng nếu ai cũng sợ thì ai sẽ hỗ trợ. Mà tuyến đầu thì đang rất cần người hỗ trợ, mình góp thêm chút tâm sức cũng là điều nên làm. Vì thế, không phải mất thêm thời gian suy nghĩ, tôi đồng hành cùng chương trình như một cách bảo vệ người dân của thành phố, trong đó cả gia đình, người thân và bạn bè của mình nữa.

Thất bại tệ hại nhất là ước muốn nhưng không làm

- Ngoài việc tham gia cùng đội tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, bạn đã sử dụng quỹ thời gian của mình như thế nào để đi qua hết những ngày giãn cách xã hội?

Đọc sách, tập yoga, nấu ăn và chăm sóc cây cối là điều mà tôi thường làm nhất trong những ngày giãn cách xã hội.

Tôi nghĩ ba cách nhanh nhất để trưởng thành về mặt nhận thức đó là: tự học qua trải nghiệm, trò chuyện với một bậc thầy và đọc sách. Đọc sách là cách dễ dàng và nhanh nhất để tiếp cận với những tư tưởng kiệt xuất đã đến trước mình. Cuối năm 2015, khi xách ba lô sang Israel, tiếp cận với những điều mà mình chưa từng biết trên thế giới, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé, non nớt. Vì vậy tôi chọn đọc sách, đọc thật nhanh, nhanh hơn tốc độ lão hóa của cơ thể, để có thể đưa ra những quyết định phù hợp và có ích nhất khi còn trẻ, để sau này không phải hối tiếc. 

5 năm qua, tôi đọc sách rất nhiều, đỉnh điểm nhất là 2 năm trở lại đây. Mỗi năm trung bình tôi “tiêu thụ” hơn 100 quyển sách. Tôi đã tìm ra cách “hấp thụ” sách nhanh nhất đó chính là nghe sách nói. Tôi đã nghe mọi lúc mọi nơi, hầu như đêm nào tôi cũng nghe khoảng một tiếng trước khi đi ngủ. Bất kỳ lúc nào không cần dùng đầu để suy nghĩ như: dọn dẹp nhà cửa, ủi đồ, chăm cây cối,… tôi sẽ nghe sách.

- Quyển sách gần đây nhất bạn đọc và bài học mà rút ra mang đến ý nghĩa như thế nào đến bản thân Hoàng My?

Những quyển sách gần đây tôi đọc là những quyển sách của Osho. Tôi rung động bởi quyển sách “Từ bi: Trên cả trắc ẩn và yêu thương”. Có một điều rất hay từ Osho đó chính là ông diễn tả chân lý bằng ngôn ngữ thời đại rất dễ hiểu. Ông nói: “Từ bi đơn giản là chấp nhận những khiếm khuyết của con người mà không đòi hỏi họ phải hành xử như một bậc thánh nhân. Sự mong mỏi đó là một điều tàn nhẫn bởi họ sẽ không thể nào đạt được điều đó, và điều này sẽ khiến bạn đánh giá thấp họ, dẫn đến làm suy giảm lòng tự tôn của chính họ, như vậy là bạn đã hủy hoại chân giá trị của họ theo cách hết sức nguy hiểm”.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tôi phải làm việc và tiếp xúc với rất nhiều người có tư duy, nền tảng khác mình. Tôi cũng tiếp xúc với rất nhiều thành phần trong xã hội. Tôi nhận ra rằng, nếu không có tình yêu thương đủ lớn và sự cảm thông cho những khiếm khuyết của người khác, thì chúng ta sẽ kiệt quệ trong những cuộc tranh cãi không hồi kết với những điều tiêu cực, từ đó không còn tinh thần chung để cùng chống dịch. Vì thế, rất cần lòng từ bi và My sẽ luôn áp dụng điều này cho cuộc sống của mình.

- Các nàng Hoa – Á hậu của Việt Nam thường chọn hình ảnh dịu dàng, nhưng với Hoàng My lại hoàn toàn khác, với sự cá tính và một chút mạnh mẽ như những chàng trai. Vì sao bạn lại có sự chọn như thế?

Tôi không chọn hình ảnh cho mình, tôi chỉ là mình thôi. Từ lâu rồi tôi cũng không đặt mình vào một tôn giáo, một quốc gia hay một giới tính nào. Tôi để mình tự do. Khi tự do, mình có thể làm mọi điều bản thân thích, không hề có nguyên tắc hay công thức nào quy định.

- Nhưng liệu sẽ có những quy tắc riêng mà Hoàng My tự đặt ra cho bản thân mình chứ?

Trong cuộc sống này, tôi thường biến mọi thứ thành thói quen hơn là tự đặt ra quy định và phải tuân thủ nó. Tôi cho thân thể và tâm trí của mình như một đứa trẻ cần được huấn luyện. Ví dụ như chuyện tập luyện thể dục, nếu tôi để sự lười biếng và trì trệ chiếm lấy có nghĩa là tôi không đủ mạnh mẽ, khó lòng mà làm việc lớn hơn được. Vậy nên, tôi việc tôi xem mọi thứ như một hình thức để tôi tập luyện cho cơ thể và tâm trí tôi sẵn sàng khi tôi cần làm một việc lớn hơn.
 
- Nhờ việc bước ra khỏi vùng an toàn, phá bỏ và chinh phục được những điều mà mọi người thường nghĩ không dành cho phụ nữ. Cảm giác của Hoàng My ra sao?

Tôi nghĩ mình đã làm điều này một vài lần và cảm giác rất gây nghiện (Cười). 

Ở tuổi 17, lần đầu tiên tôi đã có quyết định bước ra vùng an toàn của bản thân, vượt qua những rào cản ấn định mình trong một khuôn khổ dịu dàng, ngoan ngoãn. Lần thứ hai khi tôi 26, một mình xách ba lô sang Trung Đông. Khi đó tôi đối diện với nỗi sợ cái chết, bị bắt cóc và cưỡng bức. Lần thứ ba, cách đây hơn 1 tháng, tôi đã chạy tốc độ cao trên một chiếc xe mô-tô phân khối lớn. Và gần nhất là quyết định tham gia tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. 

Mỗi lần vượt qua giới hạn bản thân, tôi đối diện với suy nghĩ có thể mình sẽ chết vì những quyết định liều lĩnh. Để rồi nhận ra nỗi sợ lớn nhất nó nằm ở bên trong ta, chứ không phải là hình ảnh nhìn thấy bên ngoài thực tế. Ta cần có niềm tin ở bản thân mình, và cảm giác vượt qua giới hạn nó thật sung sướng, ngoạn mục.

- Điều My muốn chia sẻ với một số bạn trẻ luôn e dè, không dám thực hiện những ước muốn của bản thân chỉ vì lo sợ thất bại?

Làm thôi các bạn, một vài thất bại sẽ tô điểm cho niềm vinh quang chiến thắng. Thất bại tệ hại nhất là ước muốn nhưng không làm, và tôi chưa thấy ai hạnh phúc với một ước mơ dang dở cả. 

- Cảm ơn Hoàng My đã dành thời gian chia sẻ!