Kết nối bạn đọc

Kỳ 108: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 31-05-2019 • Lượt xem: 8437
Kỳ 108: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Cuối cùng cả bọn nghĩ ra được một câu chuyện rất là sơ sài, giản dị, chỉ cần một vai nam, một vai nữ là xong. Đại khái cốt truyện như thế này: một chị Việt Nam du học từ Pháp về thăm quê hương, gặp một anh đực rựa. Anh này  đóng vai trò “hướng dẫn viên du lịch” đưa chị ấy đi thăm Sài Gòn về đêm cho biết sự tình. Gần gũi một thời gian, hai anh chị có cảm tình với nhau, nhưng chưa có gì sâu đậm thì chị du học sinh đã phải trở về xứ “phú-lang-sa” tiếp tục việc dùi mài kinh sử.

Dĩ nhiên khi chị đào về Tây, anh kép bắt buộc phải tiễn chân ra tận phi trường Tân Sơn Nhất, nắm tay nắm chân vài quả cho có vẻ éo le, gay cấn. Chị bước vào phi trường, anh lái xe buồn bã, lừ đừ ra về, thế là xong. Câu chuyện chấm dứt ở đấy, chuyện tình giữa hai anh chị sau đó muốn ra sao thì ra, các “chuyên gia điện ảnh” cóc thèm biết tới. Câu chuyện giản dị như vậy sẽ được xen kẽ với những màn trình diễn sống động và ỏm tỏi của các ban nhạc trẻ.

 

Thế là xong. Cốt truyện, ca sĩ, ban nhạc và địa điểm đã được giải quyết ngon lành. Chỉ còn một vấn đề rất quan trọng là tài tử. Và phải là tài tử cây nhà lá vườn, tức tài tử “chùa” – hoặc là “tượng trưng chút đỉnh” – mới thích hợp với cái ngân sách rất là khiêm nhượng của nhóm Jo Marcel. Bạn bè thì đông đảo, quen biết cũng rậm đám, nhưng đến lúc phải tuyển lựa tài tử mới thấy thật là khó khăn. Thiếu gì các nàng đào tơ mơn mởn, ăn diện tung trời, mặt mày xinh xắn. Nhưng khổ nỗi tất cả còn đang trong tuổi cắp sách đến trường. Đi đóng “xi-la-ma” thời đó đối với các bậc phụ huynh học sinh còn là điều gần như cấm kỵ với quan niệm con gái đi đóng phim dễ bị hư hỏng, không phải là con nhà gia giáo. Ngỏ lời với vài bậc phụ huynh đề bị lắc đầu quây quậy, nhất quyết chối từ. Không có “xi-la-ma”, “xi-la-miếc” gì hết trơn. Đang hồi kẹt đạn, chợt nghĩ tới cô bạn thân Minh Lý. Cô này mà đóng phim thì bảo đảm khỏi nói. Vừa đẹp, vừa xinh, vừa vui vẻ trẻ trung không ai bằng, ăn diện cũng khỏi chê. Tôi hỏi ý kiến Jo và thu xếp một buổi gặp gỡ để Jo coi giò, coi cẳng.

 

 

Lần đầu gặp Minh Lý, Jo đã hài lòng ngay trong khi Minh Lý chưa hề biết ý định mời cô đóng phim của chúng tôi. Sau lần gặp Jo, tôi đưa ra đề nghị và được Minh Lý bằng lòng tức thì. Chỉ còn một điều trở ngại là sự ưng thuận của “ghế mẫu” của cô. Nhờ được sự tin cậy của thân mẫu cô sau những lần đến nhà chơi với những “lễ nghi quân cách” đâu ra đó, bằng một bộ mặt rất mực hiền lành, chất phác và mộc mạc nên tôi tin tưởng sẽ được bà cụ nhận lời cho Minh Lý đi đóng tuồng. Để thêm phần trình trọng, tôi đã rủ ông giám đốc hãng phim là Jo Marcel đi cùng. Có tiếng nói của hai người sẽ dễ dàng chiêu dụ được cụ bà. Jo hôm đó mặc “com lê - cà vạt” đàng hoàng, đóng một vai rất đứng đắn, quan trọng, lái xế DS 21 đen nhánh đậu xịch trước căn nhà trong hẻm Hầm Sỏi, đường Huỳnh Tịnh Của rất bảnh choẹ khiến con nít trong xóm bu lại coi đông phải biết. Vẻ trịnh trọng của cuộc viếng thăm đã được Minh Lý thông báo trước, ít nhiều cũng có ảnh hưởng về mặt tâm lý nên cuộc thảo luận đã được diễn ra một cách tốt đẹp. Đúng như tôi tiên đoán, với tính tình vui vẻ và cởi mở cộng với sự cưng chiều cô con gái xinh đẹp, bà cụ đã chấp thuận ngay nhưng không quên dặn dò là tránh những màn hở hang, những vụ hôn hít, Jo Marcel và tôi gân cổ lên “ga-răng-ti” với bà sẽ không bao giờ có chuyện tầm bậy tầm bị như vậy đối với một cốt truyện rất ư lành mạnh, nhẹ nhàng, nên thơ không ai bằng. Minh Lý ngồi cạnh mẹ nở một nụ cười mãn nguyện khi được mẹ bằng lòng. Tôi và Jo ra về thơ thới hân hoan vì đã tìm ra một vai nữ thích hợp với truyện phim. Bây giờ qua đến vai nam. Đực rựa thì thiếu đống gì, nhưng tìm được một anh cao 1 thước 65 - thước 70 trở lên đâu phải chuyện dễ.

 

Điểm qua, điểm lại tron bạn bè mãi mới lòi ra ông bạn Đan Thành, cậu cả của nhạc sĩ ĐanThọ. Ông này cao ráo, sáng sủa, đeo kính trắng với một tướng tá không đến nỗi cù lần. Ông ấy lại chơi một chiếc xe hơi - Subaru lùn xủn, thế mới hách. Chiếc xe Subaru của ông ban Đan Thành đã có một thời nổi tiếng trong đám sinh viên kiến trúc là nơi ông ấy theo học. Thời đó, anh sinh viên nào có xế hộp là hách hết sức, nhất là cái xế hộp đó lại không giống ai như chiếc Subaru thấp lè tè với hai chỗ ngồi của ông bạn Đan Thành. Nó đã gây được nhiều sự chú ý trên các đường phố Sài Gòn không phải là ít. Và cũng chính nhờ nó mà ông bạn Đan Thành đã hết sức hồ hởi và phấn khởi trong việc chinh phục đào địch. Trước đó một thời gian, Elvis Phương cũng gây chú ý không kém với chiếc Vélo Solex sơn mầu xám khác người, với mái tóc chải “brillantine” bóng loáng, lạng qua lạng lại trước của trường Marie Curie. Ông bạn Đức Huy cũng không kém phần “gồ ghế” với một chiếc xe máy Honda 90cc, từng một thời làm lác mắt anh em khi lượn tới, lượn lui trên đường phố Sài Gòn. Và Đan Thành khi nghe đề nghị mời đóng tuồng của chúng tôi đã dẫy lên đành đạch, “em chả! em chả!”. Nhưng sau khi được anh em bốc thơm vài phùa, ca ngợi ông ấy giống như tài tử chính hiệu, ông ấy cũng dần dần xuôi theo. Có tướng tá cao ráo, bộ mặt bảnh trai cộng với một vẻ trí thức thế kia mà không đi đóng phim cũng uổng. Dịp may không đến hai lần, bỏ lỡ qua dịp này sẽ chẳng bao giờ có thể xuất hiện trên màn ảnh nhớn! Đan Thành xuôi tai và sau đó nhận lời.

Và cũng đúng như tôi tiên đoán, ban nhạc trẻ nào nhận được lời mời cũng rất hung hăng, hăng hái và hùng hổ đáp ứng. Không bạn nào ỏn ẻn yêu cầu một tí tiền còm, dù là tiền đổ xăng độ nhớt. The Peanuts Company, The Hammers, The Enterprise, Phượng Hoàng, The Apple Three, The Cat’s Trio đều ra sức trau dồi và trau chuốt chờ ngày xuất hiện trước ống kính thu hình của chiếc máy hiệu Arriflex 16mm cũ mèm. Jo đã mầy mò đi mua lại chiếc máy thuộc loại phế thải này ở những sạp bán đồ cũ trong Chợ Lớn, cộng thêm với một số đồ phụ tùng bán ở những tiệm “lạt soong” của mấy ông Tầu. Chả biết Jo mầy mò thế nào mà chế được một ống kính mà anh gọi là “ống kính cinémascope” gắn ngay trước ống kính của cái máy Arriflex đời bành tổ. Anh khoái chí, lúc nào cũng cười tồ tồ về sáng kiến độc đáo của mình.

(còn tiếp)