ĐỜI SỐNG

Khám phá miền đất được mệnh danh Maldives của Việt Nam

Linh Anh • 17-05-2023 • Lượt xem: 915
Khám phá miền đất được mệnh danh Maldives của Việt Nam

Với những bãi tắm thơ mộng được mệnh danh “nơi ngắm bình minh đẹp nhất Việt Nam” hay “Maldives của Việt Nam” từng làm say lòng cả những bậc ông hoàng bà chúa, non nước Quy Nhơn là lời mời gọi thật khó để bạn cưỡng lại.

Nhắc đến Quy Nhơn, Bình Định phải nhớ ngay tới Ghềnh Ráng, nơi du khách được đắm mình trong không gian biển xanh núi biếc thơ mộng nhưng không kém phần hùng vĩ. Năm 1927, Ghềnh Ráng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ dưỡng.

Một trong những bãi tắm đẹp nhất tại đây cũng được Nam Phương hoàng hậu chọn làm bãi tắm riêng, nay được gọi là bãi tắm Hoàng Hậu. Đá trên bãi tắm có hình thù tròn trịa trông giống như những quả trứng khổng lồ cũng là một trong những điểm nhấn thú vị thu hút du khách. Ghềnh Ráng còn có bãi Tiên Sa được ví như “Nha Trang thứ hai”, bãi tắm tuyệt đẹp với những hàng thông xanh ngắt, cát trắng tinh trải bên mép sóng xanh đẹp mê hồn.

Cách thành phố Quy Nhơn chỉ 7km, Eo Gió là điểm đến không thể bỏ lỡ khác dành cho bạn. Đây là một rặng núi đá cao, dài 15km, nhìn từ xa trông khá giống một một vòng tay khổng lồ ôm trọn lấy vùng biển xanh, tạo thành một eo biển hút gió cảnh quan đẹp như tranh vẽ. Gần đây, điểm đến này càng trở nên nổi bật nhờ sự xuất hiện của con đường nhỏ duyên dáng với hàng rào sơn đỏ, lãng mạn không khác gì cảnh trong phim Hàn Quốc. Eo Gió được bình chọn là “nơi ngắm bình minh đẹp nhất Việt Nam”, khung cảnh vầng thái dương đỏ rực phá tan sương đêm, tạo nên những tia hào quang rực rỡ đủ màu sáng chói cả vùng biển trời bao la mang lại cảm xúc choáng ngợp đến khó tả.  

Bình Định (Quy Nhơn) vốn là nơi định đô khá dài của vương quốc cổ Chăm Pa trong thế kỷ 11 – 15. Sau Quảng Nam, Bình Định là nơi có nhiều tháp Chăm nhất Việt Nam như: tháp Dương Long, tháp Bạc (còn gọi tháp Bánh Ít), tháp Hòn Chuông, tháp Hưng Thạnh (còn gọi tháp Đôi)… Trong đó, tháp Đôi được coi là tòa cổ tháp có vẻ đẹp “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa. Tòa tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, gồm 2 khối tháp liền kề nhau, được giới nghiên cứu đánh giá cao bởi sự kết hợp độc đáo giữa phong cách kiến trúc Chăm Pa cổ với nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Angkor của người Khmer.

Khác với kiểu tháp vuông nhiều tầng kiểu kiến trúc Chăm Pa truyền thống, cấu trúc tháp đôi chia thành hai phần chính, gồm khối thân vuông và phần đỉnh tháp mặt cong. Cửa chính cả hai tháp đều quay về hướng Nam, vòm trên của các cửa vút cao lên như những mũi tên tạo cảm giác thanh thoát và uy nghi. Họa tiết trang trí ở hai ngôi tháp là các tượng thần, phù điêu diễn tả các điệu múa Chăm cổ, cùng hình tượng các linh thú như đầu voi mình sư tử, thần điểu Garuda, hươu, khỉ.. khá sống động, gây thích thú cho người xem. Và giống như tất cả các cổ tháp Chăm Pa khác, bí quyết kỹ thuật xây dựng tòa tháp đã có hơn 800 năm tuổi này vẫn chưa có lời giải chính xác, tựa như một bí ẩn còn nằm sâu trong những trang huyền sử xa xăm.

Đặt chân đến Quy Nhơn mà không thử qua món bánh xèo tôm nhảy thì chưa thể coi là đã thật sự biết đến Quy Nhơn. Món bánh xèo có mặt ở nhiều vùng miền  nhưng bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn có một phong vị rất riêng. Gạo làm bột bánh là gạo ngon mùa lúa trước, đem ngâm với một chút muối qua đêm rồi dùng cối đá xay cho bột mềm mịn. Để bánh thêm thơm ngọt, người nấu phải chọn loại tôm đất thật tươi, tốt nhất là tôm mới được đánh bắt, còn búng nhảy tanh tách khi được mua về. Bánh ăn kèm cùng bánh tráng nhúng, khế chua, dưa leo và các loại rau thơm chấm mắm xoài mang đến hương vị đậm đà đủ sức khiến những thực khách khó tính nhất cũng phải thấy mê say.