ĐỜI SỐNG

Kiệt sức không phải là lười biếng

Nina • 26-09-2024 • Lượt xem: 311
Kiệt sức không phải là lười biếng

Hầu hết chẳng ai muốn bị coi là lười biếng, cũng không muốn tự rước danh tiếng đó vào người. Dù vậy, đôi khi chúng ta bắt đầu chểnh mảng và trở nên ít nỗ lực. Tuy nhiên, "sự lười biếng" không phải lúc nào cũng là lười biếng, đôi khi thực chất đó là sự kiệt quệ.

Sau đây là 10 dấu hiệu cho thấy bạn đã kiệt sức

1. Mất hứng thú với những thứ từng mang lại cho bạn niềm vui

Mất hứng thú với sở thích của mình, đặc biệt là mất hứng thú với gia đình, bạn bè hoặc người yêu, sẽ khiến bạn thấy đau lòng. Nhưng đó chỉ là một phần của sự quá tải mà thôi. Bạn không phớt lờ mọi người hoặc từ bỏ sở thích, mà đúng hơn là bởi vì bạn luôn cảm thấy kiệt quệ.

Một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy 79% nhân viên văn phòng bị kiệt sức, trong đó 26% báo cáo rằng họ không hứng thú với công việc. Bên cạnh đó, một nghiên cứu riêng biệt đã kết luận rằng "Nguyên nhân của việc từ bỏ sở thích là từ những kỳ vọng, thiếu thời gian và mất hứng thú là những lý do thường được đề cập nhất". Với những điều đã nói, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn thấy tệ khi trả lời tin nhắn hoặc thấy chán cả sở thích của mình. Cũng có khả năng đây là trạng thái để bạn nạp lại năng lượng sau khi đã vắt kiệt sức mình trong khoảng thời gian gần đây.

2. Mệt mỏi mà không có lý do

Khi cảm thấy mệt mỏi mà không bắt nguồn từ cơn bệnh nào cũng là dấu hiệu của kiệt sức. Theo nghiên cứu, có ba khía cạnh dẫn đến sự kiệt sức, một trong số đó là cố gắng quá sức. Tình trạng này có thể là do căng thẳng gây trạng thái mệt mỏi bất kể bạn đã ngủ bao nhiêu lâu. Giải tỏa bớt căng thẳng trước khi ngủ bằng cách thiền chánh niệm, thở sâu, tắm nước ấm hoặc tắm dưới vòi sen, thậm chí viết nhật ký cũng sẽ giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn.

Ảnh: luis-villasmil, Unsplash

3. Các vấn đề sức khỏe không rõ nguyên nhân

Khi đột nhiên gặp phải các vấn đề sức khỏe như bị đau tim, hoặc cảm giác nhột nhạt không rõ nguyên nhân ở cánh tay bạn sẽ lo lắng rằng có phải do chế độ sinh hoạt của mình sai ở đâu đó? Tuy nhiên nó có thể bắt nguồn từ sự kiệt sức mà bạn đang chịu đựng. Theo nghiên cứu tổng hợp, kiệt sức có thể dẫn đến bệnh tim, cholesterol cao, tiểu đường loại 2, mất ngủ và trầm cảm.

4. Không còn động lực nữa

Chúng ta cần cảm thấy được truyền cảm hứng và động lực để đối diện với ngày mới. Tuy nhiên, một số người không phải lúc nào cũng có được sự xa xỉ đó vì mức năng lượng của họ bằng không. Thậm chí họ còn không thể suy nghĩ tích cực chứ đừng nói đến việc tự động viên bản thân. Để giải thích điều này, một nghiên cứu đưa ra rằng, động lực là nguồn lực lèo lái chúng ta hoàn thành nhiệm vụ của một ngày. Theo tuyên bố của nghiên cứu: "Mọi người có thể duy trì hiệu suất của mình trong một nhiệm vụ cụ thể miễn là họ vẫn có động lực để thực hiện nhiệm vụ đó". Nhưng nếu bạn không có động lực, điều này có thể trở nên khó khăn, khiến tinh thần bạn cũng trở nên mệt mỏi.

5. Cảm thấy mất kết nối với thế giới xung quanh

Không giỏi nhắn tin là một chuyện, nhưng khi bạn tách biệt hoàn toàn khỏi những người xung quanh lại là chuyện khác. Bạn lờ đi mọi người trong nhiều tháng liền, không quan tâm tới ai hoặc chuyện gì đang xảy ra xung quanh mình. Thực ra đó là do bạn đã quá kiệt sức tới mức khiến cho việc bạn ở bên cạnh người khác cũng trở nên khó khăn, và chuyện thờ ơ kia chỉ là sự thả trôi của bạn mà thôi. Các triệu chứng của kiệt sức bao gồm: rời xa gia đình hoặc bạn bè vì bạn không có khả năng tham gia một cách trọn vẹn, hoặc làm theo thói quen mà không thực sự lắng nghe hoặc chú ý đến xung quanh.

6. Dễ bị kích động

Một dấu hiệu lớn của kiệt sức là không thể kiểm soát cảm xúc của mình và theo đó là sự cáu kỉnh. Một nghiên cứu đã tìm ra rằng, "Tình trạng kiệt sức lâm sàng dai dẳng có liên quan đến sự kích thích cơ thể quá mức bao gồm căng thẳng, cáu kỉnh, suy giảm giấc ngủ và nồng độ cortisol trong máu cao hơn bình thường". Đừng quá khắt khe với bản thân nếu bạn cáu gắt với người khác, không phải vì bạn không thể kiểm soát bản thân hoặc quá lười biếng, mà đôi khi có thể là vì bạn hoàn toàn kiệt sức và cần được mặc kệ.

Ảnh: jeshoots, Unsplash

7. Cảm thấy quá tải

Đây là cảm giác không thể tránh khỏi khi bạn ở tình trạng kiệt sức. Stress sinh ra sự căng thẳng và thường là ở nơi làm việc, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nó dẫn đến trạng thái quá tải. Lúc này bạn sẽ trì hoãn nhiệm vụ của mình do có cảm giác sợ hãi hoặc tuyệt vọng đeo bám. Nếu không cẩn thận , sự trì hoãn này dẫn đến càng lúc càng khó chịu và bí bách hơn vì các dần tồn đọng.

8. Phải vật lộn để hoàn thành công việc đúng hạn

Nếu bạn cứ loay hoay với công việc thì bạn sẽ bị gắn nhãn lười biếng, nhưng đó là một nhận định tồi tệ, vì đôi khi không phải do bạn cố ý như thế. Thay vì được giải quyết vấn đề cốt lõi thì bạn sẽ bị sếp mắng một trận về việc phải chung sức với mọi người và ngừng sự lười biếng lại, bằng không thì… nghỉ. Điều này có thể gia tăng căng thẳng, cuối cùng dẫn đến kiệt sức và vật lộn nhiều hơn trong công việc.

Môi trường làm việc có mối liên quan mật thiết tới sự gắn kết của nhân viên, cho nên những nhân viên làm việc trong môi trường độc hại sẽ truyền những cảm xúc tiêu cực cho những đồng nghiệp khác, từ đó dẫn đến trầm cảm, bắt nạt nơi công sở, lo âu… Đây là lời nhắc nhở để giữ môi trường làm việc tích cực, thay vì sự nóng nảy thụ động, hãy tiếp cận nhân viên đang gặp khó khăn bằng lòng trắc ẩn.

9. Vội vàng kết luận

Kiệt sức sinh ra sự tiêu cực, và vì vậy người bị kiệt sức thường sẽ đưa ra những quyết định tồi tệ nhất. Nghiên cứu cho thấy kiệt sức có liên quan mật thiết đến việc gia tăng trầm cảm, và cũng ảnh hưởng đến thái độ bị rối loạn cùng phản ứng suy nghĩ dai dẳng trong tâm trí. Vì vậy, cả thái độ và tư duy của bạn đều có xu hướng tiêu cực khi cảm thấy kiệt sức.

10. Bạn đang bỏ bê việc chăm sóc bản thân

Khi bạn kiệt sức, bạn không có năng lượng để tập trung vào việc chăm sóc bản thân. Do bận rộn và căng thẳng, bạn bỏ qua chuyện đi tập thể dục hoặc việc thư giãn, và bạn nghĩ là sẽ dùng thời gian đó để giải quyết việc quan trọng hơn. Thế nhưng đây lại là điều tồi tệ nhất mà bạn làm cho chính mình. Chăm sóc bản thân là cầu nối giữa tình trạng căng thẳng và sự an yên. Hãy dành thời gian thư giãn, đắp mặt nạ hoặc đọc một cuốn sách nhẹ nhàng. Sức khỏe tinh thần của bạn phụ thuộc vào điều đó.