GIẢI TRÍ

Khám phá thời trang thuần chay – thời trang xanh từ thực vật

Lan Hương • 29-11-2022 • Lượt xem: 595
Khám phá thời trang thuần chay – thời trang xanh từ thực vật

Chúng ta đã nghe nhiều về ăn uống thuần chay bởi tác động tốt cho sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường. Vậy còn thời trang thuần chay? Liệu xu hướng này có đem lại sự bền vững và thân thiện với môi trường một cách tốt nhất hay không?

Các sản phẩm từ da động vật, len, lụa từ lâu đã trở nên phổ biến trong ngành thời trang xa xỉ. Tuy nhiên khi cuộc sống ngày càng đối mặt với vấn nạn ô nhiễm, tiêu tốn tài nguyên môi trường và các vấn đề về quyền động vật… khiến cho sự phổ biến của thời trang thuần chay những năm gần đây càng trở nên mạnh mẽ.

Thời trang thuần chay hay còn gọi và “Vegan Fashion” được hiểu là thời trang nói không với các thiết kế có chất liệu từ động vật, hướng về nguồn nguyên liệu thiên nhiên, xanh, sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.

Rất nhiều người đã lựa chọn từ bỏ việc sử dụng các mặt hàng phụ kiện như giày dép, túi xách từ da thật và chuyển qua sử dụng các sản phẩm thân thiện hơn như một lời kêu gọi về bảo vệ động vật cũng như giảm thiểu tác hại của các hóa chất trong quá trình thuộc da, nhằm giảm thiểu gánh nặng cho cuộc sống.

Đa dạng thời trang xanh từ thực vật

Bắt kịp xu hướng và phát triển ngành công nghiệp thời trang thuần chay, các nhãn hàng không ngừng tìm kiếm những chất liệu xanh thay thế cho các loại da thuộc, nhằm hạn chế giết hại động vật cũng như thay thế các loại polyester vốn tiêu tốn nhiều năng lượng để tạo ra mà vô cùng khó khăn trong quá trình phân hủy.

Pinatex, chất liệu da được làm từ sợi lá dứa thay cho da động vật đã được đưa vào sử dụng từ các hãng thời trang cao cấp như Chanel, Mango, Hugo Boss và Ecoalf… Với tính chất thoáng khí, mền, dẻo, nhẹ và bền, pinatex được sử dụng để sản xuất vô số các mặt hàng thời trang như túi xách, giày, quần áo thậm chí là đồ nội thất.

Ngoài ra còn rất nhiều sản phẩm vải vóc từ thân cây tre, bã cà phê, nấm, tảo biển, xương rồng… chất liệu giả da từ thân cây chuối cứng cỏi và dẻo dai, không thấm nước và không bị hư hại nhiều.

Thời trang thuần chay có thực sự bền vững và thân thiện?

Với rất nhiều chất liệu xanh ứng dụng từ thiên nhiên như thế, vậy câu hỏi đặt ra là các sản phẩm thời trang thuần chay có thực sự thân thiện với môi trường hay không?

Thông thường, nhà sản xuất sẽ không tiết lộ các món đồ giả da từ thực vật thực chất được làm tường tận thế nào, cách duy nhất để tìm hiểu chính là kiểm tra các mẫu vật liệu của họ. Báo cáo tóm tắt của Viện Nghiên cứu Da và Vật liệu tổng hợp (FILK) đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về sự khác biệt của các vật liệu thay thế từ thực vật, thông qua quá trình xem xét các mẫu dưới kính hiển vi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các loại da được làm từ thực vật có thể được nhìn nhận là thân thiện với môi trường nhưng bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế nhất định.

Chất liệu thời trang làm từ dứa

Vải không dệt pinatex từ sợi lá dứa và PLA (axit polylactic) là sản phẩm nổi tiếng của công ty Ananas Anam của Tây Ban Nha. Đây là sản phẩm chế tạo từ sợi tự nhiên của lá dứa và phủ bằng lớp nhựa polyme mỏng. Nghiên cứu đã tìm thấy các chất hóa dẻo Diisobutyl phthalate (DIBP) trong sản phẩm.

Da làm từ táo

Da từ táo có tên là Appleskin, là một sản phẩm của Ý và được phát triển bởi công ty dệt may Frumat. Appleskin là sản phẩm phụ sau khi nước ép táo được sử dụng, phần bã và vỏ táo sẽ được xử lý thành bột giấy và trộn với polyurethane nhằm tạo ra một loại da thiên nhiên. Các chất có hại được tìm thấy trong Appleskin bao gồm Butanone oxime và Dimethylformamide (DMFa).

Da làm từ nho

Nếu như trong ngành công nghiệp nước ép táo với các sản phẩm phụ gồm lõi và vỏ táo thì ngành công nghiệp rượu vang, phụ phẩm sẽ là bã nho sau khi đã được ép lấy nước. Vegea chính là sản phẩm da bằng bã nho đến từ Ý, chất liệu này đã được rất nhiều công ty thời trang nổi tiếng để mắt tới.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thời trang Copenhagen vài năm trước, một thành viên của Vegea đã bày tỏ mong muốn phát triển sản phẩm hoàn toàn không chứa nhựa. Tuy nhiên các khách hàng của họ lại yêu cầu phải sử dụng hóa chất thêm vào. FILK đã tìm thấy hoạt chất có hại là toluene trong sản phẩm.

Da từ xương rồng

Đây là sản phẩm Desserto được sản xuất từ chất thải xương rồng đến từ Mexico. Phát minh này đã được hoan nghênh bởi ngành công nghiệp thời trang và dành được nhiều giải thưởng danh giá. Với mong muốn của các nhà sáng chế là tìm ra sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời gầy dựng lại hệ sinh thái xương rồng tại đất nước này.

Tuy nhiên FILK đã tìm thấy trong sản phẩm được phủ bằng lớp polyester, đây là dạng kết hợp giữa da thuần chay với sợi tự nhiên chứa dầu cho thấy sự phân hủy sinh học của nó là rất khó.

Như vậy, thời trang thuần chay có thể nói lên rằng các sản phẩm hoàn toàn không có chất liệu khai thác từ động vât, thế nhưng không phải lúc nào các sản phẩm xanh từ thực vật cũng hoàn thoàn thân thiện với môi trường. Trước tình hình đó, các nhà sản xuất vẫn đang nỗ lực cải tiến cũng như tìm kiếm các chất liệu thay thế 100% không chứa nhựa, và hướng tới một tương lai bền vững hơn cho hành tinh của mình.

Điều đó cho thấy rằng, các tín đồ thời trang nhân đạo sẽ cần phải chú ý hơn về việc tìm hiểu qua hệ thống sản xuất cũng như nguyên liệu trước khi mua. Và hơn hết, bản thân mỗi người chúng ta hãy là người tiêu dùng có chọn lọc, tái chế và tái sử dụng tối đa nhất có thể để gia tăng vòng đời sản phẩm. Đây là hành động đơn giản mà ai cũng có thể làm được để góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của thời trang đến môi trường.