ĐỜI SỐNG

Hủ tục đám cưới âm ở Trung Quốc – những điều có thể bạn chưa biết

Minh Trung • 07-12-2022 • Lượt xem: 850
Hủ tục đám cưới âm ở Trung Quốc – những điều có thể bạn chưa biết

Đám cưới ma hay còn được gọi là minh hôn hay âm hôn, là hủ tục đã được hình thành lâu đời tại Trung Quốc kéo theo nhiều tệ nạn. Đây là nghi lễ kết hôn giữa hai người đã qua đời, hoặc một người còn sống với một người đã khuất.
 

Khởi nguồn của đám cưới ma 

Một số tài liệu cổ Trung Quốc chép lại rằng, đám cưới ma đầu tiên được tổ chức từ thời của Tào Tháo. Theo đó, ông muốn con trai của mình cũng được hạnh phúc khi đã lìa trần thế. Người con trai không may bạo bệnh, mất sớm khi chưa cưới vợ. Người cha vì quá thương con, cho người tìm kiếm những gia đình có con gái đã khuất để gả cho con. Họ chọn ngày lành tháng tốt, tổ chức tiệc cưới và chôn xác cô dâu chú rể cạnh nhau.

Đám cưới ma bắt nguồn từ quan niệm cho rằng các linh hồn cũng mong muốn hạnh phúc như người trần. Người đã khuất nếu chưa “dựng vợ gả chồng” sẽ cô đơn, buồn tủi. Bên cạnh đó, đối với các gia đình có con trai không may mất sớm, minh hôn còn là thủ tục bắt buộc để thừa kế tài sản. Theo đó, họ phải tìm kiếm một cô vợ trên danh nghĩa cho người con trai đã mất, sau đó gia đình cần chọn một đứa cháu trai trong họ xem như con nuôi của cặp vợ chồng này, vậy mới được xem là hoàn thành thủ tục thừa kế tài sản. Còn đối với các cô gái, đám cưới ma là nghi thức để họ tìm được chốn nương tựa, vì bài vị sẽ phải thờ ở nhà chồng. Nếu không tìm được duyên âm phù hợp, các gia đình sẽ phải bỏ tiền mua chú rể còn sống. Trách nhiệm của chú rể là mang di ảnh cô gái về nhà mình để chăm lo hương khói và được xem là người đã có gia đình.

Quy trình tổ chức một đám cưới ma

Trước khi tổ chức đám cưới ma, gia đình phải đến nhờ cậy quỷ mai mối dạm hỏi và xem quẻ. Nếu quẻ cho kết quả tốt, hai bên gia đình sẽ tiến hành may áo mới cho cô dâu chú rể và tiếp tục các bước chuẩn bị cho hôn lễ. Nếu cả cô dâu chú rể đều đã mất, gia đình sẽ phải dùng hình nhân thế mạng trong nghi lễ, rồi hợp táng để chôn cùng một mộ. Nếu một người còn sống, người này sẽ đeo găng tay đen và cử hành nghi lễ cùng bài vị đại diện cho người mất. Tất cả các nghi thức trong hôn lễ được thực hiện hệt như những đám cưới thông thường. Có đầy đủ lễ vật, trống kèn và quan khách đến chung vui. Người ta cũng trò chuyện và chúc mừng các bài vị hay hình nhân thế mạng hệt như với người sống. 

Tuy nhiên, bên cạnh những toan tính cực đoan, Trung Quốc cũng ghi nhận những cuộc minh hôn xuất phát từ chính tình yêu của cặp đôi bị âm dương chia cắt. Họ âm thầm tổ chức đám cưới ma với người bạn tình đã khuất để không lỗi lời hứa bên nhau trọn đời. Đám cưới ma cũng là liều thuốc an ủi những người làm cha làm mẹ khi họ quá đau đớn vì mất đi đứa con thương yêu. Mong con không cô đơn lạnh lẽo ở thế giới bên kia.

Hủ tục tiếp tay cho tội ác 

Nếu nhiều người cho rằng đám cưới ma là một vấn nạn thời xưa và đã “tiệt chủng” trong xã hội phát triển ngày nay thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Nếu ngày xưa, minh hôn chỉ diễn ra ở các gia tộc có của ăn của để, có thể dùng tiền mua sự đồng ý và củng cố thêm bề dày gia tộc thì những năm gần đây, hủ tục này bắt đầu lan rộng phổ biến đến các vùng nông thôn, vấn nạn ăn cắp thi thể, hay thậm chí giết người lấy tử thi cũng dần trở thành hồi chuông rúng động. Không chỉ những cuộc trao đổi buôn bán bằng miệng, ở Trung Quốc còn tồn tại thị trường chợ đến chuyên buôn bán mặt hàng này để cung cấp cho nghi thức đám cưới ma. Sẽ có những người làm nhiệm vụ môi giới, trung gian giữa người bán và người mua. Có những người chuyên săn lùng và tìm kiếm thi thể bằng đủ mọi cách, từ đào mộ đến biến người sống thành tử thi. Những tử thi còn trẻ và mới thường có giá bán rất cao, nhưng mức giá này cũng phụ thuộc vào độ nguyên vẹn và đúng yêu cầu khách hàng. Báo chí xứ Trung cũng đã ghi nhận hàng loạt các vụ đánh cắp thi thể người để bán lại cho các gia đình làm đám cưới ma. Đau lòng hơn cả là nhiều gia đình tàn nhẫn đã bạo hành và bán chính thi thể con mình vì số tiền nhận được quá lớn. 

Mặc dù minh hôn là một hủ tục bị thế giới lên án gay gắt, nhưng vẫn chưa thể chiến thắng sự mê tín và quan niệm đã hình thành từ xa xưa của người Trung Quốc. Dẫu biết đám cưới ma được xuất phát từ tình thương cha mẹ dành cho con cái, nhưng nó đã không còn phù hợp với xã hội hiện nay, đặc biệt khi kéo theo sau là bao nhiêu tội ác.