ĐỜI SỐNG

Học cách dạy con trưởng thành từ những nhà khoa học nổi tiếng

Cẩm Chi • 07-11-2022 • Lượt xem: 803
Học cách dạy con trưởng thành từ những nhà khoa học nổi tiếng

Dạy con chủ động, kiên trì, tôn trọng ý kiến và khả năng của con, làm người bạn đồng hành chia sẻ - đó là những bí kíp của các ông bố bà mẹ làm khoa học thành công như Marie Curie, Albert Einstein, Stephen Hawking truyền dạy cho các con của mình.

Marie Curie dạy con kiên trì trong công việc

Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel và là người phụ nữ duy nhất giành được giải thưởng này trong 2 lĩnh vực. Không hề kém cạnh mẹ, con gái lớn của bà cũng đạt giải nguyên Nobel 1935 và con gái út là một nhà hoạt động nghệ thuật nổi tiếng, từng được vinh danh với giải thưởng National Book Award, Mỹ và những tác phẩm được chuyển hóa thành phim, nhận những đề cử Oscar.

Để giúp con thành công, theo nữ bác học nổi tiếng thế giới, đó là nguyên tắc kiên trì hoàn thành công việc, dù công việc đó là gì, quan trọng hay không quan trọng. Marie Curie, chưa bao giờ ép con theo khoa học. Bà chỉ dạy con những kỹ năng cần thiết để làm một người thành công: Đó là hoàn tất việc con làm bằng chính bản thân, đừng để sao nhãng dù là những cái con đang yêu thích. Bà còn dạy con phát triển sự kiên trì, giúp con thiết lập 1 lịch biểu và 1 mục tiêu để hướng trẻ hoàn tất và đạt mục tiêu.

Marie Curie và 2 con gái

Dù đảm nhiệm những công việc đứng đầu, Marie Curie không bao giờ thất hẹn hay bận bịu đến nỗi không dành vài phút trả lời câu hỏi của con. Bà cho rằng trẻ con học từ trải nghiệm và có sự tương tác với cha mẹ của bé. Do đó, việc dành thời gian trò chuyện, đặt câu hỏi, đọc sách, kể chuyện hoặc đi dạo với trẻ là những thời gian được tính vào sự phát triển nhận thức của trẻ. Càng được cha mẹ dành thời gian giao tiếp, trẻ sẽ càng giao tiếp tốt và được nhiều người yêu mến.

Theo Marie Curie, việc hiểu tâm lý và tôn trọng ý kiến của con rất quan trọng. Quan điểm của bà không phải mẹ giỏi con cũng giỏi, chỉ cần con thích thì hãy làm, đã làm thì phải hoàn tất, dù làm gì cũng được. Người con gái út của bà, Ewa, gần như trái với phong cách của bà và chị của mình. Cô Ewa thích các công việc nghệ thuật, thích giao tiếp và từ nhỏ đã yêu thích âm nhạc. Hiểu được tâm lý của con, Marie Curie chọn cách đặt bản thân vào vai trò của trẻ để hiểu và khuyến khích con làm tốt phần công việc của con.

Trong những buổi nói chuyện gia đình, bà không chỉ nói chuyện về khoa học với con gái lớn mà để con út ngồi nghe cảm thấy nhàm chán. Bà luôn trả lời và lôi kéo những câu chuyện để con gái út cảm thấy là một phần trong buổi trò chuyện.

Albert Einstein - Làm tốt vai trò nhà đàm phán và người chia sẻ

Theo Robertson và Ferguson, cha mẹ của những người thành đạt đều áp dụng một phương pháp dạy con chung từ những năm đầu đời. "Công thức" đó bao gồm 8 vai trò mà cha mẹ cần thực hiện: Là đối tác học tập sớm của con,là đồng minh, người chỉnh sửa, người gợi mở, nhà triết học, hình mẫu, người đàm phán và người định hướng.

Cha mẹ của Einstein (Pauline và Hermann) đều thực hiện cả 8 vai trò này trong quá trình nuôi dạy con, đặc biệt là vai trò người đàm phán và người gợi mở. Mẹ của Einstein, bà Pauline rất nghiêm khắc với quy tắc: Bố mẹ có vai trò này khuyến khích sự độc lập của con, nhưng cũng can thiệp khi cần thiết. Khi đã đàm phán, thỏa thuận xong giữa bố mẹ và con, các con sẽ không thể bỏ cuộc.

Mẹ của Albert Einstein - bà Pauline

Năm 1884, Einstein khi đó 5 tuổi đã nổi cơn thịnh nộ với thầy dạy piano. Pauline sớm phát hiện ra con trai thường phải vật lộn để tập trung. Bà Pauline hiểu học nhạc cụ có lợi trong việc phát triển kỷ luật và giúp trẻ tập trung hơn. Thay vì la mắng và không cho Einstein học piano nữa, bà Pauline quyết định thuê một giáo viên khác. Giáo viên piano mới đã giúp Einstein cải thiện được khả năng này. Chính Einstein thừa nhận, nhiều nền tảng của những giả thuyết vĩ đại được ông khám phá ra trong lúc chơi violin.

Mặc dù Einstein ghét trường học, bố mẹ ông khi đó hiểu lý do vì ông không được học nhiều tại trường chứ không phải ghét học. Giải pháp của họ là tạo ra môi trường học tập, kích thích trí tưởng tượng của Einstein ngay tại nhà. Họ cung cấp cho Einstein sách và đồ chơi theo sở thích để tránh nhàm chán.

Khi Einstein lớn lên, sự tò mò của ông được thúc đẩy khi bố mẹ cho phép ông được nói chuyện, ăn tối với những người bạn là nhà khoa học của mình. Họ sẽ đặt cho Einstein những câu hỏi và ông sẽ được thưởng mỗi lần trả lời đúng.

Bố mẹ Einstein luôn nuôi dưỡng để ông đón nhận sự khiêm nhường, chấp nhận thất bại, thúc đẩy khám phá những điều mới, thể hiện rõ vai trò người chia sẻ sẽ giới thiệu những ý tưởng, kỹ năng mới cho con học, những nơi chúng có thể đi và người chúng có thể trở thành.

Stephen Hawking: Lạc quan và nỗ lực vượt nghịch cảnh

Luôn lạc quan, không ngừng tò mò, kiên trì và biết thừa nhận sai lầm là bốn bài học nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking đã để lại cho những đứa con.

Năm 21 tuổi, Stephen Hawking mắc hội chứng teo cơ, liệt toàn thân, chỉ cử động được hai mắt và ba ngón tay. Hawking không ngừng thử thách bản thân và tích cực tham gia các hoạt động khác nhau. Năm 2007, ở tuổi 65 tuổi, Hawking cũng trải qua chuyến bay không trọng lực đầu tiên trong đời, và trở thành diễn viên phụ trong các bộ phim "The Simpsons" hay "Flying Out of the Future".

Khi phóng viên hỏi, làm sao ông vẫn giữ được tinh thần tốt như vậy dù bệnh tật, Hawking trả lời: "Kỳ vọng của tôi đã giảm xuống bằng 0 khi tôi 21 tuổi. Kể từ đó, tất cả mọi thứ đều là phần thưởng". Hawking cũng từng nói với các con của mình: "Nếu cuộc sống không còn niềm vui, đó sẽ là một bi kịch".

Stephen Hawking và các con

Từ năm 9 tuổi, Hawking đã được mệnh danh là "chuyên gia tháo lắp đồng hồ" bởi ông rất tò mò với những linh kiện nhỏ bé. Nuôi dưỡng trí tò mò không chỉ là truyền kiến thức mà còn giúp trẻ tìm thấy động lực học tập và tự trau dồi khả năng. Hawking từng nói với các con: "Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, hãy luôn giữ một lòng hiếu kỳ. Chắc chắn con sẽ tìm ra con đường của chính mình và đạt được thành công".

Trên con đường nghiên cứu và khám phá khoa học vũ trụ không thể tránh khỏi những sai lầm, và ông luôn dũng cảm thừa nhận sai lầm của mình. Năm 1997, ông đã đánh cược với một nhà khoa học rằng có một lỗ đen sẽ nuốt chửng và phá hủy mọi thứ trên Trái Đất. Năm 2004, Hawking thừa nhận đây là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ông. Hawking dùng chính thực tế này để nói với các con: "Dù có bị nhốt trong vòng vây, ta vẫn coi mình là vua của không gian vô tận. Sai lầm không thể tránh khỏi, nhưng dũng cảm thừa nhận sai lầm còn đáng quý hơn".