Đò đưa

Khi Nguyễn Huy Thiệp nhảy đầm

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 16-07-2019 • Lượt xem: 13765
Khi Nguyễn Huy Thiệp nhảy đầm

Tôi vừa được dịch giả, photographer Nguyễn Văn Danh từ Florence, Ý gửi bộ ảnh độc quyền chụp bạn bè văn nghệ sĩ cho Duyên dáng Việt Nam. Trong đó, thật thú vị khi tôi tìm thấy một số bức anh Danh chụp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhảy cùng một số người đẹp trong đợt anh qua Ý nhận giải thưởng văn học Premio Nonino.

Những tấm ảnh thật sinh động, thật đáng sống. Nó cho thấy một đời sống khác của nhà văn nổi tiếng tài hoa có thể đại diện tiêu biểu ưu tú cho tầng lớp trí thức, elite chữ nghĩa Việt Nam “cha mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra từ nông thôn”.

Chợt ngẫm nghĩ thấy quả thật câu văn trên như đã vận vào Nguyễn Huy Thiệp. Thế giới sáng tạo của anh ngỡ như chưa bao giờ bứt khỏi lũy tre làng hay văn minh lúa nước. Những câu hay nhất chính là hoa văn của "dấu chân kỹ hà" bao quanh những cánh đồng châu thổ. Những dấu chân như ước mơ vượt lên trên nhọc nhằn, tảo tần một đời thiện lương nhưng đói nghèo và lam lũ. Những dấu chân thần linh mà một bà mẹ không chồng một hôm ướm vào bỗng chốc có mang và sinh ra Phù Đổng. Những dấu chân buồn đau muôn đời đã mang gương mặt triết gia huyền thoại.

Nhìn các người đẹp vây quanh nhà văn “tướng về hưu” Nguyễn Huy Thiệp, anh cũng lả lướt, ôm eo nhiều nàng nhún nhường, lượn từng vòng, cười toe toét không gì mát mắt hơn, dễ chịu hơn. Ít ra cũng thoát khỏi tạm thời suy nghĩ đám nhà văn Việt chỉ giỏi “tháu cáy” chuyện người khác, ngô nghê, quê mùa trong cái làng văn chương.

Tuy vậy, nhìn kỹ tôi vẫn nhận ra cái nét nhà quê của Thiệp. Vẫn có chút gì lém lỉnh, hơi hốt hoảng khi bất ngờ bị buộc phải xuất hiện trên sàn nhảy với các cô nàng người Ý phốp pháp nặng ký. Thật ra không phải chỉ Thiệp ngượng nghịu mà văn hóa sinh hoạt của người Việt, nhất là giới viết văn cũng chưa quen với việc dìu nhau ra sàn nhảy. Văn minh phương Tây hình như vẫn còn đầy xa lạ khi “chảy đi sông ơi” vẫn còn mang đầy tính tự phát.

*

Nguyễn Huy Thiệp cho đến nay, theo tôi vẫn ở vị trí số một về truyện ngắn. Vẫn chưa ai có đủ bản lĩnh và bút pháp để so sánh với anh. Những truyện như “Tướng về hưu”, “Những bài học nông thôn”, “Kiếm sắc”, “Những người thợ xẻ”, “Vàng và lửa”, “Con gái thủy thần”… vẫn rừng rực một nỗi niềm tha hóa, chán chường, u mê, điên dại.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phát biểu khi nhận giải thưởng văn học Premio Nonino tại Ý

Thì vậy, nhà văn nếu có ra sàn, có nhảy giỏi thì cũng lẫn vào muôn ngàn vũ sư vũ công khác. Còn nhảy trong văn chương mới đích thực là chính anh. Nguyễn Huy Thiệp “nhảy” hay nhất vẫn trong những truyện ngắn của mình. Sẽ khó tìm ra một cao thủ nào có thể “soán ngôi” của anh cả.

Dịch giả Nguyễn Văn Danh và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nhảy như “Kiếm sắc”. Như “Trò chuyện của hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn”, Thiệp đã làm rùng mình nhiều người vì những bước phăng-tê-di độc đáo mà ai cũng biết, cũng nhìn thấy nhưng không thể chỉ ra được:
"Nhìn vào danh sách 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều... "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả...".

Và nhảy đẹp trong nhiều tác phẩm khác nữa:

- “Chúng ta sinh ra và sống trong một không khí sát nhân”.

“Ờ trong chợ văn chương hạng đầu gấu có đầy. Chúng có thể cầm đủ loại cờ nhưng bi kịch là không ai tập hợp dưới cờ của chúng. Không ai nghe lời chúng mặc dù chúng nguy hiểm. Tôi với ông khác chúng, chúng ta đã trở nên sạch sẽ. Chúng ta đã qua cái thời lê la ngoài chợ”.

“Nghề văn chương, chính trị với cả tôn giáo - bản chất đích thực của nó là hàm hồ. Lời lẽ hàm hồ. Nghệ thuật ở chỗ làm sao buộc cho đám đông thừa nhận sự hàm hồ. Người nào làm được như thế người ấy thắng!...”

- “Cả xã hội đi xuôi, cả một nền văn học đi xuôi. Chỉ có mỗi hắn là làm ngược lại, đi ngược lại... và thế là hắn sẽ rơi vào tầm ngắm của những tay đi săn tư tưởng thực thụ…” .

Để đúc kết nghề văn là gì chỉ trong một bước nhảy:

- "Tôi đã sống như một con thú"

 “Sự trung bình trong nghệ thuật đông đúc và mẫn cán đến mức đôi khi giết chết nghệ thuật”.

Và chữ nghĩa, đôi khi thật giả dối, thật oái ăm, không còn cách nào khác: “Công việc của chúng ta là một công việc bẩn thỉu nhưng cao thượng”.

Ảnh: Nguyễn Văn Danh (gửi độc quyền cho Duyên dáng Việt Nam)