Ở đình Quán La (Xuân La Tây Hồ, Hà Nội) tồn tại một cửa hang dẫn xuống hầm ngầm đầy bí ẩn. Theo thủ từ Nguyễn Văn Lực, cũng không ai biết rõ hang ngầm này có từ bao giờ.
Cửa hang dẫn xuống một hầm ngầm rộng lớn bí ẩn với nhiều giai thoại như là nơi để mộ của người Hán, hầm luyện Đan Sa, hầm chứa của cải....
Hang ngầm nằm phía dưới lòng đất, sâu hơn 4m, có một cửa hang chính thông lên phía sau hậu cung đình Quán La. Các cụ trong làng đã làm một thang sắt để tiện cho việc lên xuống. Dưới hang có 3 ngách, theo các cụ truyền lại thì một ngách đi Hồ Tây, một ngách đi Xuân Đỉnh, một ngách đi sông Hồng. Mỗi ngách hầm rộng khoảng 1,5m, cao khoảng 1,6m.
"Cả ba cửa hầm hiện đã bị bịt kín từ thời Lý, đến nay không ai dám phá cửa đi sâu vào bên trong. Hôm nào trời nắng xuống bên dưới rất khó thở, người khỏe chỉ ở được 1 phút là phải lên. Thời điểm trước cây cối nhiều, dưới hầm nhiều rắn, rết, chuột bọ đào bới", thủ từ Nguyễn Văn Lực kể lại.
3 cửa hầm xây hình vòm bằng gạch, gạch được in các hoa văn rất đẹp. Cửa hầm đầu tiên sâu khoảng 3m, cửa hầm thứ hai dài khoảng 5m, cả hai đều bị bị kín.
Riêng mùa đông, có thể đứng phía dưới hang lâu mà không bị khó thở.
Bên trong hang, gạch được xếp hình múi bưởi, có nhiều hoa văn kỳ lạ. Một số chỗ đã hư hỏng, gạch bong ra rơi xuống nền hang.
Có nhiều đoàn khảo sát đã về tìm hiểu hang, muốn khai quật nhưng các cụ trong làng không đồng ý vì một ngách của hàng đi ra Hồ Tây nằm dưới hậu cung, nếu đào bới rất có thể ảnh hưởng đến ngôi đình cổ. Hiện tại các cụ trong làng cũng chỉ trông nom, thường xuyên dọn dẹp để chuột, rắn không trú ngụ, ngoài ra không có hoạt động nào liên quan đến hang ngầm này. Xung quanh đình Quán La còn có 3 cây di sản hàng nghìn năm tuổi như cây thị, cây đa...