ĐỜI SỐNG

Khi nào cần học nhồi và khi nào thì không?

Nina • 20-11-2024 • Lượt xem: 572
Khi nào cần học nhồi và khi nào thì không?

Blocked practice - học tập trung - là một thuật ngữ để chỉ việc thực hành bằng cách nhồi nhét, và thực tế là nó có những lợi ích riêng.

Khi tham gia một lớp học, bạn phải có chiến lược để xác định lượng kiến thức phải học, thời gian học, tốc độ học và khả năng ghi nhớ thông tin của bạn - chưa kể đến việc bạn ghi nhớ được bao lâu. Thường thì mọi người sẽ thực hành việc học phân tán trong nhiều ngày để giúp ghi nhớ tối đa, nhưng đôi khi việc học tập trung (học nhồi), ngược lại, lại có thể hữu ích trong một số trường hợp.

Sử dụng đúng phương pháp học tập sẽ giúp hiệu quả hơn - Ảnh: Pexels

Phương pháp phân tán và phương pháp học tập trung có đặc điểm gì?

Distributed practice - học phân tán, hay được hiểu như là việc học lặp đi lặp lại cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp này yêu cầu bạn học và xem lại cùng một chủ đề nhiều lần vào những thời điểm khác nhau. Bằng các buổi học ngắt quãng lặp lại như vậy, các thông tin cần nhớ sẽ được ghi lại sâu hơn, và bạn có thể dễ dàng lấy ra khi cần. Điều này đòi hỏi bạn phải có một kế hoạch trước mắt cho việc học.

Một nghiên cứu gợi ý rằng thời gian tốt nhất để bạn quay lại học một chủ đề (ôn tập) là cách khoảng 10% đến 30% so với tổng thời gian bạn cần ghi nhớ nó. Ví dụ, nếu bạn có bài kiểm tra trong 10 ngày tới, bạn sẽ học mỗi ngày hoặc mỗi ba ngày từ bây giờ đến lúc thi. Thông thường, bạn cũng sẽ kết hợp với phương pháp xen kẽ - trộn lẫn các chủ đề khác nhau trong một buổi học - giúp phân loại thông tin và giải quyết vấn đề. Bằng cách kết hợp giữa phương pháp học phân tán và xen kẽ, bạn sẽ học được một khối kiến thức nhất định mỗi ngày, nhưng những phần đó bao gồm nhiều môn học và ý tưởng khác nhau, do đó não bộ của bạn đã và đang được rèn luyện một cách toàn diện.

Blocked practice - Học tập trung (học nhồi) - là phương pháp ngược lại: đây là cách học duy nhất một chủ đề một lần trong khoảng thời gian kéo dài liên tục (nhồi nhét). Có rất ít khả năng đan xen thêm chủ đề khác trong lúc học và thường sẽ phải học trong tình trạng căng thẳng khi mà deadline thi cử hoặc sự kiện quan trọng đang rình rập tới. Thực tế, định nghĩa đúng nhất cho phương pháp này là việc trình bày cùng một thông tin cho bản thân thật nhiều lần và không chuyển chủ đề nào khác.

Khi nào nên sử dụng phương pháp phân tán hoặc tập trung để học?

Trong khi phương pháp lặp lại ngắt quãng thường được ca ngợi vì khả năng giúp bạn ghi nhớ thông tin, thì vẫn có một số lợi ích khi sử dụng phương pháp học nhồi, áp dụng trong một số tình huống nhất định. Ví dụ, học nhồi giúp bạn tiếp thu kỹ năng nhanh hơn nhưng lại hạn chế khả năng ghi nhớ thông tin lâu dài hoặc khái quát hóa thông tin trong các tình huống mới xảy ra sau nhiều ngày học. Về cơ bản, nếu bạn chọn học nhồi thì bạn sẽ có khả năng "nhập liệu" nhanh, nhưng sẽ không nhớ lâu và khó áp dụng những gì đã học vào bất cứ điều gì khác ngoài đúng những nội dung cụ thể mà bạn đã học. Trong trường hợp đó, học nhồi sẽ hiệu quả nếu bạn chỉ muốn đạt điểm A trong bài kiểm tra sắp diễn ra trước mắt. 

Nếu bạn sắp có một bài kiểm tra cụ thể nào đó và không kịp có cơ hội áp dụng kiến thức tổng quát, thì việc học nhồi sẽ phù hợp. Để tận dụng tối đa phương pháp này, hãy sử dụng Pomodoro để chia nhỏ quá trình học nhồi thành từng phần dễ quản lý hơn. Sử dụng thiết bị đếm thời gian Pomodoro, học trong 25 phút và giải lao 5 phút, theo dõi tiến độ và tránh nhìn vào điện thoại trong thời gian này. Khi áp dụng phương pháp này, bạn cần tập trung và kiên trì, ngay cả khi thời gian đã rất sát nút hoặc bạn chỉ muốn nhanh chóng nắm vững kiến thức để qua bài kiểm tra.

Dùng sổ tay giúp ghi nhớ tốt hơn - Ảnh: Pexels

Nếu nội dung mà bạn học sẽ liên tục xuất hiện trong suốt khóa học hoặc quá trình học của bạn là dài hạn hơn, hoặc nếu bạn được yêu cầu có những suy nghĩ trừu tượng áp dụng kiến thức bên ngoài các tình huống bạn đã học, hãy chọn việc học phân tán khi có thể. Tạo một sổ kế hoạch để giúp bạn lên lịch học phù hợp, chọn những ngày có liên quan đến thời điểm kiểm tra, sử dụng flashcards, hoặc viết ra những thứ cần học thay vì gõ trên máy tính cũng giúp ích cho trí nhớ của bạn. Vì quá trình học phân tán là từng giai đoạn lặp đi lặp lại, nên bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để hạn chế sự căng thẳng dồn dập.