GIẢI TRÍ

Khánh Ly ru tình trong “Người về bỗng nhớ”

Lữ Đắc Long • 13-05-2019 • Lượt xem: 2843
Khánh Ly ru tình trong “Người về bỗng nhớ”

Tình người, tình cố hương và cái tình của khán giả đã đưa Khánh Ly đến với chương trình Vòng tay nhân ái. Hơn 10 bài hát được bà “ru hồn” khán giả trong một khán phòng ấm cúng. Bà đã làm khán giả thổn thức suốt đêm với những bài ca bất hủ của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

 

Tin, bài liên quan:

Những bóng hồng trong đời cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn (P.2)

Về nước tổ chức liveshow, Khánh Ly xóa tan tin đồn qua đời

Sân khấu Idecaf sang trọng như thường lệ sao hôm nay lại trở nên bé nhỏ, nhưng không gian của đêm diễn ấm cúng đến lạ thường. Khán giả của đêm nhạc đầy ắp trong khán phòng, dường như họ đến tìm lại cho mình những ký ức ngọt ngào từ cái thuở thiếu thời. Họ đến để tìm lại một giọng ca dường như đã đi vào huyền thoại. Người hát, danh ca Khánh Ly vẫn cứ bật sáng dù bà đã thú nhận: "Trước đêm diễn tôi bị bệnh, nên đã uống tất cả những thứ thuốc gì do người thân tặng và cho, nhằm phục hồi giọng hát của mình".

 

 

 

Bà tâm sự: “Trước đêm diễn tôi đã đọc kinh để được hát, được làm tròn trách nhiệm mà quý vị đã bỏ ra 3 tiếng đồng hồ và cả tiền vé để nghe tôi hát. Tôi muốn làm tròn trách nhiệm để xứng đáng với việc quý vị đã bỏ thời gian lẫn tiền vé đến đây xem Khánh Ly hát.

Với tôi, đây là một đêm nhạc gia đình, dù chỉ là một gian phòng ấm cúng. Đối diện cái tuổi 75 như tôi, chuyện hát bây giờ là tìm về để nhớ những gì đáng nhớ. Tôi đi hát từ thời còn rất trẻ ở cái tuổi 16, bây giờ nhìn lại, tôi khôg phải là già vì trái tim tôi vẫn còn nhiệt huyết lắm, nhưng tôi biết tôi không còn hát nhiều được nữa. Tôi muốn quý vị hãy nhắm mắt lại, để trở về 50 năm trước. Ngày này cách đây 5 năm tôi đã từng về quê cha ở Hà Nội hát đêm nhạc đầu tiên.

Quý vị biết không? Nhạc sĩ đôi lúc không cần cắt nghĩa bài hát, chỉ cần người hát cảm được, để hát bất kỳ nơi đâu đã là một hạnh phúc. Không cần phải siêu sao, không cần phải là danh ca, chỉ cần ta thích hát với người nghe ta hát thế là đủ.

Có một lúc nào ta mỏi ta sẽ cần chỗ ngồi. Có một lúc nào đó, ta phải ra đi vĩnh viễn, nên ở cuộc đời này ta vui được điều gì cứ vui. Được chết khi đang hát đó là niềm mơ ước của tôi, nhưng chưa bao giờ tôi được chết. Có người hỏi: Sao tôi không sợ chết, xin thưa: Chết, sợ lắm chứ, nhưng mình không thay đổi được gì cả nên không nên sợ chết nữa”.

 

 

Với bà, tiếng hát là trời cho, ngày nào đi hát được là ngày hạnh phúc, cuộc đời rất ngắn ngủi, nếu làm được gì hôm nay hãy ráng làm đừng để ngày mai, làm trong tư thế đừng hối tiếc gì cả. Tôi từng có ý nghĩ, mình đã đánh mất quá nhiều, từng hàng cây góc phố và những con người thân quen, và chỉ khi tôi được hát, tôi mới thấy mình như có tất cả.

Chuyện ngày hôm qua, ngày hôm nay tôi biết, nhưng ngày mai thì tôi không thể biết. Tôi như một cái đèn dầu, dù muốn dù không cũng đến lúc cạn tim, hết dầu, đợi không biết khi nào Chúa gọi tôi về.

 

 

Khánh Ly song ca cùng Quang Thành

 

Kể về nhạc sĩ quá cố Trịnh Công Sơn bà bộc bạch: “Nếu tôi không hát nhạc ông Sơn, ông ấy vẫn nổi tiếng. Nhưng nếu tôi không hát nhạc ông Sơn mãi mãi không ai biết tôi là ai. Ngày xưa lúc 16 tuổi, tôi chưa biết phải làm gì để tôi sống. Thế là ông Sơn đã cho tôi cái áo đẹp, cho tôi những bài hát và ông dạy tôi hát. Bài Diễm Xưa, và qua bài hát này tôi được thành nhân, thành người nổi tiếng, và kể từ đó tôi yêu nhạc của ông”.

 

 

Danh ca Khánh Ly biểu diễn nhạc phẩm "Diễm xưa" bằng tiếng Nhật cùng ca sĩ Mỹ Dung

 

Vừa hát, vừa tâm tình, khán giả trong đêm nhạc dường như được sống về những ký ức thân thương của bà. Được nghe bà hát, tâm tình, cả không gian như chìm đắm nỗi say sưa và hàng loạt ca khúc: Hạ Trắng, Duyên kiếp, Xin còn gọi tên nhau, Ca dao mẹ, Bà mẹ Ô Lý, Xin cho tôi, Người già và em bé, Hạ Trắng, Như cánh vạc bay, đặc biệt ca khúc đầu tiên trong đời Diễm Xưa được trình bài chung với ca sĩ Mỹ Dung lời Nhật đã khiến cả khán phòng náo nhiệt hẳn lên, bởi ai cũng hiểu đây là đêm nhạc của một giọng ca huyền thoại đã đem đến những cảm xúc dâng tràn đặc biệt.

 

 

Cứ nhìn những hình ảnh của bà cùng Quang Thành xuống từng hàng ghế, vừa hát vừa bắt tay, chụp hình với khán giả. Cứ nhìn những nụ cười, những ánh mắt đầy yêu thương, những lời kêu gọi hãy chung tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ mang căn bệnh thế kỷ, những người già neo đơn khó khăn.

 

 

Với bà, chương trình Vòng tay nhân ái không có gì to tát, chỉ là những đóng góp nhỏ nhoi, những hộp sữa, những chiếc áo ấm, những chiếc xe đạp, những cây cầu thật nhỏ cho vùng xa xôi hẻo lánh… Hãy đến với họ bằng những đóng góp, những nụ cười, những bài hát… đã là quá ư hạnh phúc.

 

Ca sĩ Hoàng Đức Huy biểu diễn trong chương trình

 

Ca sĩ Paolo cũng góp giọng trong chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện

 

 

Thật sự thiếu sót nếu như không nhắc đến đơn vị tổ chức Phòng trà Tiếng xưa qua sự điều hành của bà chủ Xuân Hoà, kết nối cùng Cty Nature Quee tặng từng khán giả những phần quà nho nhỏ. Cám ơn đạo diễn nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, người kết nối những mảnh ghép từ Quang Thành, Paolo, Đoàn Anh, Mỹ Dung, Hoàng Đức Huy, nhóm nhạc thiếu nhi: Greeen art music để tất cả cùng toà sáng trong hai đêm nhạc đầy ý nghĩa này…