ĐỜI SỐNG

Khám phá bí ẩn lâu đài Hạc Trắng, tòa thành cổ xứ hoa anh đào

Lan Hương • 18-05-2023 • Lượt xem: 939
Khám phá bí ẩn lâu đài Hạc Trắng, tòa thành cổ xứ hoa anh đào

Lâu đài Himeji còn được gọi với cái tên Diệc Trắng (Hạc Trắng), loài chim tượng trưng cho sự thanh khiết, cao quý của người quân tử. Đây là kiến trúc cổ xưa và tiêu biểu cho cho kiến trúc thành quách thời cận đại của đất nước Nhật Bản.

Nằm trong trung tâm thành phố Himeji tỉnh Hyogo, cách thủ đô Tokyo khoảng 650km về hướng Tây, lâu đài Himeji chính là một tòa thành cổ kính. Cùng với thành Matsumoto và thành Kumamoto, cả ba hợp thành tam đại quốc bảo thành của Nhật, Himeji được xem là lâu đài nổi tiếng nhất. Năm 1993, UNESCO đã công nhận Himeji là di sản văn hóa thế giới và là di tích lịch sử đặc biệt của Nhật Bản.

Lịch sử xây dựng

Theo lệnh của lãnh chúa Norimura Akamatsu của vùng Harima, lâu đài Himeji được bắt đầu xây dựng từ năm 1333, ban đầu nơi này chỉ là một pháo đài phòng thủ trên đỉnh đồi Himeyama. Đến năm 1346, con trai của Norimura là Sadanori đã cho xây dựng thêm nhiều công trình phụ và tu sửa thành lâu đài Himeyama.

Lâu đài Himeji được tái thiết vào hai thế kỷ sau đó, đến năm 1618 mới chính thức được xem là hoàn thành. Trải qua hơn 400 năm tồn tại, Himeji chưa từng bị phá hủy hay hư hại bởi thiên tai, thậm chí là các cuộc tấn công ngay cả trong trận ném bom của Thế chiến thứ II.

Sở dĩ Himeji còn được gọi là lâu đài Hạc Trắng, bởi hình dạng của tòa thành làm người chiêm ngưỡng liên tưởng đến những cánh hạc đang tung cánh bay cao. Và thêm nữa, hạc trắng cũng là biểu tượng của thành phố Himeji. Các bức tường gỗ của lâu đài hoàn toàn được bao phủ bằng thạch cao trắng càng làm toát lên vẻ thanh khiến, cổ kính của lâu đài.

Lâu đài Himeji với bức tường được phủ toàn màu trắng, đây cũng là khởi nguồn cho cái tên lâu đài Hạc Trắng nổi tiếng đến bây giờ.

Kiến trúc độc đáo của lâu đài Hạc Trắng

Lâu đài Himeji đứng kiên vững trên đỉnh đồi Himeyama và được thiết kế như một pháo đài phòng thủ, Himeji cũng được xem là một trong những điểm ngắm hoa anh đào, ngắm lá đỏ mùa Thu đẹp nhất Nhật Bản.

Nhìn từ trên cao xuống, lâu đài có hình bầu dục và được bao quanh bởi hào nước, phía sau là bức tường đá, tiếp đến là rừng cây bách và khu vực công viên bao quanh toàn bộ tòa thành. Khu vực này hoàn toàn biệt lập và không có dân cư sinh sống xung quanh.

Từ ngoài vào là tòa tháp chính to lớn, cùng với mạng lưới 83 tòa nhà như một hệ thống phòng thủ kiên cố với nhiều cạm bẫy, mê cung phức tạp. Đây được xem như một đại diện điển hình cho kiểu kiến trúc với nhiều tính năng phòng thủ. Nhờ cấu tạo phức tạp như mê cung và cạm bẫy khắp nơi khiến cho quân địch bên ngoài khó mà tiếp cận. Đây cũng là lý do giúp lâu đài vẫn đứng vững trước nhiều khói lửa chiến tranh trong lịch sử.

Quần thể lâu đài Himeji có diện tích 233 hecta, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ (khoảng 36 tấn) và phủ thạch cao trắng bên ngoài nhằm mục đích chống thấm và chống cháy. Trong số 83 công trình trong tòa thành thì có 74 công trình được xem là Tài sản Văn hóa Quan trọng với 15 lối cổng, 16 tháp pháo, 11 hành lang và 32 bức tường bằng đất.

Thêm một điểm độc đáo có thể nhận thấy ở lâu đài Himeji chính là phần mái. Những lớp mái ngói màu bạc hòa quyện với sắc trắng được phủ vôi của những bức tường gỗ đem đến cho tòa thành vẻ đẹp cổ kính và nho nhã. Có tổng cộng 56 loại ngói được sử dụng cho phần mái của tòa lâu đài.

Phần mái được thiết kế có góc nhọn, nhằm tăng sự chống chịu sức nặng của tuyết khi mùa đông về ở Nhật. Rìa mái được cấu thành từ những miếng ngói nhỏ hình tam giác, đây là một đặc điểm khá thú vị trong nghệ thuật xây dựng lâu đài Himeji, bởi nó có tác dụng giúp nước mưa chảy theo rãnh xuống bên dưới và đưa vào bộ lọc để phục vụ cho việc sinh hoạt của người trong lâu đài.

Phần mái lâu đài được thiết kế góc nhọn tựa như cánh hạc đang vung cánh bay lên.

Vẻ đẹp lâu đài Hạc Trắng

Có thể nói Himeji là một quần thể công trình đẹp từ mọi góc nhìn. Cổng và tường được thiết kế xoắn ốc như mê cung dẫn vào lâu đài. Toàn bộ tòa thành có tổng cộng 6 tầng lầu được xây dựng bằng những cột gỗ lớn, có những cột gỗ được xác định niên đại lên tới 780 năm. Những cột gỗ này đều lấy từ những cây quý hiếm, có độ bền cao và ít bị mối mọt nên mới tồn tại tới tận bây giờ. Các xà ngang, xà dọc, những vách ngăn cũng được làm từ gỗ.

Bên trong lâu đài, có thể thấy phần cầu thang nối các tầng được bố trí rải rác, không trùng nhau ở một vị trí tọa độ. Thiết kế này tạo nên những góc hiểm, giúp cho việc phòng thủ trở nên lợi hại. Các lối đi dọc hành lang của lâu đài dài hun hút, được bố trí quanh co với cửa sổ hẹp hình chữ nhật và có rất ít cửa sổ được mở vì thời đó nơi này là pháo đài phòng thủ.

Lâu đài có các hành lang dài và nhiều cửa sổ hẹp hình chữ nhật.

Tại Himeji, phòng ốc được xây dựng dọc theo lối đi, phòng sẽ là nơi ở của các tướng sĩ, binh linh, có cả phòng dành riêng cho phụ nữ. Các lối đi trong lâu đài được thiết kế vô cùng ngoằn ngoèo mà ngày nay, hầu hết khắp nơi đều được gắn biển chỉ dẫn để du khách không bị lạc trong quá trình tham quan.

Lâu đài Himeji luôn là biểu tượng cổ kính và hấp dẫn nhiều người từ khắp nơi trên thế giới.

Vào mùa xuân, khắp nơi xung quanh khu vườn Nishinomaru của lâu đài Himeji đều bao phủ sắc hồng, sắc trắng của hoa mận, hoa anh đào. Một vẻ đẹp tuyệt mỹ khiến bất kỳ ai chiêm ngưỡng cũng phải chạnh lòng xao xuyến.