GIẢI TRÍ

Jeans: đơn thuần chỉ là trang phục hay còn là văn hóa toàn cầu?

JL • 01-11-2022 • Lượt xem: 542
Jeans: đơn thuần chỉ là trang phục hay còn là văn hóa toàn cầu?

Ra đời vào năm 1873 bởi Levi Strauss, vốn được ưa chuộng bởi các công nhân ở thời kỳ “Cơn sốt vàng” ở Mỹ, cho đến nay quần jeans là biểu tượng cho tuổi trẻ, sự phản kháng, tự do và cho chủ nghĩa cá nhân của mọi tầng lớp nhân dân trên thế giới.

Trang phục hay văn hóa?

Trước hết không thể phủ nhận rằng chiếc quần jeans của thế kỷ 20 luôn lọt top “Những sản phẩm bán chạy nhất thế giới”. Thậm chí có nhiều hãng thời trang chuyên dành riêng cho những tín đồ yêu thích chúng, có thể kể tên như Levi, Calvin Klein hay Wrangler. Hơn thế nữa, quần jeans còn được ưu ái khi được các hãng thời trang xa xỉ cho đứng riêng một phương trời như Versace Jeans Couture hay Amiri hoặc ít nhất là một phần của bộ sưu tập như Summer 23 của nhà Balenciaga mang tên The Mud Show. Khán giả có thể thấy được sự xuất hiện của quần jeans từ tạo hình ống rộng cho đến những chiếc jeans xé đều được Demna thiết kế một cách tỉ mỉ và mang đậm phong cách thời trang đường phố.

The Mud show (Balenciaga’s summer 23)

Nhưng với độ phổ biến và sự lâu đời, liệu chiếc quần jeans có thể trở thành một văn hóa riêng biệt trong tiến trình lịch sử của nền thời trang thế giới được không?

Cần phải quay trở lại những năm 90 của cuối thế kỷ 20 và đầu những năm 2000. Đây là thời kỳ mà văn hóa đại chúng như phim ảnh hay âm nhạc ở thời kỳ vàng son không chỉ nằm ở các nước phương Tây mà còn ở châu Á. Khi mà gu ăn mặc của minh tỉnh điện ảnh thay đổi liên tục khiến cho khán giả đứng ngồi không yên.

Trong đó không thể không kể đến Y2K của những năm 2000. Đây là sự kết hợp giữa sở thích mua sắm khi còn nhỏ và đầu thanh thiếu niên của người mặc. Điều này cho thấy sự nổi loạn trong phong cách ăn mặc và phối đồ ở thời kỳ đó mà tiêu biểu có thể kể đến các cái tên như Britney Spears, Paris Hilton hay Missy Elliot, thậm chí trong các bộ phim kinh điển cũng có sự xuất hiện của trào lưu thời trang này như The Matrix và Mean Girls. Những phụ kiện thường thấy để trở thành một Y2K chính hiệu là chiếc túi Baguette, mắt kính râm, váy xếp ly hoặc một chiếc quần jeans ống rộng.

Phong cách của Paris Hilton trong chiếc jeans ấn tượng

Còn ở Việt Nam của những năm 90, do ảnh hưởng của nền văn hóa và qua các bộ phim HongKong. Từ đó hàng loạt cái tên Trương Quốc Vinh hay Tứ Đại Thiên Vương luôn là tượng đài cho các thanh thiếu niên noi theo, từ cử chỉ hành vi cho đến phong cách ăn mặc. “Người trong giang hồ” chắc chắn là một bộ phim ảnh hưởng sâu sắc đến giới trẻ Việt Nam trong những năm 90, đặc biệt là nhân vật Trần Hạo Nam do nam diễn viên Trịnh Y Kiện thủ vai đã hoàn xuất sắc trong việc xây dựng nên nhân vật và khiến nó trở nên phổ biến với công chúng qua cách chứng xử và phong cách ăn mặc có phần lãng tử của mình. Khi nhắc đến Trần Hạo Nam thì chắc chắn ập vào suy nghĩ của khán giả là một thanh niên tóc dài, mặc áo thun cổ V ngắn tay, khoác bên ngoài là chiếc áo khoác da màu đen, một chiếc quần skinny jeans và đôi bốt mang đậm chất xã hội ở thời điểm đấy. Với phong cách ăn mặc như vậy, đã có rất nhiều thanh niên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số nước châu Á đã ứng dụng vào trong đời sống, đặc biệt trong giai đoạn 1996 - 1998 khi mà bộ phim được công chiếu.

Có thể thấy chiếc quần jeans tuy không phải là nhân vật chính nhưng đâu đó nó cũng là một thành phần cực kỳ quan trọng trong nền văn hoá thời trang thế giới.

Như một phong cách bao hàm cả những giá trị văn hóa trong trang phục

Vậy thì jeans có thể trở thành một nền văn hóa độc lập được không?

Cũng có thể bởi vì lịch sử đã chứng minh Jeans không những góp phần vào những xu hướng thời trang thế giới, mà ngay cả nó cũng chính là xu hướng.

Acid-wash jeans (2000)

Màu xanh dương với chất vải không họa tiết luôn là tính chất khi người ta nhắc đến jeans. Nhưng với acid-wash thì việc tạo ra các họa tiết như đốm sáng hay đường kẻ sọc là vô cùng dễ dàng. Được phát minh bởi Claude Bankiet vào năm 1970, chiếc quần jeans được giặt bằng acid này đã trở nên vô cùng phổ biến vào những năm đầu 2000 và được nhiều người nổi tiếng sử dụng như một loại thời trang đời sống, có thể kể qua như Katy Perry và Bella Hadid.

Double Denim (1950)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, buổi triển lãm “Một vải nghìn vóc” do De La Sól được tổ chức vào 12/8 đến 17/8 đã thu hút đông đảo giới trẻ đam mê với phong cách Vintage (Retro), Denim và Double Denim. Ra đời vào năm 1950, Double Denim đã được các siêu sao thời đó diện lên như Marilyn Monroe đến Elvis, người có phong cách không theo chủ nghĩa phù hợp. Tua nhanh đến năm 1978 và Debbie Harry, người có phong cách punk-rock không sợ hãi đã trở thành biểu tượng phong cách của mình, xuất hiện trên sân khấu với các sắc thái denim khác nhau. Hoặc gần đây nhất bộ Once Upon a Time in Hollywood (2019), nam tài tử Brad Pitt đã diện lên áo khoác vải denim và quần jeans xanh.

Những điều trên đã minh chứng cho việc dù có đứng vị trí trung tâm hay chỉ là nhân vật phụ thì jeans vẫn là thứ gì đó có sức hút đối với cả nam và nữ, ở mọi lứa tuổi hay những người theo đuổi phong cách thời trang khác nhau với những ngành nghề khác nhau.