ĐỜI SỐNG

Hỏi bệnh trên Google, cần tin tưởng bao nhiêu phần trăm?

Lan Hương • 06-12-2022 • Lượt xem: 276
Hỏi bệnh trên Google, cần tin tưởng bao nhiêu phần trăm?

Thắc mắc thì hỏi Google, việc này chắc chắn đã trở thành thói quen của nhiều người khi muốn tìm kiếm thông tin hay cần giải đáp các vấn đề từ công việc, tình cảm, đời sống, học tập… thậm chí là sức khỏe. Thế nhưng hỏi bệnh trên Google liệu có chính xác và an toàn, hay lại mang đến những hệ lụy không lường trước được.

Có thể nói Google là kho tàng chứa đựng mọi thông tin, người dùng có thể tìm kiếm được vô số kết quả trong vòng vài giây chỉ với một cái nhấp chuột. Cũng vì thế mà khi bị ốm hay cảm thấy bất thường về sức khỏe, phần lớn điều mà nhiều người hay làm trước nhất là “hỏi bệnh trên Google”.

Khi người bệnh tìm đến Google nhiều hơn là đến bác sĩ uy tín

Công nghệ thông tin phát triển và tiếp cận với nhiều người, việc tra bệnh trên internet lại càng dễ dàng và thuận tiện. Chỉ cần gõ trên thanh tìm kiếm của Google các triệu chứng cơ thể đang mắc phải thì hàng loạt thông tin chuẩn đoán bệnh cũng như cách chữa trị sẽ xuất hiện nhanh chóng.

Ngày càng có nhiều người cứ mỗi lần lo lắng về sức khỏe lại lên Google tìm những bài thuốc, hoặc các phương pháp chữa trị tại nhà mà không chịu thăm khám tại bác sĩ, các chuyên gia y tế được đào tạo chuyên môn bài bản hay đến bệnh viện vì ngại đợi lâu, sợ tốn kém, quy trình khám bệnh rắc rối hoặc tâm lý chủ quan cho là bệnh nhẹ không cần phải gặp bác sĩ làm gì.

Thậm chí trước khi đi khám, người bệnh thường tra Google xem mình mắc bệnh gì rồi tỏ ra nghi ngờ, không tin tưởng khi nghe bác sĩ chuẩn đoán khác với kết quả tìm kiếm trên mạng.

Theo một thống kê cho thấy, khoảng 60 – 70% các bà mẹ trước khi đưa con đến gặp bác sĩ đã đọc những bài viết trên mạng, xin ý kiến tư vấn hoặc gợi ý các thuốc mà theo nhiều người trên internet chia sẻ đã điều trị hiệu quả. Thế nhưng không ít các trường hợp khiến tiền mất tật mang vì thuốc không đúng bệnh.

Các thông tin trên Google có chính xác không

Theo một số liệu khảo sát của bệnh viện Sacramento (California – Mỹ) dựa trên 1.300 kết quả tìm kiếm trên Google liên quan đến các thông tin sức khỏe cũng như khám bệnh, các nhà nghiên cứu cho biết rằng chỉ 43% website là cung cấp thông tin chính xác. Phần còn lại thì không đúng hoặc chưa thỏa đáng.

Google là không gian mở mà mọi người có thể chia sẻ bất cứ điều gì, thông tin gì cũng có và bách bệnh hỏi Google đều ra câu trả lời. Tuy nhiên, nguồn gốc và độ xác thực thông tin thì không được kiểm chứng. Vì thế, tin tưởng vào những gì được chia sẻ trên mạng là hoàn toàn không nên, điều này càng cần được lưu ý hơn với các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

Một nghiên cứu khác của Tạp chí Y khoa của Úc về tính chính xác của các trang web và ứng dụng kiểm tra trực tuyến về triệu chứng bệnh. Kết quả chỉ ra rằng chất lượng chuẩn đoán sẽ khác nhau và độ chính xác trung bình chỉ khoảng 36%.

Có thể thấy rằng thật nhanh chóng để tìm kiếm được các kết quả liên quan đến nguyên nhân, triệu chứng căn bệnh của bạn. Thế nhưng chúng sẽ không thể cung cấp được cái nhìn toàn diện và hầu hết các thông tin có thể không đáng tin cậy, thậm chí gây nguy hại cho người bệnh đến mức tồi tệ.

Bởi chẩn đoán bệnh không phải dựa trên sự đánh giá đơn lẻ, chung chung, mà là tổng hợp quá trình đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm thực tế, kiểm tra lâm sàng, xét nghiệm cụ thể… từ chính các bác sĩ. Kết hợp với quá trình đối thoại trực tiếp, khai thác tiền sử bệnh và áp dụng phác đồ điều trị riêng cho mỗi người.

Tác hại khi tự chuẩn bệnh từ bác sĩ Google

Câu chuyện “Bói ra ma, tra Google ra bệnh” quả thật không đơn giản. Bởi đôi khi chỉ cần gõ tên một vài triệu chứng nhỏ, chúng ta cũng có thể nhận được kết quả chuẩn đoán vô cùng đáng sợ. Chẳng hạn một cơn ho có thể cho ra kết quả là viêm phổi, một cơn đau đầu có thể là cảm cúm thông thường nhưng cũng có thể là biểu hiện của khối u trong não.

Việc tự ý điều trị theo các chỉ dẫn trên mạng có thể dẫn tới hệ quả khôn lường, gây nguy hại cho sức khỏe cũng như tính mạng người bệnh. Có rất nhiều trường hợp nhập viện với tình trạng rất nặng, hỏi ra mới biết bệnh nhân đã tự ý điều trị ở nhà do sử dụng thuốc được quảng cáo trên internet.

Bởi lẽ, mỗi bệnh nhân là một cá thể riêng biệt. Có thể cùng một triệu chứng nhưng chưa hẳn là cùng một bệnh, cùng một loại bệnh lý nhưng chưa chắc phương pháp điều trị như nhau, cùng phương pháp điều trị nhưng chưa hẳn cho ra kết quả tương tự. Vì thế quyết định điều trị như thế nào còn phụ thuộc vào thăm khám và trao đổi với từng bệnh nhân.

Không phải tất cả các website trên mạng đều uy tín và đáng tin cậy, nhiều trang web cung cấp thông tin sức khỏe hay các phương pháp điều trị chỉ để tăng tương tác, thu hút lượt xem nhằm phục vụ marketing, vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận... Với vô số các ý kiến trái chiều và không được kiểm chứng, người bệnh sẽ ngập chìm trong biển thông tin và ngày càng bối rối, ôm thêm lo lắng vào người khiến bệnh càng thêm nặng.

Cần làm gì để tìm kiếm thông tin sức khỏe an toàn trên internet

Các thông tin sức khỏe trên internet không phải hoàn toàn là có hại. Có rất nhiều website cung cấp những bài viết có ích, những trích dẫn nghiên cứu từ các chuyên gia, các y bác sĩ và những người có chuyên môn… nhằm đem đến cho người đọc các thông tin về bệnh, về cách chăm sóc sức khỏe, nâng cao hiểu biết và thái độ tích cực trong điều trị.

Ngoài ra, internet còn có thể giúp bệnh nhân tìm kiếm được các bác sĩ chuyên khoa giỏi, các cơ sở thăm khám điều trị uy tín, chủ động đặt lịch hẹn, nắm được giờ giấc làm việc và giảm bớt các phiền toái trong quá trình khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, sử dụng Google làm sao để có được hiệu quả cao, tránh tiền mất tật mang chính là điều cốt lõi mà tất cả mọi người cần nắm rõ. Do đó, trước khi tin tưởng hay làm theo bất cứ những gì được chỉ dẫn trên mạng, hãy tìm hiểu thật kỹ từ các trang uy tín, nguồn gốc xác thực, kiểm định lại rõ ràng để tránh hậu quả đáng tiếc.

Thay vì tìm kiếm triệu chứng hay cách thức điều trị, các thông tin hữu ích có thể tìm kiếm như: địa điểm thăm khám sức khỏe, thông tin bệnh viện – bác sĩ, cách đọc kết quả xét nghiệm, các lưu ý sau khi có kết quả chuẩn đoán về chế độ ăn uống hay kiêng cữ…

Sức khỏe là vốn quý không gì thay thế được, do đó khi mắc bệnh cần đến bác sĩ để được khám và điều trị một cách tốt nhất. Không nên hỏi bệnh trên Google rồi tự kết luận cũng như tự ý điều trị khi chưa tham vấn cùng chuyên gia y tế, để đến khi tình hình trở nên nghiêm trọng thì bác sĩ thật cũng phải bó tay.