ĐỜI SỐNG

Khi đồng nghiệp bị sa thải, người ở lại nên làm gì?

Thúy Vy • 03-12-2022 • Lượt xem: 758
Khi đồng nghiệp bị sa thải, người ở lại nên làm gì?

Làn sóng sa thải hàng loạt gần đây đã quá phổ biến. Chỉ trong vòng một tháng, một số công ty lớn như Meta hay Twitter đã thực hiện hàng loạt chính sách cắt giảm nhân sự gắt gao. Có nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như sa thải vì nhân viên không được việc, cắt giảm ngân sách, doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoặc các tổ chức gặp vấn đề về tài chính.

Trong thời điểm kinh tế thay đổi liên tục, một số nhân viên có thể đã quá quen với việc nói lời tạm biệt với đồng nghiệp. Dù quen thuộc nhưng chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với những đồng nghiệp đã rời khỏi công ty vì… bị sa thải. 

Công ty giống như một xã hội thu nhỏ, là một cá nhân trong tập thể lớn này, bạn phải hành xử sao cho phù hợp. Dù thích hay không muốn thì bạn cũng đã từng làm việc với đồng nghiệp của mình. Vì vậy, một lời cảm ơn văn minh, chân thành sẽ thể hiện bạn là người tế nhị và cư xử có văn hóa với mọi người. Biết đâu, khi không còn làm việc cùng nhau, bạn vẫn có thể có mối quan hệ thân thiết với mọi người trong công ty và có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác sau này. 

Dành những quan tâm chân thành với đồng nghiệp

Để tạo ra văn hóa nơi làm việc nhân văn hơn, hãy bắt đầu với cách chúng ta đối xử với nhau. Damien Birkel, nhà sáng lập Professionals in Transition, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các nguồn lực và hỗ trợ cho những người thất nghiệp, thừa nhận, việc liên lạc với đồng nghiệp có thể vừa đáng sợ vừa xấu hổ. Khi bạn lấy hết can đảm để nhấc điện thoại và gọi, bạn có thể chỉ là một trong số 1% đồng nghiệp đã liên hệ và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất.

Vì bạn không bao giờ biết những gì họ đã trải qua trước, trong và sau khi bị sa thải, tốt nhất bạn không cần gọi điện, chỉ cần nhắn tin hoặc gửi email, bằng những lời nói ân cần, cảm thông nhưng cũng phải ngắn gọn và vừa phải.

Với những người đồng nghiệp thân thiết, hãy thể hiện rằng bạn vẫn muốn kết nối với họ trong tương lai. Đó cũng là những gì Diana Bernal O`Leary, nhà tư vấn tìm kiếm việc làm và người dẫn chương trình podcast Job Talk Weekly, gợi ý. Một số chuyên gia về nhân sự cũng khuyên bạn nên gửi một món quà nhỏ cho đồng nghiệp cũ để thể hiện sự đánh giá cao và cống hiến cho công việc. Không cần cái gì quá to tát, voucher mua nước chẳng hạn cũng được. 

Nếu bạn muốn giúp họ cải thiện kỹ năng của mình, hãy thử nghĩ đến một món quà mang tính cá nhân hóa hơn, chẳng hạn như lớp thiết kế hoặc lớp học viết. Những hành động tử tế này dù nhỏ cũng giúp ích cho ai đó rất nhiều, đủ để họ có thêm niềm tin để tiến về phía trước.

Gạt bỏ cảm giác tội lỗi khi là người ở lại

Khi đồng nghiệp nghỉ việc, bạn có thể sẽ phải trải qua một chút “cảm giác tội lỗi của người sống sót”. Đây là thuật ngữ mô tả cảm giác của những người sống sót sau một sự kiện nguy hiểm, họ cho rằng việc mình còn sống là không công bằng với người đã ra đi, và họ có trách nhiệm với những người đó.

Trong môi trường doanh nghiệp nhiều sự khốc liệt, nếu may mắn “sống sót” qua một làn sóng sa thải hàng loạt, một số người cũng sẽ có cảm giác tội lỗi với người đã bị công ty cho “bay màu”. Tuy nhiên, đây không phải lỗi của bạn, bạn không cần cảm thấy tội lỗi.

Ngoài ra, sự ra đi của người khác cũng dễ khiến người ở lại lo lắng khi nào thì người tiếp theo là mình, những cảm xúc đó cần chủ động được giải quyết, tập trung vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát, như cập nhật lại CV xin việc, phát triển kỹ năng mới, từng bước trở thành một nhân viên (hoặc ứng viên) xuất sắc hơn.

Tổ chức tiệc chia tay nhỏ

Đôi khi một món quà chia tay nhỏ hoặc một lời động viên nhỏ có ý nghĩa rất lớn. Hãy thử nói chuyện với một đồng nghiệp khác, hỏi xem có ai muốn viết vài lời vào bức thư tạm biệt không. Sau khi hoàn thành, bức thư được gửi cùng với một món quà đúng sở thích của người nhận.

Bạn cũng nên nghĩ đến một bữa tiệc chia tay nhỏ tại nơi làm việc, nhưng hãy tính đến tính cách của họ, vì họ có thể sống nội tâm, nhút nhát hoặc không hòa đồng với một số nhân viên khác trong bộ phận. Về buổi gặp gỡ, tốt hơn hết là bạn nên hỏi ý kiến ​​trước, tìm hiểu xem họ muốn mời ai, bao nhiêu người. Nếu không, một cuộc hẹn hò nhỏ giữa hai người sẽ đủ.

Đối xử với đồng nghiệp cũ một cách tế nhị, lịch thiệp, tử tế, ngay cả khi họ không còn là đồng nghiệp có thể có lợi cho văn hóa công ty. Nhưng rõ ràng, đây không phải tiêu chuẩn quan trọng ở hầu hết các doanh nghiệp.

Chúng ta được dạy là hãy hạn chế nói về tài chính và cuộc sống cá nhân tại nơi làm việc. Nhưng khi một đồng nghiệp bị sa thải, thật khó để không đề cập đến hai chủ đề trên, bởi lúc này công việc ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cá nhân, còn công việc bị ảnh hưởng bởi chính trị và kinh tế. Chúng ta e ngại khi nghĩ đến cảm giác khó xử khi nói chuyện với đồng nghiệp vừa bị sa thải, nên ta quyết định không nói gì.

Thực tế là bạn không cần thể hiện hết mình với những người trong vòng tròn xã hội của bạn, nhưng gửi một lời tạm biệt đến người bạn dành 40 tiếng 1 tuần để làm việc cùng là không quá khó. Bằng cách giữ liên lạc và chia sẻ, bạn có thể giúp ai đó gói ghém lại cảm xúc và chuẩn bị cho một sự rời đi yên bình và vui vẻ hơn. Biết đâu, đến khi bạn nghỉ việc cũng sẽ nhận được những lời động viên, khích lệ và chia sẻ chân thành nhất.