Kết nối bạn đọc

Kỳ 106: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 30-05-2019 • Lượt xem: 8986
Kỳ 106: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Khi tỉnh dậy tôi thấy Nô ngủ mê man trên chiếc giường bên cạnh, trong phòng chỉ còn nghe tiếng máy lạnh chạy sè sè trong khi đèn vẫn bật sáng. Mồ hôi tôi toát ra như tắm. Tôi sợ hãi, rất sợ hãi và mệt mỏi vô cùng, không muốn mình tan biến đi một lần nữa. Sau đó nghe Nô kể lại, tôi đã la hét và cười ầm ĩ trong thời gian tôi làm một chuyến viễn du.

Nhưng tôi chỉ trở về với thực tại trong một thời gian rất ngắn ngủi, chí chừng vài ba phút, với một đầu óc chập chờn nửa tỉnh nửa mê, trong khi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ướt đẫm cả lưng. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tôi quyết tâm giữ cho tinh thần được tỉnh táo để khỏi phải “viễn du” một lần nữa. Cùng một lúc hối hận đã dại dột nốc cả một viên LSD do lòng tự ái hão và muốn anh với người bạn Hoa Kỳ. Nhưng rồi, những tiếng o 0, u u lại từ đâu vọng lại. Sự cuốn hút lại đang kéo đến từ một chốn âm u, huyền bí nào đó. Tôi sợ hãi đến tột độ vì nếu bị cuốn vào một cuộc viễn du nữa, không biết còn có cơ hội trở về với thực tại nữa không, hay là phải làm một cuộc hành trình... “one way”, một đi không trở lại. Tôi ở trong tình trạng “nhất chín nhì bù”, biết chắc không thế nào cưỡng lại sức mạnh của viên LSD bé tí teo.

 

Tôi chưa muốn xa cuộc đời còn rất đẹp với tuổi trẻ của tôi. Tôi nhớ đến gia đình, bạn bè cùng đào địch đã mang lại cho tôi một thời kỳ hoa niên tuyệt đẹp. Tôi còn rất muốn sống, do đó không thể chấp nhận được một chuyến du lịch... một chiều rất có thể xảy ra. Không bao giờ và không bao giờ. Do một sự thúc đẩy từ trong tiềm thức, tôi đã hét lên trong khi ôm chặt lấy Nô, lúc đó chắc cũng đang e ngại cho ông thầy không biết mắc phải chứng bệnh quái đản gì, hoặc nếu không cũng là lên cơn điên, cơn khùng một cách đột xuất: “Nô ơi, Nô ơi! Mày giữ tạo lại đi, tao không muốn đi nữa đâu Nô!” Và rồi chữ “Nô” sau cùng lại trở thành những tiếng oang oang kéo dài đến vô tận. Tôi thấy vòng tay mình lỏng dần, cả thân thể nhũn ra và chảy xuống trở thành một khối bầy nhầy như phún thạch.

 

Tôi lại đã đi vào một thế giới khác. Lần này sau một tiếng nổ kinh hồn, tôi thấy đầu óc mình có vô số những sợi dây thần kinh mầu xanh lân tinh phát ra những tiếng ti ti, tách tách, chạy qua chạy lại chẳng chịt và co giật từng hồi. Sau đó tất cả những giây mầu xanh đó qui tụ về một điểm ở giữa trán, hợp thành một khối tròn xanh lè và sáng rực. Khối tròn đó như xoáy cả những sợi thần kinh ở vùng thái dương vào một trung tâm điểm tạo thành một sự căng thẳng tột cùng để cuối cùng kết thúc bằng một tiếng nổ đinh tai nhức óc, khiến đầu óc tôi nổ tung thành những mảnh vụn. Tôi đã chết rồi, đã từ giã cuộc đời để đi vào một thế giới mới lạ chưa bao giờ tưởng tượng ra. Đó là một thế giới mà ngôn ngữ trần gian chưa có khả năng diễn tả, cùng lắm chỉ giới hạn ở những từ “thần tiên” hay “tuyệt diệu”. Trí tưởng tượng dù có phong phú cách mấy cũng không thể nào vẽ ra được một thế giới như vậy. Trong ánh sáng rực rỡ đủ mầu bao trùm bởi những âm thanh thánh thót, trên một thảm đủ loại hoa chạy dài đến vô tận, mọi người cầm tay nhau ca hát, chuyện trò thân mật. Trong thế giới đó mọi người nhìn thấu được tâm tư nhau để biết rằng hận thù đã không còn chỗ đứng. Nhỏ nhen, tranh giành và cố chấp đã đi chỗ khác chơi. Tị hiềm và ích kỷ không còn có mặt.

 

Sau này tôi tự hỏi, phải chăng những lời trong bài hát “Kinh Hòa Bình” mà tôi rất thích, ẩn tàng trong tiềm thức đã có cơ hội bùng dậy: “Lạy Chúa xin hãy dạy con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu... Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu...”. Những hàng chữ khắc trên cái gạt tàn thuốc ở văn phòng bố tôi trên đường Gia Long cũng hiện ra mồn một. Đó là lời Phật dạy: “Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan. Lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng”. Hàng chữ này đã khắc sâu trong tâm khảm tôi vì ngày nào cũng nhìn thấy khi có một thời gian sau khi tan lớp vào buổi trưa, tôi vẫn từ trường Taberd đi lại văn phòng của bố tôi để được chở về nhà ăn cơm và ngủ trưa.

 

Tôi đã được sống những giây phút thần tiên trong cái thế giới ảo tưởng đó trong một thời gian khá dài vì đến khi tỉnh dậy trong một trạng thái mỏi mệt, nước bọt sùi ra đầy hai bên mép thì thấy trời đã sáng. Sức mạnh của viên LSD đã tiêu tan. Tôi biết rằng tôi đã từ một thế giới ảo tưởng để trở về với thực tại. Tôi uể oải cố vươn vai leo xuống giường. Nhưng tôi đứng không vững vì chân tay run lẩy bẩy, phải cố sức bám men theo thành giường để vào phòng vệ sinh. Tôi đã lấy lại được một phần tỉnh táo sau khi lấy nước vục lên mặt, nhưng vẫn còn lảo đảo bước ra ngoài để rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế ở bàn làm việc. Trong khi đó mọi vật chung quanh đều thay hình đổi dạng dưới mắt tôi. Bàn, ghế như dài hẳn ra, trần nhà thì cao hun hút như được chụp hình với ống kính “fish eyes”. Thì ra ảnh hưởng của viên thuốc LSD vẫn tác dụng nơi tôi để tạo thành những ảo giác. Đến 3, 4 ngày sau tình trạng đó mới dần dần biến mất.

 

Trong thời gian đó tinh thần tôi trở nên bạc nhược vô cùng, với một tứ chi “rã rời cành huê”, không thiết làm một việc gì. Ngay cả việc nhấc điện thoại để trả lời cũng chẳng thiết, mặc dù là cú điện thoại đó là của một chị đào yêu dấu. Tôi nghĩ thầm, tình trạng đó cứ kéo dài không biết sẽ ra sao. Jo Marcel thấy tình trạng tiều tụy của tôi cũng đâm ra lo ngại, sợ ông bạn mình chả may được... hưởng dương thì rất ư là phiền toái. Jo đề nghị với tôi trở về nhà tĩnh dưỡng, nhất là có được sự săn sóc của gia đình. Ở đây trơ trọi một mình giữa đêm hôm khuya khoắt, chẳng may lạng quạng ra đi bất tử sẽ chẳng ai hay biết. Nhưng không, không đời nào tôi trở về nhà với một cái thân tàn, ma dại như thế này. Đã mang tiếng đi làm ăn, đi làm báo bố; bây giờ vác xác về báo hại gia đình thì còn mặt mũi nào. Hơn nữa biết được ảnh hưởng của LSD cũng sẽ nhạt dần, nên tôi cố gắng chịu đựng để thoát cơn bỉ cực. Qua gần một tuần sau, tôi mới trở lại tình trạng bình thường.

(còn tiếp)