ĐỜI SỐNG
Khi “Việc nhà là sẻ chia”
HaoKhanh • 27-03-2025 • Lượt xem: 62

Không phải là một chủ đề mới mẻ nhưng xoay quanh câu chuyện "Việc nhà là của ai?" vẫn làm dậy sóng trên các diễn đàn mạng xã hội, gây lên những luồng tranh cãi trái chiều trong cuộc sống hôn nhân gia đình.
Việc nhà là của ai?
Hình ảnh minh họa (Internet)
Tôi biết có một số gia đình, hai vợ chồng cùng đi làm, bươn chải ngoài xã hội nhưng khi về đến nhà thì người vợ lại tất bật, luôn tay luôn chân làm không hết việc. Từ nấu nướng, giặt giũ quần áo đến chăm sóc con, dạy con học. Còn người chồng, người cha trong gia đình thì thảnh thơi ngồi gác chân lên ghế, ôm khư khư cái điện thoại hoặc máy tính để lướt web, chơi game, mặc kệ mọi thứ, chẳng quan tâm đến điều gì. Câu chuyện này thật đáng buồn khi những người phụ nữ luôn là người chịu vất vả, cực nhọc, hi sinh nhiều hơn cả trong mối quan hệ hôn nhân gia đình mà ngày nay người ta vẫn hô hào đề cao bình đẳng giới.
Và thực tế trong cuộc sống, có rất nhiều anh chồng cảm thấy lo lắng, bối rối, hoang mang nếu một ngày nào đó vợ vắng nhà. Không lo lắng sao được vì có bao giờ các anh động tay vào việc nhà, có khi đến cái ly để đâu cũng không biết. Các anh không biết bật bếp gas, không biết sử dụng máy giặt và không biết làm cách nào để pha sữa cho con,...Đó thực sự là một cuộc chiến. Thế rồi những ngày vắng bàn tay chăm chút của người phụ nữ là tất cả mọi thứ xung quanh đều rối tung lên. Nhà cửa bừa bộn, con cái nheo nhóc và cả những bữa “cơm nhà cháo chợ” thật ngán ngẩm.
Và khi hỏi lý do vì sao các anh chồng không làm việc nhà thì có muôn vàn lý do được đưa ra. Một số anh chàng bao biện, tự bào chữa rằng vì bản năng của phụ nữ là khéo léo, tỉ mỉ, họ tinh tế, chu toàn nên việc nhà tất nhiên thuộc về phụ nữ. Còn đàn ông bản năng mạnh mẽ nên là trụ cột trong gia đình, làm những điều to tát, lớn lao, lo việc ngoài xã hội, kiếm tiền mang về,... Thế là các anh cứ thảnh thơi, tự do làm việc riêng của mình. Các anh cho mình quyền gia trưởng, đưa ra những yêu sách hay phân công công việc cho người phụ nữ trong gia đình, phải làm thế này hay thế kia.
Thế nhưng lý giải như vậy cũng là chưa đúng. Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, người phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Có những người phụ nữ giữ chức vụ cao trong doanh nghiệp, là quản lý hay giám đốc ở những công ty lớn, nổi bật trong lĩnh vực của mình. Có những người phụ nữ thành công và thậm chí họ còn giỏi kiếm tiền hơn người chồng của họ. Họ cũng tất bật với công việc và thậm chí còn không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Vậy thì đi một vòng tròn lớn lại quay về với câu hỏi muôn thủa "Ai sẽ làm công việc nhà?".
Sự sẻ chia đem đến hạnh phúc gia đình
Hình ảnh minh họa (Internet)
Đàn ông không vụng về và phụ nữ cũng không phải sinh ra đã giỏi công việc nội trợ, bếp núc. Và việc nhà có chăng là chúng ta làm nhiều lần mà trở nên thành thạo, khéo léo hơn thôi.
Đời sống gia đình hiện đại đã thay đổi, vì vậy tư tưởng “việc nhà là của đàn bà” đã trở nên lỗi thời, cần phải được xóa bỏ. Đàn ông cũng có thể gắn liền với gian bếp, dọn dẹp nhà cửa chứ không phải riêng gì phụ nữ. Việc nhà không phải của riêng ai mà là trách nhiệm chung, là ý thức chung của tất cả các thành viên trong gia đình. San sẻ việc nhà giúp vợ chồng thấu hiểu nỗi vất vả của nhau hơn để từ đó tạo sự kết nối, gắn bó bền chặt. Bên cạnh đó, đây còn là cách người lớn làm gương cho con nhỏ trong việc phải có trách nhiệm với những công việc chung của gia đình dù đó là việc lớn hay việc nhỏ.
Tôi có ấn tượng sâu sắc với câu nói của anh Lê Hoàng trong một buổi tọa đàm ngắn. Anh nói:
"Sự sẻ chia không phải là chia đôi đầu mục công việc mà đến từ sự tự nguyện đem đến hạnh phúc cho đối phương dưới bất kỳ hình thức nào".
Câu nói của anh làm tôi nhớ đến câu chuyện của cô bạn. Cô thường tâm sự, có những hôm cô đi làm về trễ, bận bịu tăng ca từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về nhà. Nhưng lần nào cũng thấy hai cha con ngồi chờ mẹ trước mâm cơm nhỏ. Những món ăn tự tay hai cha con nấu nhiều khi chưa thực sự hoàn hảo, có khi món thịt kho thì cay quá, món trứng chiên thì cháy khét, có khi cơm thì nửa sống nửa chín, canh thì mặn chát nhưng cô đều ăn ngon lành. Bởi lẽ trong những bữa cơm ấy, cô cảm nhận được sự ấm áp và sẻ chia từ những người đàn ông trong gia đình. Đó là lúc cô cảm thấy mình chọn đúng người đàn ông của cuộc đời. Có thể anh chồng lóng ngóng, vụng về, không giỏi việc nhà nhưng sự tận tâm, san sẻ là điều đáng quý. Là khi anh thấu hiểu, biết trân trọng, nâng niu và dành tình yêu thương đến người phụ nữ của mình.
Hình ảnh minh họa (Internet)
Vì vậy, người đàn ông thành công là người biết chu toàn trong công việc và cuộc sống. Các anh chồng cần tập cho mình thói quen quán xuyến mọi thứ xung quanh, phụ giúp gia đình việc nhà, chủ động học hỏi để biết sẻ chia, đỡ đần vợ. Từ những việc đơn giản như vợ nấu cơm thì chồng có thể phụ nhặt rau, rửa bát. Vợ quét nhà, giặt giũ thì chồng có thể phụ chăm con, chơi với con. Sự san sẻ, yêu thương là ngọn lửa thắp lên tình cảm ấm áp gia đình. Có thế cuộc sống hôn nhân mới hạnh phúc, gia đình mới là tổ ấm, là nơi tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực mà các thành viên đều mong muốn trở về.