ĐỜI SỐNG

Học sinh bị bắt nạt trực tuyến dẫn đến trầm cảm, tự tử

Bá Phúc • 12-06-2023 • Lượt xem: 2745
Học sinh bị bắt nạt trực tuyến dẫn đến trầm cảm, tự tử

Mới đây, một Fanpage đang được nhiều người chú ý, quan tâm, có tên “Bắt nạt trực tuyến – chuyện không của riêng ai” đã đăng tải nhiều câu chuyện tâm sự của nhiều nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến. Điều đáng lo ngại là đa số người chia sẻ câu chuyện, phần lớn là của các em học sinh THCS, THPT.

Ngày 23/5 vừa qua, Phó trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), bà Lesley Miller công bố tại hội thảo “Trẻ em trong thế giới số - giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội”, cứ trong 5 em ở độ tuổi thanh thiếu niên thì có 1 em bị bắt nạt thông qua mạng xã hội. Điều đáng quan ngại hơn là có tới 3/4 trong số đó không tìm kiếm được sự giúp đỡ, chia sẻ từ những người xung quanh.

Bà Lesley Miller nói thêm, vấn đề trẻ bị bắt nạt trực tuyến đáng được chú ý và giải quyết, nhất là trong dịp hè, thời gian trẻ được nghỉ và sử dụng Internet nhiều nhất. Đặc biệt hơn, đối tượng bắt nạt đa số là bạn cùng lớp.

Mặc khác, chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục của trường Đại học Giáo dục, PGS. TS Trần Thành Nam cho biết, hiện vấn đề trẻ bị bắt nạt, tổn thương qua mạng xã hội đang ngày càng dễ dàng hơn so với bị bắt nạt trực tiếp nhưng lại ít được phụ huynh quan tâm, nghĩ đến. Bên cạnh đó, vấn đề này càng kéo dài, thì trẻ dễ bị áp lực, tự làm đau bản thân, sống khép kín, trầm cảm và thậm chí có ý định tự tử.

Bắt nạt trực tuyến đối với học sinh là đề tài cần chú ý và lưu tâm nhất hiện nay.

Ông Trần Thành Nam chia sẻ câu chuyện của một học sinh tại Hà Nội. Theo lời ông, do bị bạn bè cùng lớp chế nhạo và dùng hình ảnh thừa cân, xấu xí để đùa giỡn và chế nhạo, em học sinh trên phải thường xuyên tránh các hoạt động tập thể, ăn kiêng quá mức và đôi khi tự móc để nôn bớt thức ăn khi dùng quá nhiều. Thậm chí, nhiều lần bị chê bai, công kích trên mạng xã hội, em đã nhiều lần nghĩ đến việc tự tử và gia đình phải nhờ đến sự can thiệp của các bác sĩ tâm lý.

Một nữ sinh bức xúc khi chia sẻ câu chuyện của bạn mình trên fangpage “Bắt nạn trực tuyến – chuyện không của riêng ai”. Cô cho biết, người bạn thường xuyên bị một nhóm ở trường lượm mắt, kiếm cớ gây chuyện, thậm chí còn chụp ảnh cô bạn đăng lên mạng xã hội, kêu gọi người xem chê bai, cười cợt.

Một phụ huynh khác cũng tham gia chia sẻ về câu chuyện của con gái họ. Người này cho biết, con mình đang học lớp 9 và là học sinh xuất sắc trong lớp. Chính vì đều đó, một số bạn trong lớp ghen tỵ và gây bất hòa với cô bé. Nhiều lần, vị phụ huynh này phát hiện những vết xước trên tay con, hay để ý tâm trạng của con ngày càng rụt rè, buồn bã và thu mình lại. Tồi tệ hơn là cô bé khóc lóc và tâm sự với chị rằng em không muốn đi học nữa. Sau khi lắng nghe và tìm hiểu sự việc của con, chị mới phát hiện cô bé thường xuyên bị bạn học đùa giỡn quá mức, thậm chí là chặn đánh, cắt tóc và quay clip phát tán lên các trang mạng xã hội,…

TS. Trần Văn Công, hiện đang công tác tại Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tại Việt Nam từ năm 2015 đến nay, qua khảo sát trên 5000 học sinh, giáo viên và một số các chuyên gia, trong 10 nghiên cứu về bắt nạt trực tuyến thì kết quả đã cho thấy có 24% học sinh THCS và THPT tham gia khảo sát là nạn nhân của nạn bắt nạt học đường trực tuyến.

Từ đó, theo TS. Trần Văn Công thì bên phía nhà trường, giáo viên và phụ huynh cần chú ý nâng cao nhận thức về bắt nạt trực tuyến cho các em. Bên cạnh đó cũng cần trang bị cho các em về những kỹ năng ứng phó khi vấn nạn xảy ra.

Phụ huynh và nhà trường cần trang bị kiến thức, kỹ năng về bắt nạt trực tuyến cũng như giám sát con trẻ khi tiếp xúc mạng xã hội.

TS. Nguyễn Hồng Kiên đưa ra ý kiến, hiện nay các em học sinh đã tiếp cận đến mạng xã hội ngày càng nhiều. Tuy vậy, khi sử dụng chúng không kết bạn mà còn chặn luôn Facebook của cha mẹ, thầy cô, do đó rất khó để kiểm soát hành vi của con em.

Ngoài ra, tổ chức UNICEF nhấn mạnh, hiện nay vẫn còn một số trẻ gặp khó khăn khi chưa phân biệt rõ đâu là đùa giỡn và đâu là bắt nạt trực tuyến. Vì vậy, giáo viên và phụ huynh cần để ý, giám sát khi để trẻ tiếp xúc với mạng xã hội, tránh để chúng trở thành nạn nhân cũng như mang cảm giác tiêu cực như trầm cảm, ý nghĩ tự tử từ nạn bắt nạt trực tuyến.

Hình ảnh: Internet