ĐỜI SỐNG

Kháng sinh bị lãng quên có thể là ‘vũ khí’ chống vi khuẩn kháng thuốc

DDVN • 20-05-2023 • Lượt xem: 1968
Kháng sinh bị lãng quên có thể là ‘vũ khí’ chống vi khuẩn kháng thuốc

Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí PLOS Biology xem xét khả năng bảo vệ bệnh nhân khỏi vi khuẩn kháng thuốc bằng một sản phẩm tự nhiên tạo ra trong đất có tên nourseothricin, được phát hiện năm 1942.

Sự gia tăng của vi khuẩn kháng kháng sinh thúc đẩy giới nghiên cứu tìm kiếm các loại kháng sinh mới. Vi khuẩn kháng kháng sinh đã giết chết ít nhất 1,27 triệu người trên toàn thế giới và có liên quan đến gần 5 triệu ca tử vong năm 2019.

Nourseothricin chứa nhiều dạng của một phân tử phức tạp gọi là streptothricin. Giới nghiên cứu từng hy vọng streptothricin là tác nhân mạnh mẽ chống lại vi khuẩn gram âm (chẳng hạn E.coli) có lớp bảo vệ bên ngoài dày và đặc biệt khó bị kháng sinh tiêu diệt.

Nhưng không may là một thí nghiệm hạn chế trên người vào những năm 1940 xác định nourseothricin gây độc cho thận, nên nỗ lực phát triển sản phẩm này bị ngừng lại. Phải đến thời gian gần đây một nhóm nhà khoa học tại Mỹ mới quyết định xem xét lại nourseothricin.

Nhà khoa học James Kirby (trường Y Harvard) - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết: “Chúng tôi tìm kiếm các loại thuốc khả dụng, và hóa ra vi khuẩn siêu kháng thuốc rất nhạy cảm với streptothricin. Vì vậy chúng tôi sử dụng nó như tác nhân chọn lọc trong thí nghiệm”.

“Chất mà các nhà khoa học phân lập được vào năm 1942 không tinh khiết như chất chúng tôi đang xem xét. Trên thực tế, streptothricin là hỗn hợp nhiều biến thể streptothricin. Hỗn hợp tự nhiên của các loại streptothricin khác nhau được gọi là nourseothricin”, ông Kirby giải thích.

Trong nghiên cứu những năm 1940, nourseothricin không được thanh lọc hoàn toàn nên rất độc. Còn nghiên cứu gần đây chỉ ra nhiều dạng streptothricin khác nhau có mức độc tính khác nhau. Đặc biệt, một dạng tên streptothricin-F ít độc mà lại chống lại được mầm bệnh kháng thuốc.

Nhóm nghiên cứu tập trung xem xét streptothricin-F và streptothricin-D. Dạng streptothricin-D cũng có hiệu quả với vi khuẩn gram âm, thậm chí còn mạnh hơn streptothricin-F với khuẩn đường ruột kháng thuốc cùng vài loại vi khuẩn khác, nhưng lại gây độc cả ở liều thấp.

Nhóm dùng kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh để chỉ ra streptothricin-F liên kết chặt chẽ với một tiểu đơn vị của bào quan gây ra lỗi sao chép mã RNA ở vi khuẩn, giúp kháng sinh thành công ức chế mầm bệnh lây lan. Họ vẫn đang cố gắng tìm hiểu cơ chế đằng sau cách thức hoạt động của nourseothricin, nhưng bước đầu xác định nó hoạt động không giống các loại kháng sinh khác.

Theo Cẩm Bình/1thegioi.vn