Đây là căn bệnh giết chết 60.000 đến 70.000 người hàng năm trên thế giới nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bất chấp những nỗ lực của các nhà khoa học trong nhiều thế kỷ, bệnh dại vẫn đang là một tác nhân gây ra hàng chục ngàn ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Bệnh dại là bệnh lây nhiễm virus cấp tính hệ thần kinh. Hằng năm có hơn 10 triệu người bị các loài vật cắn cần phải được tiêm phòng bệnh dại. Bệnh này xuất hiện khắp các lục địa trên thế giới. Tuy nhiên, bệnh tập trung ở các khu vực nhiệt đới như châu Á, châu Mỹ La Tinh, châu Phi.
Tuy đã được nhà khoa học Louis Paster xác định nguyên nhân và bắt đầu điều chế vắc xin để phòng chống từ năm 1885, bệnh dại vẫn đang làm cho từ 60.000 đến 70.000 người tử vong hàng năm. Trong đó có tới 80% nạn nhân ở châu Á.
Virus bệnh dại có thể lây truyền qua các vết cán của động vật
Nguyên nhân lây truyền bệnh dại
Virus bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn của động vật. Các động vật máu nóng là vật chủ yếu thích của virus bệnh dại. Trong đó nhiều nhất là loài chó, mèo, cáo, chồn... và các loài có vú khác. Tại Việt Nam, 96% - 97% bệnh nhân bị chó mang bệnh dại cắn, ngoài ra bị mèo hoặc các loài động vật khác cắn.
Bệnh dại cũng có thể lây truyền qua vết xước trên da, niêm mạc. Việc cấy ghép giác mạc của người bị bệnh dại cho người lành cũng có thể lây truyền bệnh dại. Các loài dơi cũng có thể lây truyền bệnh dại qua không khí. Tuy nhiên những điều này được xem là hiếm gặp.
Thời gian ủ bệnh và triệu chứng
Sau khi bị động vật cắn, virus bệnh dại sẽ theo các dây thần kinh tiến dần lên não. Tùy theo vị trí vết thương có gần não hay không, số lượng virus có nhiều hay không mà thời gian ủ bệnh khác nhau. Thông thường thời gian ủ bệnh là 10 ngày dến 3 tháng. Tuy có 1 vài trường hợp ủ bệnh dưới 1 tuần hoặc kéo dài đến 1 năm nhưng được coi là hiếm gặp. Sau khi virus đến não các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại mới trở nên rõ ràng. Khi đó khả năng tử vong của bệnh nhân lên đến 100%.
Các biểu hiện lâm sàng gồm các giai đoạn tiền triệu chứng như đau đầu, sốt, đau tại nơi virus xâm nhập....Giai đoạn viêm não trong đó bệnh nhân trở nên sợ ánh sáng, tiếng động, gió, bị mất ngủ, hạ huyết áp, vã mồ hôi, giãn đồng tử...
Bệnh nhân sẽ có khả năng bị thể viêm não hoặc thể liệt. Trong đó thể viêm não khiến bệnh nhân bị bồn chồn kích động lú lẫn. Thể liệt khiến bệnh nhân bị liệt tứ chi. Trong vòng 2-6 ngày, bệnh nhân sẽ bị tử vong chủ yếu do bị suy tim suy phổi, liệt các cơ hô hấp
Bệnh dại có thời gian ủ bệnh từ 10 ngày đến 3 tháng (Ảnh minh họa)
Điều trị và phòng bệnh
Cho đến nay ngành y tế vẫn chưa có khả năng điều trị sau khi bệnh đã phát ra. Tuy nhiên vẫn có thể phòng bệnh bằng cách chủng ngừa vắc xin cho vật nuôi và người bị phơi nhiễm virus.
Để phòng bệnh dại, người nuôi cần tăng cường quản lý vật nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh dại thường xuyên theo lịch của thú ý và quan tâm theo dõi các biểu hiện lạ của vật nuôi. Hạn chế để các động vật hoang dã tiếp xúc có thể bị cắn hoặc cào xước. Khi bị các động vật cắn nhất là các con vật có thể mang mầm bệnh dại như chó mèo...cần nhanh chóng sơ cứu vết thương, rửa vết thương nhiều lần bằng nước hoặc các dung dịch sát khuẩn. Sau đó đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh dại trong thời gian gần nhất.
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp tốt nhất đẻ phòng bệnh dại