ĐỜI SỐNG

Iran: Đế chế hùng mạnh từng thống trị thế giới như thế nào?

Sky • 13-01-2019 • Lượt xem: 15224
Iran: Đế chế hùng mạnh từng thống trị thế giới như thế nào?

Ngày nay, nhắc đến Ba Tư, người ta nghĩ ngay đến Iran. Và tất nhiên, lịch sử của Iran cũng gắn liền với lịch sử đế chế Ba Tư của triều đại Achaemenid ở thời đỉnh cao từng kiểm soát một khu vực rộng lớn ở cả châu Âu, châu Á và châu Phi với 44% dân số thế giới.

Thống trị “một nửa thế giới”

Dưới triều đại của Cyrus Đại đế, Đế chế Ba Tư chiếm được tất cả những nền văn minh trước đây của vùng Cận Đông cổ đại,  chinh phạt phần lớn vùng Tây Nam Á và nhiều phần đất của vùng Trung Á, thậm chí cả một phần châu Âu và Bắc Phi. Ông cũng là vua Ba Tư đầu tiên có danh hiệu "Đại đế".

Đế chế Ba Tư từng kiểm soát một khu vực rộng lớn với 44% dân số thế giới

Đế chế Ba Tư nói trên tồn tại vào một thời điểm độc nhất vô nhị trong lịch sử, khi phần lớn thế giới văn minh có người sinh sống đều tập trung ở Trung Đông. Kết quả là, Đế chế Ba Tư cai trị một tỷ lệ dân số thế giới lớn hơn bất cứ đế chế nào khác trong lịch sử. Năm 480 trước Công nguyên, đế chế này có 49,4 triệu người, bằng 44% dân số toàn thế giới lúc đó.

Đế chế Ba Tư là đế chế đầu tiên kết nối nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Ấn Độ, châu Âu và vùng Địa Trung Hải. Các thành tựu quân sự của đế chế Ba Tư rất đáng nể, nhưng ngày này hầu hết bị lãng quên vì bị đội quân của Alexander Đại đế chinh phạt.

Các chiến dịch quân sự do Cyrus Đại đế chỉ huy đã đã chinh phục được nhiều nền văn minh tiên tiến của thế giới khi ấy như là Babylon, Lydian, Ai Cập và Hindu. Di sản của Đế chế Ba Tư để lại cho thế giới bao gồm việc sử dụng một mạng lưới đường bộ, hệ thống bưu chính, một ngôn ngữ hành chính thống nhất, chế độ tự trị dành cho các dân tộc thiểu số.

Trong lịch sử Trung Đông, Đế quốc của họ là Đế quốc đầu tiên thống nhất cả khu vực này thành một Nhà nước có tổ chức. Đáng tiếc rằng sau khoảng 200 năm, Alexander Đại đế xuất hiện, đánh bại Hoàng đế Darius III của Ba Tư. Alexander Đại đế chinh phạt toàn bộ vương quốc Ba Tư vào năm 328 TCN.

Đội quân bất tử

Theo nhà sử học Herodotus, đế chế Ba Tư dưới thời Cyrus Đại đế là đế chế đầu tiên tạo ra những chiến binh tinh hoa thiện chiến. Đội quân 10.000 người được biết đến với tên gọi “những chiến binh bất tử.

Truyền thuyết kể rằng họ chưa từng bại trận trên chiến trường. Đội quân chiến binh bất tử đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử đế quốc Ba Tư, khi vừa bảo vệ Hoàng đế, vừa trực tiếp tham chiến trong thời kỳ mở rộng lãnh thổ của đế chế Ba Tư.

Cyrus Đại đế là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Ba Tư

Điểm mấu chốt của đội quân tinh nhuệ này là khả năng duy trì năng lực chiến đấu xuyên suốt, không hề suy giảm. Những chiến binh tử trận ngay lập tức được thay thế bằng những người khác thông qua một quá trình tuyển chọn gắt gao.

Dưới con mắt của các nền văn minh khác, đội quân này giống như bất tử khi không ngừng chiến đấu, việc các thành viên thế chỗ nhau là biểu tượng của sự phục sinh.

Trong miêu tả của nhà sử học Herodotus, đội quân bất tử vô cùng thiện chiến, áo giáp lấp lánh ánh vàng. Vũ khí của họ gồm có khiên chắn bằng liễu gai, giáo ngắn, gươm hay dao găm lớn, cùng với cung tên. Họ mang một loại khăn trùm đầu đặc biệt, được cho là mũ phớt Ba Tư. Loại mũ này thường được miêu tả là một loại mũ có thể che kín mặt.

Đội quân bất tử đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến thành Babylon. Họ cũng tham gia vào trận đánh lịch sử Thermopylae vào năm 480 TCN. Đội quân này do Xerxes I chỉ huy đã đánh bại vua Leonidas I và 300 chiến binh Sparta tinh nhuệ.