ĐỜI SỐNG

Khan hiếm nước, mối đe dọa kinh tế toàn cầu

Lan Hương • 21-06-2023 • Lượt xem: 738
Khan hiếm nước, mối đe dọa kinh tế toàn cầu

Sự khan hiếm nước đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới, trong đó châu Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của tình trạng này.

Tin bài khác:

Giải pháp năng lượng tái tạo tại khu vực Đông Nam Á

Kinh tế toàn cầu ảnh hưởng cụ thể thế nào trước El Nino?

Một nghiên cứu gần đây cho biết, đến năm 2030 nhu cầu nước ngọt dự kiến sẽ tăng mạnh vượt khỏi nguồn cung từ 40 – 50%. Trong hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc diễn ra vào tháng 3 năm nay về nước đã cảnh báo tình trạng khủng hoảng nước toàn cầu gây ra hệ lụy về nhiều mặt.

Đây là lần đầu tiên sau 46 năm thế giới cùng thảo luận về nước, hội nghị cũng đưa ra vấn đề về việc cần phải hành động ngay bây giờ của các quốc gia trước tình hình khan hiếm nước đang trở nên căng thẳng.

Một nghiên cứu của Đại học Texas A&M (Mỹ) được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Communications đã thông báo kết quả qua dữ liệu vệ tinh về lượng nước trong các hồ chứa trên khắp thế giới. Nghiên cứu cho biết trong vòng 20 năm qua, lượng nước trong 7.245 hồ nước khắp địa cầu đã giảm dù công suất hằng năm tăng 28km3. Bà Huilin Gao, tác giả chính của cuộc nghiên cứu cho hay, biến đổi khí hậu chính là yếu tố quan trọng gây ra tình trạng giảm hiệu quả của hồ chứa.

Nhiều nơi ở Ấn Độ đất đai trở nên khô cằn nứt nẻ vì thiếu nước. 

Yếu tố dẫn đến tình trạng khan hiếm nước

Biến đổi khí hậu là yếu tố được nhắc đến đầu tiên ảnh hưởng đến tình trạng khan hiếm nước trên trái đất. Hạn hán kéo dài, lũ lụt thường xuyên kéo theo những căng thẳng về tài nguyên. Ngày càng nhiều thảm họa thiên tai dẫn đến gia tăng ô nhiễm và thu hẹp nguồn nước sạch.

Tình trạng phá rừng, đốt nhiên liệu hóa thạch của con người dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chặt phá rừng đồng nghĩa với việc cắt đứt nguồn nước, đốt nhiên liệu làm cho mực nước biển dâng cao, giảm lượng nước ngọt và tăng nguy cơ nhập mặn.

Dân số tăng nhanh cộng với xu hướng hiện đại hóa lại càng thúc đẩy mức độ ô nhiễm. Ngày càng nhiều cơ sở sản xuất chưa chú trọng đến xử lý chất thải, một số nơi thực hiện vận hành hệ thống xử lý chất thải chưa được đảm bảo.

Khan hiếm nước và kinh tế toàn cầu

Châu Á là trung tâm công nghiệp có tốc độ đô thị hóa nhanh, đây cũng là khu vực sản xuất lương thực hàng đầu thế giới, tương ứng với điều này là nhu cầu sử dụng nước dồi dào. Hơn nữa, trong công nghiệp, không chỉ các ngành quen thuộc như sản xuất thép mà các ngành mới như sản xuất chip bán dẫn và tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng đòi hỏi tiêu hao nhiều nước sạch.

Tại Thái Lan, mực nước ở các hồ chứa ở mức cực kỳ thấp. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi ở miền Tây Thái Lan, chỉ 13% lượng nước ở các hồ chứa hiện có thể sử dụng. Nhiều tỉnh ở phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan đang phải đối mặt với hạn hán kéo dài.

Kênh CNBC News cho biết, khan hiếm nước đang trở thành mối đe dọa kinh tế toàn cầu, đặc biệt những nền kinh tế lớn khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ… có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Mặc dù chiếm 18% dân số địa cầu nhưng nguồn nước tại Ấn Độ chỉ đủ cho 4% dân số. Mặt khác, biến đổi khí hậu dẫn tới lũ lụt và hạn hán khiến cho quốc gia này càng thêm thiếu nước trầm trọng và trở thành khu vực thiếu nước nhất trên thế giới.

Biến đổi khí hậu khiến cho tình trạng khan hiếm nước ngày càng trở nên trầm trọng.

Tại Trung Quốc, khoảng 80 – 90% nước ngầm ở đây không phù hợp để tiêu thụ, một nửa số tầng ngậm nước của họ quá ô nhiễm không thể sử dụng cho công nghiệp và nông nghiệp. Thậm chí 50% nước sông tại đây cũng không uống được và một nửa trong số đó còn không an toàn để tưới tiêu nông nghiệp.

Các quốc gia phương Tây cũng khó tránh khỏi cuộc khủng hoảng nước toàn cầu này. Nhiều báo cáo mới ở các quốc gia cho thấy các tầng ngậm nước đang cạn dần giữa các đợt nắng nóng. Biến đổi khí hậu khiến hạn hán ngày càng nhiều và kéo dài, mùa đông ít tuyết hơn và những mùa khác cũng không đủ mưa để cung cấp nước cho sông hồ.

Antonio Guterres – Tổng Thư ký LHQ cho biết: Trong hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc sắp tới, chính phủ và các bên tham gia được mời đưa ra các đề xuất cho Chương trình hành động vì nước, đi đến giải quyết những vấn đề liên quan đến nước mang tính đột phá và đưa ra những cam kết nhằm mang lại sự thay đổi cho cuộc sống người dân dù lớn hay nhỏ.