Kết nối bạn đọc

Kỳ 101: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 25-05-2019 • Lượt xem: 11954
Kỳ 101: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Tôi sống trong cái thế giới đó đã không lấy gì làm phiền phức, trái lại còn thấy rất thích thú. Nếu bị bắt buộc xa rời cái thế giới sống động, quay cuồng đó để trở về với nếp sống bình lặng và đều đặn thì chắc tôi chịu không nổi. Tôi sợ nhất những buổi sáng thức dậy, khi trong căn phòng không có một ai, phía ngoài vũ trường thì vắng ngắt và êm ru bà rù, ngoài 2, 3 tên “đệ tử” đang thu dọn chiến trường để sửa soạn cho một buổi tối ì xèo âm thanh và ánh sáng.

Tôi đã quen với nề nếp như vậy, nên cảm thấy cô đơn kinh khủng, chỉ mong có bạn bè lui tới để tái dóc, nếu không cũng phóng chiếc Suzuki cà tàng đi giang hồ đây đó, không chịu giam mình trong sự vắng lặng. Cuộc sống về đêm đã trở nên quen thuộc, nên chẳng bao giờ nhắm mắt ngủ trước 2, 3 giờ đêm.

 

Sau một thời gian khai thác vũ trường Ritz, với thể đang lên mạnh mẽ, Jo Marcel bắt đầu đứng ra thực hiện những băng nhạc. Những băng nhạc – thời đó là những băng nhạc lớn “reel to reel” – mang nhãn hiệu Jo Marcel được coi là bán chạy nhất trong thời kỳ này với sự góp mặt của hầu hết những ca sĩ nổi tiếng. Đầu tiên phải kể đến là Lệ Thu với những nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi chị như “Nước Mắt Mùa Thu”, “Ngậm Ngùi”, vv... Giọng ca Lệ Thu trong thời gian này đã trở thành một giọng ca thần tượng, gây ra sự tranh giành mời hát độc quyền giữa vũ trường Ritz và vũ trường Tự Do của ông Ngô Văn Cường. Nhờ sự tiếp xúc thường xuyên nên Lệ Thu đã trở nên thân thiết với tôi qua những màn binh “sập xám” trong khi chờ đợi thu thanh hoặc trước khi bước ra sân khấu.Không những thế còn nhiều lần kéo về nhà Jo Marcel để “binh” với Nguyễn Long, Nam Lộc, Trần Đình Thục...

 

Ngoài Lệ Thu, những băng nhạc “Jo Marcel” có tiếng hát của  Julie cũng rất ăn khách, nhất là sau khi cô thành công lớn với nhạc phẩm “Mùa thu Chết” được khán giả yêu cầu mỗi đêm. Lúc đó Julie gần như đã chuyến hắn từ nhạc trẻ để bước qua lãnh vực vũ trường. Với một giọng ca truyền cảm, Julie cũng đã là một tên tuổi sáng chói trong những năm 69, 70. Về phía nam ca sĩ, sự khám phá ra Anh Khoa cũng đã góp phần vào sự thành công của những băng nhạc Jo Marcel. Jo thu thanh ngay tại vũ trường Ritz vào ban ngày với một dàn máy móc thô sơ. Nhưng nhờ tài khéo chế biến của anh, những micro và những máy móc cũ kỹ đó đã được sử dụng một cách tài tình, cộng với bộ phận “echo” do anh chế tạo đã mang lại cho những băng nhạc đó một âm thanh rõ ràng và khiến cho tiếng hát của người trình bày nổi bật. Trong việc sản xuất bằng nhạc, Nguyễn Long được Jo mời vào công tác. Và cũng nhờ đó tôi đã có dịp quen với người được bạn bè gọi thân mật là “Long Đất” và được báo chí Sài Gòn mệnh danh là “Thần Tượng Của Con Nít Và Mari Sến” qua những vai trò anh đảm nhiệm trong những vở kịch truyền hình và do những cuốn phim do anh thực hiện. Nếu nói đến một tay bụi đời, bất cần thiên hạ thì người đó phải là Long Đất. Nếu đề cập đến một tay ăn mặc lùi sùi, đi chiếc xe hơi không bao giờ chùi rửa, người ấy không khác hơn là ông bạn lớn tuổi Long Đất của tôi.

 

Gọi Long Đất là một hiện tượng cũng không có gì quá đáng vì anh khác biệt hoàn toàn với mọi người, và mọi người dù có cố gắng cũng không thể nào giống nổi anh, một người vạm vỡ như con trâu nước với một tính tình bình dị và phóng khoáng hết chỗ chê. Chính nhờ vậy mà anh là một trong những người có được nhiều sự quen biết nhất. Với tính bất cần đời, coi thiên hạ như pha, Long Đất có lần đã khiến tôi và Nam Lộc hoảng hồn. Mỗi lần cần tiền là Long Đất kiếm đủ trò để đánh cá với anh em. Bạn bè, thường kể là Long Đất rất... lười tiêu tiền, trái lại chỉ muốn kiếm thêm tiền cho đúng chỉ tiêu ấn định. Thí dụ, tháng đó anh cần 5.000, nhưng mới chỉ có được 4.000, thì bằng bất cứ cách nào anh cũng kiếm cho đủ để... bỏ nhà băng cho ăn chắc.

 

Lệ Thu và Anh Khoa

 

Trong thời kỳ phong trào Hippy lên cao, những tệ đoan của xã hội thường được nhắc đến là cần sa, ma túy và “bề hội đồng”. Tất cả những tệ đoạn đó đều được gán ghép cho phong trào Hippy. Chỉ tại Hippy mới đẻ ra những trò ma mãnh này. Nói vậy oan cho Hippy quá sức. Đó chỉ là một diễn tiến trùng hợp, khi xã hội trong những thập niên 60, 70 đang có những xáo trộn nặng nề về mọi mặt, để những tệ đoan đã có sẵn được dịp bùng phát lên đúng vào thời kỳ phong trào Hippy ra đời, do sự phát triển mạnh mẽ về âm nhạc – thường được gọi là nhạc trẻ – trong giới thanh thiếu niên. Họ dùng âm nhạc để nói lên những khát vọng của mình, để nói lên sự phẫn nộ đối với cuộc sống đầy giả dối. Và nhất là để bộc lộ được quan niệm của mình trước những sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Âm nhạc đã khai sinh ra Hippy, mà hoàn toàn không do những tệ đoan đề cập ở trên. Một lần nữa cần phải nhắc lại đó chỉ là một sự diễn tiến trùng hợp trong xã hội. Dĩ nhiên không thể chối cãi là có những Hippies – trên khắp thế giới cũng như tại Việt Nam – dính dấp tới những tệ đoan nói trên. Nhưng không phải những ai hút sách, nghiện ngập hoặc làm những chuyện tồi bại đều là Hippies. Hoặc ngược lại, không phải Hippies nào cũng liên quan đến những tệ đoan nói trên.

 

Ngoài những màn mơ mộng lẩm cẩm, những màn triết lý... vụn, tuổi trẻ thường có tính tò mò và thích làm... người lớn. Rất ít người thoát khỏi những màn này. Đó là thời tuổi trẻ của những thập niên 60, 70. Với tuổi trẻ hiện nay ở hải ngoại, những mơ mộng lấn thẩn, những tán tỉnh lỉnh kỉnh gần như không còn chỗ đứng. Thơ tình đã được thay thế bằng e-mail nhanh như chớp. Bấm một phát là nàng nhận được ngay tút suỵt, chả cần phải gò lưng ra nắn nót những hàng chữ rồng bay phượng múa, nghĩ nát óc mới nhớ ra những câu thơ mùi mẫn của các đấng thi sĩ tiền chiến để thêm thắt vào cho có mùi, có vị. Không phải lén lút, phập phồng để được cùng nàng tỉ tê tâm sự vì đã có “hand phone” hỗ trợ. Bấm vài số đã được nghe giọng nàng bên kia đầu dây ỏn ẻn trả lời. Nàng quên không mở máy, cứ nhắn vào “voice mail” sau đó sẽ được nàng gọi lại tức thì, trừ khi nào nàng muốn né, cảm thấy phiền phức, tức là , cố ý cho ta “de”. Trước kia hiếm có gia đình nào có điện thoại.

 

Nếu có, khi gọi lại cũng hồi hộp thấy bà, chả may nghe cái giọng ồm ồm của “khứa lão” nàng là a-lê-hấp, cúp máy ngay tức thì. Trong lòng băn khoăn tự hỏi không biết lúc đó nàng đang làm cái trò gì mà không nhanh nhẹn bắt phone. Hay là nàng đã “đổi trắng thay đen” khiến ta phải “hận kẻ bạc tình” để trở thành “người yêu

cô đơn”.

(còn tiếp)