ĐỜI SỐNG

Hội chứng 'công chúa tóc mây', bạn có nghe qua?

Lan Hương • 30-06-2022 • Lượt xem: 360
Hội chứng 'công chúa tóc mây', bạn có nghe qua?

Khi nhắc đến cụm từ “công chúa tóc mây”, mọi người thường nghĩ ngay đến dáng vẻ đáng yêu của cô công chúa bước ra từ truyện cổ. Nhưng hội chứng này lại khiến cho nhiều người nổi da gà khi hiểu được tường tận về tình trạng trên và những nguy cơ mà nó mang lại.

Chắc hẳn những ai đam mê truyện cổ Grimm đều biết đến công chúa tóc mây Rapunzel với mái tóc dài xinh xắn đáng yêu. Thế nhưng cái tên công chúa tóc mây lại được các nhà khoa học dùng để đặt cho một hội chứng hiếm gặp ở các bé gái và những phụ nữ trẻ dưới tuổi 20.

Vậy hội chứng công chúa tóc mây được hiểu thế nào?

Hội chứng công chúa tóc mây hay còn gọi là hội chứng Rapunzel, là một chứng đường ruột ở người hiếm gặp. Bắt nguồn từ việc ăn tóc (trichophagia), có thể là ăn tóc của mình hoặc của những người xung quanh, lâu dần thành nghiện mặc dù cơ thể con người không tiêu hoá được chúng.

Hội chứng này cũng có liên quan đến chứng thích giật tóc (trichotillomania), tức là đối tượng mắc bệnh cảm thấy rất cần phải bứt tóc của mình. Chứng trichotillomania có thể được bộc phát khi cơ thể trầm cảm hay stress, thôi thúc ý muốn giật lông, tóc trên cơ thể. Thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và nhiều nhất trong khoảng 9 - 13 tuổi.

Hội chứng công chúa tóc mây được chuẩn đoán ở trẻ khi hội đủ hai yếu tố sau:

+ Trẻ tự giật tóc mình và ăn.

+ Lâu dần hình thành búi tóc lớn gọi là “bóng tóc” và một phần kéo dài tạo thành đuôi thòng xuống ruột non, có khi vào cả ruột già.

Đây là một hội chứng cực kỳ hiếm gặp, trên thế giới kể từ năm 1968 cho đến nay có ít hơn 64 trường hợp nhận được báo cáo. Và không có một khu vực nào cụ thể được nhắc đến là xuất hiện hội chứng này nhiều nhất. Tuy nhiên đa số các trường hợp, đối tượng mắc phải là các bé gái hoặc các trẻ vị thành niên là nữ.

Hội chứng công chúa tóc mây có thể bị nhầm lẫn không?

Theo bác sĩ Phạm Minh Triết (khoa tâm lý – BV Nhi Đồng 1) cho biết, nhiều trẻ có thói quen nhổ tóc, bứt tóc là bình thường, cũng có khi trẻ đang gặp một số vấn đề về tâm lý.

Đôi khi nấm tóc hay nấm da đầu làm trẻ cảm thấy ngứa, dẫn đến việc trẻ gãi đầu bứt tóc. Vì thế phụ huynh cần kiểm tra kỹ lưỡng và có thể cho trẻ thăm khám bác sĩ da liễu để loại trừ các bệnh lý da đầu.

Chứng bứt tóc còn xảy ra ở các trẻ thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm của bố mẹ và mọi người xung quanh. Các bé sẽ làm gì đó để thu hút sự chú ý của người khác. Và đó có thể là hành động bứt tóc, ăn tóc của chính mình. Trẻ tự nhổ tóc, vân vê tay áo cũng là biểu hiện của việc đang lo lắng, căng thẳng hay sợ sệt điều gì.

Việc bố mẹ cần làm là quan sát trẻ, thay đổi cách chăm sóc, dành thời gian, quan tâm bé nhiều hơn. Hãy thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể để từng bước điều chỉnh lại hành vi và đưa bé trở lại nhịp sống bình thường.

Mặc dù công chúa tóc mây là hội chứng hiếnmgặp, tuy nhiên thời gian gần đây số lượng bé gái ở nước ta mắc phải khá nhiều. Quan trọng nhất, khi phụ huynh phát hiện trẻ có hành vi bứt tóc hay ăn tóc hãy đưa trẻ đi kiểm tra, để xác định trẻ đang gặp các vấn đề tâm lý, bệnh lý hay hội chứng công chúa tóc mây để tìm ra phương án điều trị cho phù hợp.

Hơn ai hết, chính bố mẹ và những người trực tiếp bên cạnh chăm sóc trẻ cần theo sát từng cử chỉ, hành vi, thói quen sinh hoạt để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường. Bởi khi chẳng may mắc bệnh, nếu được nhận biết sớm thì việc điều trị sẽ có lợi và hạn chế được tình trạng xấu nhất xảy ra.

Hội chứng Rapunzel có những triệu chứng điển hình gì?

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, các trường hợp mắc hội chứng Rapunzel có biểu hiện thường thấy nhất là thích bứt tóc và ăn tóc. Ban đầu sau khi bứt tóc, trẻ có khuynh hướng nếm thử xem mùi vị thế nào, hoặc vì sợ bị người lớn la mắng mà tự nuốt tóc để xoá dấu tích. Lâu dần hình thành búi tóc gây tắc ruột vì không tiêu hoá được.

Khi đó dẫn đến các triệu chứng điển hình như: đau bụng, buồn nôn, ói mửa, xanh xao, thiếu B12, giảm cân nhanh, táo bón...

Các biểu hiện trên thường xuất hiện từ từ mà đôi khi người lớn trong gia đình không để ý, đến khi nhận thấy thì triệu chứng đã trở nặng. Tóc bị mắc kẹt lâu ngày thành búi trong dạ dày, ruột gây tắc ruột, thủng ruột hoặc hoại tử tuỵ cấp tính.

Điều trị hội chứng này bằng những phương pháp nào ?

Theo bác sĩ Phạm Minh Triết cho biết, hội chứng công chúa tóc mây gồm 2 dạng bệnh lý kết hợp là chứng thích giật tóc (trichotillomania) và chứng nghiện ăn các đồ không phải là thực phẩm (pica – chứng thèm muốn ăn các đồ vật như áo quần, giấy, ốc vít, len, tóc, đất sét và có khi ăn cả kim loại…). Có thể nhận biết hội chứng công chúa tóc mây bằng phương pháp hình ảnh hoặc nội soi, trong đó nội soi thể hiện chính xác và đem đến hiệu quả cao nhất.

Cho đến nay vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân dẫn đến hội chứng này, có thể do các rối loạn tâm thần, chấn động tâm lý, căng thẳng quá mức hoặc do một vài khiếm khuyết về trí tuệ.

Các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị hội chứng công chúa tóc mây chủ yếu bằng phẫu thuật để đưa búi tóc ra khỏi hệ tiêu hoá. Sau đó bệnh nhân cần được điều trị về tâm lý lâu dài để phòng ngừa tái phát trở lại. Đồng thời cần có một chế độ bổ sung dinh dưỡng và vi chất để phục hồi thể trạng.

Khi được chăm sóc đúng cách, được đồng cảm và chia sẻ thì khả năng phục hồi của trẻ sẽ nhanh chóng và khả quan rất nhiều.