ĐỜI SỐNG

Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến ngày tết

DDVN • 24-01-2023 • Lượt xem: 4816
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến ngày tết

Bộ Tài chính yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong những ngày Tết Nguyên đán.

Ngày 24.1, Bộ Tàu chinh đã có một số dự báo và kiến nghị biện pháp quản lý, bình ổn giá sau Tết và cả năm 2023. Theo quy luật hàng năm, từ mùng 3 Tết thị trường sẽ dần sôi động hơn do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi ngày tết, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Dự báo về tình hình giá cả và đề xuất biện pháp quản lý, bình ổn giá sau Tết và cả năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, do quý 1/2023 trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết.

Giá một số dịch vụ công được triển khai theo lộ trình thị trường, trong đó có giá điện nhiều khả năng sẽ tăng sớm từ đầu năm, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục tiếp tục thực hiện theo lộ trình thị trường (trong đó giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu Bộ Y tế dự kiến điều chỉnh trong quý 1), một số mặt hàng nhà nước định giá chịu áp lực từ biến động về yếu tố hình thành giá.

Ngoài ra, yếu tố thiên tai có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến giá lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm tại một số địa bản bị ảnh hưởng... Một số chính sách về hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023.

Năm 2023 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá khi tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, lạm phát ở một số nước mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng dự báo vẫn tiếp tục là một vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết. Giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu trong nước, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng do Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Bên cạnh đó, trong nước chịu tác động từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua, một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023, một số dự án lớn, những công trình trọng điểm quốc gia triển khai nhanh từ đầu năm, áp lực tăng giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm sau khi điều chỉnh tăng lương cơ bản, đặc biệt áp lực lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý 1/2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2022.

Tuy nhiên, theo quy luật giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường nhích tăng trong các ngày tết và sau đó dần giảm trở lại bình thường sau Tết. Tại một số tỉnh, thành phố lớn, nhiều siêu thị cửa hàng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu, nguồn cung hàng hóa không còn bị gián đoạn sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động, giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ giá ổn định, hoặc triển khai chương trình giảm giá cho một số khách hàng.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ trong những năm qua và thời gian tới giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật Giá sửa đổi.

Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá tại các cuộc họp định kỳ Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Theo Tuyết Nhung/1thegioi.vn