ĐỜI SỐNG

Khu bảo tồn sinh thái Thái Hải - Nơi tìm về cội nguồn

Việt Hưng • 29-04-2022 • Lượt xem: 33716
Khu bảo tồn sinh thái Thái Hải - Nơi tìm về cội nguồn

Đến nơi đây bạn như lạc vào một thế giới đầy mê hoặc bởi sự khác biệt với những nơi bạn đã từng đi qua. Ở đó bạn sẽ hòa mình vào thiên nhiên, ngửi mùi thơm của cây cỏ hoa lá, nghe tiếng chim rừng hót buổi sớm mai, tiếng nước chảy róc rách trong đêm khuya lặng lẽ và cả tiếng mõ bản mỗi khi khách đến chơi nhà.

Cách Hà Nội khoảng một tiếng rưỡi chạy xe ô tô và khoảng 15 phút tính từ trung tâm thành phố Thái Nguyên chúng ta sẽ tới khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải. Trải rộng trên một diện tích chừng 25 ha. Nơi đây một cộng đồng với 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời ngót nghét trăm năm  và 151 thành viên thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Kinh, Sán Chí với bốn thế hệ sinh sống để cùng nhau giữ  được nét văn hóa truyền thống như hàng trăm năm trước.

Một góc bản làng Thái Hải

Khi dân bản làm du lịch

Khi mới xây dựng bản làng chắc hằn bà con cũng chẳng nghĩ đến việc làm du lịch mà chỉ nghĩ tới việc gìn giữ những di sản quý báu của cha ông để lại kẻo mai một về sau. Nhưng chính từ những suy nghĩ giản đơn ấy lại tạo ra sự độc đáo cho không gian nơi đây. Ban đầu là những nhóm phượt trẻ tuổi rồi những người ưa du lịch mạo hiểm tìm đến và tiếp theo là khách đến tham quan và tất nhiên kèm theo đó là như cầu về ăn uống, nghỉ ngơi. Có cầu ắt có cung, với sự mến khách của mình bà con dân bản  đáp ứng các yêu cầu của du khách và cứ thế cùng với sự dịch chuyển của xã hội, mọi người đã tìm đến với du lịch xanh như một trải nghiệm mới mẻ để hình thành nên khu bảo tồn sinh thái Thái Hải ngày nay.

Du khách chụp ảnh lưu niệm trước nhà Then nơi tiếng hành các nghi lễ của người Tày để mong Mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Với ngôi nhà lá dài gần 100 m bên cạnh hồ nước có thể phục vụ hàng trăm thực khách hàng ngày cùng với sân khấu lớn có thể tổ chức các sự kiện của cả một công ty lớn với khoảng 500 chỗ ngồi. Nếu khách có nhu cầu lưu trú thì với hệ thống nhà sàn hiện tại có thể đáp ứng được nhu cầu của khoảng 200 khách cùng lúc. Khách sẽ ở trong những ngôi nhà sàn ẩn mình trong những tán lá rừng xanh mướt. Và để đáp ứng nhu cầu của du khách các ngôi nhà này đều lắp hệ thống điều hoà phòng khi thời tiết nóng nực cũng như hệ thống vệ sinh khép kín. Ở đây du khách sẽ được hướng dẫn tìm hiểu về văn hoá truyền thống của dân tộc Tày như phong tục tập quán, trang phục, lễ nghi, tín ngưỡng… cũng như trải nghiệm cuộc sống cùng dân bản như: trồng rau, hái rau, hái chè, đánh cá, giã bánh giầy, giã cốm, rang ngô, nướng khoai, thưởng thức trà xanh bếp lửa nhà sàn và nghe đàn Tính cùng điệu hát Then mê hoặc lòng người.

Phụ nữ trong trang phục Cao Lan tại giếng làng nơi khách đến hoặc người trong bản đi xa về để cầu may

Ẩm thực cũng là điều không thể thiếu khi du khách đến Thái Hải. Ở đây hầu như tất cả các món ăn đều được tự cung tự cấp. Lợn gà đều do bà con nuôi, cá đánh dưới hồ, rau quả hái trên rừng hoặc gieo trồng theo phương pháp truyền thống. Xin mách nhỏ với những bạn thích nhâm nhi: Ở đây có món rượu dân tộc nấu bằng lúa nếp nương rất tuyệt. Rượu được nấu theo phương pháp truyền thống sau đó được cho vào các chum sành rồi tiếp đất dưới gầm nhà sàn từ vài tháng đến hàng năm sau. Khi rượu đã ngấu  mới chiết ra các hũ nhỏ chừng nửa lít để phục vụ du khách. Rượu này uống cùng với các món như lạp sườn Tây Bắc, thịt lợn gác bếp, hoặc món khâu nhục hẳn sẽ khiến bạn nhớ mãi.

Phụ nữ trong trang phục Tày lên khu lưu trú

“Ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một ví tiền”

Có một điều thật thú vị là cộng đồng với 151 con người này lại “Ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một ví tiền”. Mọi người tùy theo khả năng sẽ làm việc và chi tiêu theo nhu cầu cá nhân. Phóng viên cũng đã được chứng kiến bữa ăn của bà con nơi đây. Mỗi người một khay ăn theo kiểu chúng ta hay vào các nhà hàng Buffet. Ai thích ăn gì tự chọn, ăn được bao nhiêu thì cứ việc lấy bấy nhiêu và tất nhiên không phải trả tiền. Trao đổi với chúng tôi, chị trưởng bản cho biết: "Trước đây có người lấy tiền về, có người không. Còn bây giờ không ai lấy tiền về riêng nữa cả”. Trước sự ngạc nhiên và tò mò của chúng tôi chị cho biết thêm: “Tôi tiếng là người đứng đầu những tôi không giữ tiền, tiền giao cho các cháu giữ, ai cần tiêu gì cứ đến lấy” và dường như đoán được câu hỏi tiếp theo chị tiếp tục chia sẻ: “Ngay chuyện ăn uống trong cái chung cũng có cái riêng, gia đình nào có nhu cầu ăn thêm con gà, con cá, uống thêm chai rượu thì cứ báo nhà bếp làm thôi. Còn về tiền, nếu ai muốn mua quần mua áo hoặc vật dụng cá nhân thì cứ bảo thủ quỹ chi cho. Nếu gia đình nào có cha mẹ ốm đau đi viện thì lấy tiền chung lo cho cha mẹ, tiêu không hết thì về trả lại. Chuyện học hành của các  cháu cũng vậy, không phân biệt gia đình làm ít hay nhiều chúng tôi lo hết việc học hành cho các cháu từ mẫu giáo trở đi. Nếu cháu nào có khả năng sẽ lo cho học hành đến cao đẳng, đại học bằng kinh phí chung”.

Xã hội tiến bộ tương lai là một thế giới mà trong đó mọi người “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Để đạt được điều này chúng ta cần một thời gian dài nữa. Nhưng dường như với mô hình hiện tại cộng đồng Thái Hải đã tiến trước một bước đến mục tiêu cao cả này. Thiện lành thay, giữa một cuộc sống còn có những xô bồ, bon chen chúng ta lại có những cộng đồng tràn đầy yêu thương, chan hòa và đậm đà bản sắc dân tộc đến thế. Cần phải dành lời khen cho chị Trưởng bản - người con của dân tộc Tày - Nguyễn Thị Thanh Hải đã vượt qua những khó khăn để xây dựng và gìn giữ bản sắc văn hóa rất độc đáo từ 20 năm trước. Và cũng cần phải dành lời khen cho những người làm văn hóa của tỉnh Thái Nguyên đã có tầm nhìn chiến lược để quy hoạch và hỗ trợ bà con bảo tồn văn hóa quý giá của cha ông để lại. Nếu không, với vị trí và đường giao thông thuận lợi như hiện nay những khu đất này sẽ lại trở thành những sân golf, những khu nghỉ dưỡng đắt tiền mang phong cách Châu Âu chỉ dành cho những du khách rủng rỉnh tiền bạc hoặc biệt thự nghỉ dưỡng trên triền đồi của những đại gia lắm tiền ở các tỉnh lân cận về đổi gió cuối tuần. Còn con cháu chúng ta khi muốn tìm hiểu về văn hóa Tày chỉ còn mỗi nước lên Internet tra Google mà thôi. Tại nơi đây các nhóm học sinh, sinh viên, những người lao động vẫn có thể trải nghiệm một mô hình du lịch độc đáo với giá cả rất phải chăng.

Khung cảnh nên thơ...

Hoa cơm của người Tày: Các hạt thóc sẽ được rang trên bếp củi. Khi thóc chín sẽ nổ và bung ra như hoa.  Nếu ai nhặt được càng nhiều thì càng may mắn.

Nhiệt tình với du khách như một bản năng

Một trong những sự hài lòng của du khách khi đến nơi đây chính là sự nhiệt tình như một bản năng của những chàng trai, cô gái Tày. Họ nhiệt tình với khách một cách hết sức tự nhiên, không cầu kỳ, không màu mè, không phải bằng các kỹ năng được đào tạo mà bằng sự cởi mở chân tình. Đối với họ, du khách chính là khách đến chơi nhà. Nụ cười luôn nở trên môi và luôn chào hỏi khách mỗi khi gặp mặt. Đến đây tôi lại chợt nhớ lại bài học mà tôi học ở trường Đại học Ngoại thương năm nào “Marketing chính là nụ cười thân mật, cởi mở của doanh nghiệp đem đến sự hài lòng cho khách hàng”.

Du khách nghe bà con hát Then cùng với đàn Tính

Cám ơn các chàng trai, cô gái Tày dễ mến đã mang đến cho tôi một cảm giác thật dễ chịu khi đến trải nghiệm tại nơi đây. Nụ cười của các bạn chính là điều sẽ níu chân du khách. Nếu được, tôi sẽ cho 5 sao về thái độ phục vụ của các bạn.

Sương điếp xỏ chập tèo - Thương mến hẹn gặp lại.