Với nhiều lợi thế về vị trí cửa ngõ chính ra Biển Đông và thiên nhiên ưu đãi, Khánh Hòa có đóng góp quan trọng trong kinh tế cảng biển Việt Nam và là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
Ngày 29-3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030. Theo đó, Khánh Hòa có hai đô thị loại I là thành phố Nha Trang và Cam Lâm, còn Cam Ranh là đô thị loại II. Trong đó, Nha Trang sẽ là đô thị hạt nhân, Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics và huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Huyện Vạn Ninh sẽ là đô thị du lịch biển cao cấp, thị xã Ninh Hòa được quy hoạch là đô thị công nghiệp và huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống...
Vậy, Khánh Hòa có gì đặc biệt để trở thành điểm đến thu hút của nhiều người?
Phát triển kinh tế toàn diện
Khánh Hoà có diện tích 5.137 km2, có 2 thành phố trực thuộc tỉnh, dân số trên 1,2 triệu người. Khánh Hòa nằm ở trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước.
Tính đến 12/2021, toàn tỉnh đã thu hút được 22 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.844 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người của địa phương đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Nhiều khu công nghiệp quan trọng đang phát triển trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí, đóng tàu, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển…
Trong tương lai địa phương cũng sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Thiên đường du lịch biển đảo
Khánh Hòa là một trong những “thiên đường” du lịch biển hấp dẫn nhất Việt Nam và đón lượng khách du lịch hàng năm thuộc top cao nhất cả nước (3-4 triệu lượt khách). Địa phương sở hữu đường bờ biển dài gần 400km, trong xanh, cùng hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ và vịnh biển đẹp như tranh vẽ. Nổi tiếng như bãi Dài, bãi Dốc Lết, đảo Bình Ba, đảo Yến, đảo Điệp Sơn, hòn Tre, mũi Đôi, vịnh Ninh Vân, vịnh Vân Phong... Trong đó, Vịnh Nha Trang được bình chọn là 1 trong 29 vịnh biển đẹp nhất, và có khu bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam với những rạn san hô và quần thể sinh vật biển còn nguyên sơ. Vịnh Cam Ranh được xếp vào loại một trong ba hải cảng có điều kiện tự nhiên tốt nhất thế giới. Đảo Trường Sa còn là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Năm 2018, Nha Trang lọt top 50 bãi biển đẹp nhất thế giới theo đánh giá của tờ báo USNews. Ngoài ra, thành phố lưu giữ điểm đến tham quan kỳ thú như Tháp Bà Ponagar, viện Hải dương học quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á và văn hóa ẩm thực đặc sắc, đa dạng (yến sào, chả cá, bánh canh, hải sản, nước mắm….). Nhiều loại hình du lịch được phát triển, nổi tiếng nhất cả nước về lặn biển và tắm bùn. Trong tương lai, Nha Trang sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế với dịch vụ chăm sóc sức khỏe độc đáo , những khu nghỉ dưỡng cao cấp và nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển đẳng cấp được tổ chức.
Thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, nằm dưới sự quản lý của trung ương. Hiện cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Một đô thị trở thành thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng các tiêu chuẩn, như: quy mô dân số từ 1.500.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định, trong đó mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt bình quân của cả nước; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 90%...