ĐỜI SỐNG

Khám phá Thung Nai, 'vịnh Hạ Long trên núi' của vùng Tây Bắc

Lan Phương • 10-02-2023 • Lượt xem: 2621
Khám phá Thung Nai, 'vịnh Hạ Long trên núi' của vùng Tây Bắc

Cách Hà Nội chừng 100km, Thung Nai (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi” với mặt hồ mênh mông và những hòn đảo xanh ẩn hiện trong sương, núi non trập trùng đẹp như bức tranh thủy mặc.

Thung Nai nằm trên lòng hồ Hòa Bình (tức hồ thủy điện Hoà Bình), hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam với diện tích mặt nước gần 8.000 ha. Nơi này xưa vốn là xứ Mường Thàng, là nơi sinh sống trù mật của các dân tộc Mường, Kinh, Dao, Thái, H’Mông và Hoa. Vào thập niên 80 của thế kỷ 20, nhà máy thủy điện sông Đà bắt đầu được xây dựng, Thung Nai trở thành hồ chứa nước khổng lồ và những ngọn núi đá vui cao vút một thời cũng hóa thân thành những hòn đảo xanh nhấp nhô trên mặt nước, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp mắt.

Về với Thung Nai, tất nhiên không thể bỏ lỡ dịp du thuyền ngoạn cảnh hồ. Khí hậu trong lòng hồ thanh khiết và tươi mát tạo cảm giác khoan khoái vô cùng. Theo thuyền, du khách có thể ghé thăm nhiều danh thắng nổi tiếng trong vùng, trong đó phải kể tới chợ nổi Thác Bờ, động Thác Bờ và đền Bà chúa Thác Bờ… Vào những mùa lễ hội, Thác Bờ tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền, do người từ khắp nơi đổ về đây để ngoạn cảnh sơn thủy và viếng Bà Chúa Thác Bờ. Tương truyền rằng, đền Bà Chúa Thác Bờ thờ 2 nữ tướng người Mường và người Dao đã có công nhiều lần giúp vua Lê dẹp loạn. Sau khi mất, các bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, do đó được người dân tưởng nhớ rồi lập đền thờ, tôn sùng như một tín ngưỡng linh thiêng. Đền dựng bên hồ nước xanh, lưng dựa vào núi, có tượng lớn được đặt trong hang động thạch nhũ lung linh huyền ảo, khách đến dâng hương nhờ thế có thêm cơ hội được thưởng thức thêm nhiều vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên.

Trong khi nhẹ lướt trên mặt nước xanh, du thuyền còn băng ngang qua những bản người Mường, bản người Dao sinh sống bằng nghề thả bè nuôi cá, đánh bắt sản vật thiên nhiên trên hồ. Thuyền càng đi vào sâu, phong cảnh càng trở nên đẹp và hoang sơ, qua đến huyện Tân Lạc thì chỉ còn lác đác vài bản Mường gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Du khách có thể ghé thuyền đến thăm bản Ngòi Hoa, một trong những bản làng cổ xưa nhất của xứ này. Nơi đây vẫn giữ nguyên các phong tục tập quán, lối sống của người Mường xưa.

Bản Ngòi Hoa có tên cổ là Bưa Dâm, tiếng mường nghĩa là “Vùng đất bằng phẳng trên cao có nhiều cây”. Đúng như tên gọi ấy, trong bản có nhiều khu đất tự nhiên rộng lớn và bằng phẳng như có bàn tay của con người can thiệp. Đất bản màu mỡ, cây trái xum xuê hủ kín hết những ngôi nhà sàn nằm rải rác trong bản. Khách đến chơi bản được gặp gỡ thầy Mo, người am hiểu phong tục tập quán cảu cả tộc, nắm giữ đời sống tâm linh, tín ngưỡng cho cả cộng đồng. Thật thú vị khi ngồi trong nhà sàn nghe thầy mo kể lại các bài mo, các nghi lễ cũng bái dạy dân Mường cách làm người, cách ứng xử trong xã hội, làm cho đời sống tinh thần của người Mường thêm phong phú và thi vị.

Cùng với việc ngoạn cảnh hồ và ghé thăm bản Mường, không thể không nhắc tới nền ẩm thực “cá sông Đà, gà trên cây” vô cùng đặc sắc của vùng đất này. Ẩm thực Mường hấp dẫn thực khách với cách chế biến đơn giản nhưng thơm ngon lạ miệng. Vốn là một vùng sông nước mênh mông, lòng hồ chứa nguồn thủy vật dồi dào với đủ loại cá trắm đen, cá măng, cá thiểu, cá dầu,... thịt chắc và ngon ngọt đúng chất cá tự nhiên, chế biến cách nào cũng thấy hấp dẫn không thể cưỡng lại. Vào thời điểm này trong năm, Thung Nai, Hòa Bình nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung đang được phủ kín trong những sắc hoa xuân rực rỡ, từ mùa hoa đào, hoa mận rời đến hoa ban nối dài từ đầu năm cho đến cuối tháng 4, khiến cung đường đưa du khách tới Thung Nai mang đậm chất thi vị làm say đắm lòng người.