ĐỜI SỐNG

Khám phá Cồn Hến - Hòn đảo nhỏ trên sông Hương

Bài và ảnh: Hà Thành • 20-07-2023 • Lượt xem: 2064
Khám phá Cồn Hến - Hòn đảo nhỏ trên sông Hương

Cồn Hến là một hòn đảo nhỏ trên sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế. Cồn Hến được hình thành bởi sự bồi lấp của đất và phù sa. Sông Hương đoạn chảy qua Kinh thành Huế lên phía bắc, về hạ lưu ra biển chia làm hai nhánh, với Cồn Hến ở giữa. Nhánh bên trái chảy qua địa phận các phường Phú Cát, Phú Hiệp; nhánh bên phải chảy qua phường Vỹ Dạ.

Cồn Hến có hình dài theo hướng bắc – nam, gần như chính giữa dòng sông, trùng với đường phân thủy. Khởi nguồn chỉ là bãi đất bồi, qua thời gian; Cồn Hến trở thành một hòn đảo, một vùng đất cao, với diện tích 26,4ha.

Toàn cảnh cồn Hến nhìn từ cầu Chợ Dinh ở phía bắc, như một viên ngọc xanh giữa dòng sông Hương.

Sử sách không ghi chép Cồn Hến xuất hiện trên sông Hương từ bao giờ. Theo một số tài liệu, như Văn sở tế thần và địa bạ các ấp; viết về Cồn Hến; thì ban đầu, Cồn Hến có tên là “xứ cồn cạn” do hai khe nước ở giữa cồn bị bồi lấp cạn dần; nhiều loài cá tôm đến đây sinh sống. Ban đêm nhiều người tới đây đánh bắt, đốt đèn đuốc soi sáng cả một vùng nên cồn được gọi là Cồn Soi. Cũng bởi sự hình thành cồn do bồi lấp mà về sau, quần cư ở đây đã lập nên làng có tên là Bồi Thành. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1725-1738) xây dựng phủ chúa ở Phú Xuân, ông Huỳnh Tương (người xã Diên Đại, Phú Vang, Thừa Thiên) được coi là người đầu tiên đến dựng chòi định cư và làm nghề cào hến. Đến đầu niên hiệu vua Gia Long (1802-1820), phường Giang Hến, thuộc xã Phú Xuân ra đời trên “xứ cồn cạn”. Cái tên Cồn Hến bắt đầu từ đó.

Khi vua Gia Long khởi dựng Kinh thành Phú Xuân mới (1805), theo thuật phong thuỷ; Cồn Hến được lựa chọn là yếu tố Thanh Long - nằm bên trái, trước Kinh thành (cùng với cồn Dã Viên là yếu tố Bạch Hổ, nằm bên phải). Cũng trong việc xây dựng Kinh thành, 8 xã thuộc phạm vi quy hoạch đã phải di dời. Cồn Hến là nơi tái định cư của dân xã Phú Xuân. Và cộng đồng dân cư Cồn Hến đông thêm, “xứ cồn cạn” này trở thành một đảo nhỏ trù phú.

Một góc Cồn Hến nhìn từ hướng đông nam, phía Đập Đá - Vỹ Dạ.

Nghề cào hến và chế biến hến được truyền - nối và phát triển, trong một thời gian dài là nghề chính của cư dân cồn Hến. Nhưng nghề hến đang mai một dần. Một trong những nguyên nhân là hến ở khu vực cồn cũng như nhiều vùng lân cận ở sông Hương không còn nữa, do nạn khai thác cát trái phép; làm ảnh hưởng đến địa chất, thuỷ văn và môi sinh…, khiến cho hến cùng nhiều loài thuỷ sinh dần thưa vắng, rồi cạn kiệt… Một số người, một số gia đình vẫn giữ nghề phải đi mua gom hến từ nhiều nơi khác, có khi rất xa.

Cồn Hến cũng nổi tiếng bởi bắp (ngô) ngon; ngô trồng đất cồn ngon hơn ngô nơi khác ở Huế. Cồn Hến là một “đảo ẩm thực” với các món đặc sản liên quan đến hến, tiêu biểu là món cơm hến; các loại món từ bắp trồng trên cồn – tiêu biểu là món chè bắp, cùng với các loại bánh khác… Rất nhiều món ẩm thực ở các nhà hàng, quán rong xuất phát từ nơi đây.

Hiện nay, Cồn Hến là khu vực dân cư tổ 6A và 6B, với khoảng 700 hộ dân, gần 5000 nhân khẩu; thuộc phường Vỹ Dạ, thành phố Huế.

Cầu Phú Lưu, còn gọi là cầu Cồn - cây cầu nhỏ duy nhất dẫn vào Cồn Hến từ đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ. Cây cầu này được xây dựng trước năm 1975 dưới thời Việt Nam Cộng Hoà và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Cầu rộng 3m và không dành cho ô tô.

Năm 2009, UBND thành phố Huế đề xuất tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép lập quy hoạch chi tiết xây dựng Cồn Hến thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Dự án đã đuợc phê duyệt quy hoạch và kêu gọi đầu tư, song vì nhiều lý do vẫn chưa triển khai. Có lẽ, trong tương lai, Cồn Hến sẽ khác xa bây giờ…

Nhưng một Cồn Hến - ốc đảo bình yên với ngút ngàn màu xanh trên dòng Hương Giang  sẽ còn mãi trong ký ức!

Qua cầu Cồn là thẳng tới con đường chính và là con đường duy nhất trên cồn có tên:Ưng Bình. Ưng Bình (1877-1961) là một danh sỹ cuối thời Nguyễn, cũng là một nhà thơ tiền chiến. Ưng Bình tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ưng Bình, là hoàng thân nhà Nguyễn và được sinh ra tại Vỹ Dạ.

Đường Ưng Bình như một xương sống giao thông chia đôi Cồn Hến theo chiều ngang. Các con đường nhỏ khác rất dài theo chiều dọc cồn là các kiệt (ngõ) nối với trục đường chính Ưng Bình.

Cuối đường Ưng Bình là một bến đò ngang, đò đi về giữa Cồn Hến và khu phố cổ Chi Lăng ở bờ bắc sông Hương, phía Kinh Thành.

Nơi đây cũng là một bến nước từ xưa, bây giờ người dân vẫn ra đây giặt giũ.

Mặc dù có diện tích không lớn, nhưng trên Cồn Hến có khá nhiều công trình tâm linh – tín ngưỡng. Kiến trúc này là đình làng Bồi Thành, làng xưa ở Cồn Hến, thuộc xã Hương Lưu, TP Huế.

Chùa Pháp Hải ở phía đông Cồn Hến gần lối vào từ cầu Phú Lưu, còn gọi là chùa Thầy.

Niệm Phật Đường Hương Lưu, ở phía tây sát bờ cồn; còn gọi là chùa Cô.

Nhà thờ giáo xứ Tân Thuỷ. Giáo xứ Tân Thuỷ (Cồn Hến) thuộc Tổng giáo phận Huế, được thành lập từ năm 1896. Kiến trúc Nhà thờ Tân Thủy hiện nay được xây dựng năm 2002. Ở Cồn Hến có khoảng hơn 300 giáo dân.

Trên hòn đảo nhỏ này có một trường tiểu học tên là Phú Lưu, nằm ngay đầu đường Ưng Bình phía cầu; thuộc địa bàn phường Vỹ Dạ. Giờ tan học của các em là lúc Cồn Hến tấp nập và náo nhiệt nhất.

Một em nhỏ đi học về bên cánh đồng. Học sinh trường Phú Lưu hầu hết là ở Cồn Hến, nên các em tự đi - về trên những con đường vắng bóng xe cộ, rất bình an. Ở cồn, loại cây được trồng nhiều nhất là chuối và ngô. Hai loại cây này thích hợp với đất bồi phù sa của sông.

Phút nghỉ ngơi của một người bán chuối rong ngay trên cồn.

Ngô được dùng cho nhiều món ẩm thực. Người phụ nữ này đang nạo ngô để làm chè bắp.

Một cơ sở dịch vụ - kinh doanh ngay mặt phố chính, rất đơn sơ và vắng vẻ.

Cuộc sống ở đây bình yên và trôi thật chậm.

Cận cảnh một lò hến. Lò hến là công cụ cho công đoạn chế biến hến quan trọng nhất, để đun tách riêng vỏ hến và thân (ruột) hến.Ruột hến dùng để chế biến nhiều món đặc sản xứ Huế, phổ biến nhất là món cơm hến. Nghề hến ở Cồn Hến đang mai một; xưa cả làng đánh bắt và làm nghề hến, giờ Cồn Hến chỉ còn vài ba lò, và hến phải đi mua gom ở nhiều nơi.

Nhưng dấu ấn của hến ở cồn vẫn còn in đậm...

...cùng một không xanh trên ốc đảo gian yên ả, thanh bình.