ĐỜI SỐNG

Khi tin giả trên TikTok ‘sống khỏe’

Thành Nhân • 10-04-2023 • Lượt xem: 806
Khi tin giả trên TikTok ‘sống khỏe’

Hiện nay, mỗi ngày trên mạng xã hội hầu như đều xuất hiện các tin tức, hình ảnh giả mạo từ TikTok khi nhiều người “té ngửa” phát hiện mình bị đưa hình ảnh lên mạng với những thông tin thêu dệt không đúng sự thật.

Nhiều người trở thành nạn nhân câu view từ TikTok

Vào chiều ngày 6/4, họp báo của đại diện Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông cho hay, sẽ xử lí những vi phạm của TikTok Việt Nam. Đồng thời lên kế hoạch kiểm tra trong thời gian ngắn nhất.

"Hiện nay có nhiều đối tượng sử dụng hình ảnh của em đăng thông tin sai sự thật nhằm câu like câu view, em hy vọng cả nhà yêu thương nếu có thấy thì report giúp em, em xin chân thành cảm ơn". Đây là một dòng trạng thái đầy lo lắng của một nữ tiếp viên hàng không, khi người này bị ghép ảnh vào một clip với nội dung "Thương xót em khi tuổi đời còn quá trẻ" sau vụ lùm xùm các nữ tiếp viên hàng không vận chuyển 11 kg ma túy từ Pháp về Việt Nam.

Không chỉ nữ tiếp viên hàng không này, hiện nay có rất nhiều video vẫn đang tồn tại trên mạng, thậm chí còn thu hút hàng triệu tới vài triệu lượt xem mà thông tin không được kiểm chứng, thậm chí sai hoàn toàn sự thật. Nhiều người không hiểu mục đích của người tạo ra nội dung những video này nhằm câu view từ những bịa đặt mang tính chất kích thích sự tò mò, giật gân, chứ họ hoàn toàn không quan tâm tới hệ lụy mà nhân vật trong video sẽ gặp phải sau đó.

Ma trận tin giả

TikTok đang là mạng xã hội thu hút nhiều người chơi và người xem. Ở đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” của ma trận tin giả. Hơn nữa, TikTok có nhiều tính năng tạo ra ma trận. Các tin tức này thường chú trọng khai thác về các phát ngôn, đời sống… thậm chí sống chết của những người nổi tiếng. Không chỉ vậy nhiều lĩnh vực khác của đời sống cũng được khai thác. Thường sẽ là những bản tin từ một phút tới vài phút thậm chí dài hơn, được viết với ngôn ngữ giật gân, gây chú ý, thêm với hình ảnh lồng ghép không chính xác.

Hiện nay, TikTok là mạng xã hội vượt mốc người dùng 1 tỷ người. Có nhiều nguyên nhân khiến cho TikTok mỗi ngày có quá nhiều tin giả (fake news) được chia sẻ và lan truyền trên nền tảng này.

Thứ nhất, TikTok là một ứng dụng phổ biến với số lượng người dùng lớn, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ. Với lượng người dùng lớn như vậy, nhiều tin giả sẽ được chia sẻ và lan truyền rộng rãi.

Nhiều kênh đưa tin khiến người xem hoang mang, nhằm mục đích câu view - Hình ảnh: Internet

Thứ hai, TikTok là một nền tảng mạng xã hội dựa trên nội dung ngắn, và nhiều người dùng muốn xem nội dung thú vị và giải trí, thay vì các tin tức chính thống. Điều này dẫn đến việc nhiều người dùng không kiểm tra tính xác thực của thông tin trước khi chia sẻ nó.

Thứ ba, một số người dùng TikTok có thể tin vào các tin giả bởi vì chúng phù hợp với quan điểm hoặc quan tâm của họ, hoặc chúng có tính cực đoan, gây ấn tượng mạnh với người xem. ở nhiều kênh TikTok, chủ kênh tự xưng là biết tuốt, tự biến mình thành chuyên gia, khi họ đưa ra những quan điểm hay lời bình luận thu hút đám đông.

Một số trường hợp bị xử phạt vì hành vi đăng tin và bình luận vi phạm pháp luật. Điển hình như Tiktoker Hoàng Nhật Minh ở Biên Hòa, Đồng Nai với tài khoản TikTok hoangminhkhumbeo, đã bị xử phạt khi đăng thông tin xúc phạm người miền Trung. Không dừng lại ở đó, hai tháng sau người này còn bị phạt 10 triệu vì cung cấp sai sự thật.

Hay như trường hợp BQG, 35 tuổi ở Cần Thơ bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng khi chia sẻ thông tin sai sự thật và xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.

Hiện nay mỗi ngày nguồn cung cấp thông tin trên TikTok lên tới 1,6 triệu video. Riêng tại Anh, mỗi giờ có 5 triệu video được tải lên. Con số này luôn tăng lên mỗi ngày. Theo giới phân tích thì trong số những video được tải lên có 20% chiếm thông tin sai lệch. Không chỉ vậy, trang “dành cho bạn” trên TikTok lại hầu hết là clip của người khác chứ không hẳn là của chủ nhân tài khoản đó.

"Việc cá nhân hóa nội dung bằng thuật toán của TikTok có tác động đáng kể đến cách người dùng cảm nhận các video họ xem trên nền tảng này. Người dùng nhận ra rằng các video họ xem được điều chỉnh theo sở thích và niềm tin cá nhân. Điều này có thể góp phần tạo nên cảm giác liên kết và độ tin cậy. Do đó, nó có thể nâng cao mức độ sẵn sàng chấp nhận và chia sẻ thông tin mà họ gặp trên nền tảng", một chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, việc lan truyền tin giả trên TikTok có thể gây hại đến sức khỏe và an ninh của người dùng. Vì vậy, các nhà quản lý nên có chính sách và giải pháp nhằm kiểm soát và giảm thiểu sự lan truyền của tin giả trên nền tảng này. Các người dùng cũng nên chủ động kiểm tra tính xác thực của các thông tin trước khi chia sẻ chúng và tránh lan truyền các tin giả để đảm bảo an toàn cho chính mình và người dùng khác.