ĐỜI SỐNG

Khắc phục những góc bất như ý trong ngôi nhà

Bài và ảnh: Hà Thành • 04-05-2023 • Lượt xem: 835
Khắc phục những góc bất như ý trong ngôi nhà

Mỗi ngôi nhà, thường có những chỗ lỡ cỡ, những khoảng trống, những chỗ không tiện ích hay những “góc chết”. Cho dù thiết kế được xử lý cẩn trọng và kỹ càng thì những nơi này vẫn có thể xuất hiện, ngay từ khi công trình hoàn thành hoặc phát sinh trong quá trình sử dụng.

 

Những góc như vậy có thể gây lãng phí, bất tiện cho sử dụng hay khó chịu về thị giác. Có rất nhiều cách để khắc phục, hoá giải những “góc chết” này để trở thành những không gian tiện ích, thậm chí trở thành điểm nhấn giàu tính thẩm mỹ.

Những góc không gian này có thể xuất phát từ hình của đất (cong, méo…), từ hệ thống kết cấu chịu lực như dầm cột bị lộ ra… hoặc các yêu cầu kỹ thuật khác của thiết kế (quan trọng hơn) nên yếu tố thẩm mỹ phải chịu nhún nhường. Những góc này cũng có thể là một sự kê sắp đồ đạc chưa được hợp lý - thường là do các đồ nội thất cũ tận dụng lại với nhà mới - không gian mới, các đồ mua sẵn không phù hợp; hoặc trong các công trình cải tạo – thay đổi mặt bằng công năng và cấu trúc không gian. Với trường hợp “góc chết” thuần túy được tạo ra bởi việc kê sắp đồ, thì việc hóa giải và làm đẹp “góc chết” cũng đơn giản bằng chính thủ pháp sắp đặt. Tùy từng tình huống cụ thể mà có thể sắp đặt thứ gì cho phù hợp không gian và phù hợp màu sắc, có tỷ lệ tương quan tốt. Đó có thể là một bức tượng, một lọ hoa, một chiếc đèn trang trí…

 Giải pháp đơn giản là đặt một bình hoa.

Những trường hợp “góc chết” được tạo ra bởi kết cấu cũng khá nhiều, bởi tiết diện cột, dầm và tường nhiều khi không bằng nhau; hay ở các căn hộ chung cư cao tầng, cột chịu lực thường lớn hơn nhiều so với độ dầy tường nên không phẳng cùng tường. Các dạng này có rất nhiều giải pháp xử lý, làm đẹp. Có thể giấu “góc chết” bằng một kết cấu bao che khác kết hợp trang trí, hoặc kết hợp với đồ đạc nội thất làm phẳng góc chết. Có trường hợp góc chết được giấu hoàn toàn một cách khéo léo, khai thác tốt công năng mà nếu không nói thì rất khó nhận biết.

Không gian khó sử dụng do cột kết cấu lồi ra ngoài mặt tường, được xử lý bằng một bức tường trang trí kết hợp chiếu sáng cho hiệu quả cao.

Góc chết do cột lồi ra ở góc phòng, nhà thiết kế đã dùng hai chiếc kệ bằng đúng phần lồi ra để trả lại sự vuông vắn của góc nhà.

Một chiếc cột chịu lực nằm giữa nhà và không liền với bức tường nào. Kiến trúc sư đã muợn cột để làm nên hệ thống tủ kệ trang trí, cũng là bức bình phong ngăn phòng khách với phòng ăn.

Thiết bị liên quan đến công trình thường có những kích thước cố định của nhà sản xuất. Tuy rằng người sử dụng có thể có nhiều lựa chọn khi mua sản phẩm thiết bị, song cũng không thể “đo ni đóng giầy” theo kiểu đóng đồ nội thất bằng gỗ. Vì vậy khi lắp đặt thiết bị vào cũng luôn có những khoảng hở, “góc chết” với trần, với tường, hoặc với đồ nội thất khác. Cách xử lý là chọn trước thiết bị với kích thước cố định và thiết kế hệ thống nội thất liên quan theo kích thước thiết bị đó. Hệ thống nội thất liên quan cũng có thể chủ động hơn về kiểu dáng, màu sắc để tương đồng.

Phần thừa ở bên cạnh và phía trên tủ lạnh biến thành tủ đồ hữu dụng cho khu bếp theo cách “đo ni đóng giày”

Lại có những vị trí sàn nhỏ không sử thể dụng thành phòng, những điểm thuộc về diện tích giao thông ít có ý nghĩa (như cuối hành lang); hoặc những chỗ sàn chênh cốt. Với những chỗ như thế này này có thể tạo những tiểu cảnh nho nhỏ với cây xanh, tận dụng sự thông thoáng để khai thác yếu tố quan hệ không gian và làm đẹp “góc chết”.

Một tiểu cảnh bên cạnh thang, dưới giếng trời. 

Và trong thực tế, có rất nhiều chỗ, nhiều nơi, góc xấu được hình thành bởi lý do khách quan chứ không thuộc về các vấn đề thiết kế, thi công của bản thân công trình. Đó có thể là một chiếc cột điện án ngữ ngay mặt tiền, một mặt sườn nhà hàng xóm không thẩm mỹ chiếu sang sân hay khoảng không gian trống có điểm nhìn của nhà ta. Nghiên cứu trên điều kiện và tình hình cụ thể, ta có thể làm đẹp bằng những giải pháp chủ động để che chắn cái xấu, tuy rằng đôi lúc có thể hơi tốn kém!

Diện tường có cửa sổ này là tường giả nhằm che đi sườn nhà hàng xóm vốn không thẩm mỹ và tạo điểm nhấn ấn tượng cho không gian của mình. Giải pháp này được kiến trúc sư thực hiện rất phù hợp và hiệu quả.

Trong những “góc chết” phổ biến nhất, thậm chí không bao giờ thiếu (trừ nhà 1 trệt) phải kể đến là gầm cầu thang. Gầm cầu thang được coi là nơi xấu nhất, không khai thác được và có nhiều bất tiện như tối tăm, mất vệ sinh, khó tiếp cận. Xử lý cho gầm cầu thang có thể chủ động ngay từ khâu thiết kế hoặc hóa giải sau khi đã xây dựng, giải pháp rất đa dạng tùy từng trường hợp cụ thể. Với những cầu thang vế dài, đủ chiều cao, có thể tận dụng gầm thang làm phòng vệ sinh, phòng kho. Thiết kế theo kiểu này thậm chí có thể nhấn mạnh khối thang như một điểm nhấn của không gian. Cũng tương tự, gầm cầu thang có thể là một toa hút mùi của bếp nấu.

Những cầu thang có vế dài và đủ chiều rộng của vế, có thể tận dụng gầm cầu thang để làm phòng vệ sinh hay phòng kho, phòng kỹ thuật. Ngoài ưu điểm công năng, khối thang còn là điểm nhấn khỏe khoắn.

Cũng là gầm cầu thang, phần thấp được tận dụng làm kho chứa đồ nho nhỏ, phần cao chính là “toa hút mùi” phía trên bếp nấu.

Tất nhiên cũng có những trường hợp không thể tận dụng gầm thang như những trường hợp trên, bởi mặt bằng thang hay chiều cao không phù hợp. Khi đó giải pháp sắp đặt trang trí trở thành phổ biến. Khi đó cũng nên chủ động chuẩn bị trước để phối hợp thành phần sắp đặt (thực hiện sau) trong quá trình thi công như làm các ô trang trí, sử dụng vật liệu ốp lát trang trí hay các đường điện chiếu sáng. Đơn giản hơn, có thể lựa chọn cấu tạo và vật liệu thang phù hợp để triệt tiêu “góc chết” dưới gầm thang. Thang rỗng kiểu xương cá với cốn thang thép có tiết diện mảnh (vẫn đảm bảo chịu lực) cùng bậc gỗ là phương án rất hay được sử dụng.

Trang trí tiểu cảnh dưới gầm thang là một giải pháp.

Ở tình huống này, dùng cầu thang “rỗng” là hiệu quả nhất cho sự thông thoáng dưới gầm.

Thực tế là những “góc chết” luôn tồn tại từ lúc công trình hoàn thành và phát sinh trong quá trình sử dụng. Nên chủ động hóa giải, làm đẹp “góc chết” ngay khi tính toán thiết kế phần kiến trúc; và nếu như việc đó chưa giải quyết được thì còn có rất nhiều giải pháp nội thất, décor phong phú và đa dạng để những “góc chết” này hoàn toàn có thể đẹp, là điểm nhấn trong không gian ngôi nhà.