Kết nối bạn đọc

Kỳ 109: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 01-06-2019 • Lượt xem: 9473
Kỳ 109: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Tên phim được đặt là “Thế Giới Nhạc Trẻ”, kêu và nổ không chịu được. Nhiệm vụ được chia như sau: Jo Marcel làm nhà sản xuất, kiêm đạo diễn, kiêm luôn cả cameraman. Tôi được giao phó nhiệm vụ làm phụ tá đạo diễn, kiêm luôn giám đốc nhiếp ảnh, kiêm luôn phần viết đối thoại. Nam Lộc rất thích hợp với vai trò quản lý phim trường, đôn đốc tài tử và anh em phụ diễn kiêm luôn chuyên viên giao tế với các chủ nhân phòng trà, vũ trường và địa điểm quay phim. Còn Như An – vợ thứ nhì của Jo – dĩ nhiên được giao phận sự quản lý tiền bạc, thu chi và làm “script girl”.

Anh em ta tự phong chức tước cho nhau xôm tụ không chịu được. Tên nào tên nấy sướng phồng cả mũi, cảm tưởng như mình đang ở... Hollywood! Đoàn quay phim rầm rộ ra phết, xe cộ linh đình chuyên chở diễn viên, chuyên viên. Các anh chị em đi theo chầu rìa xem đoàn quay phim tài tử - lơ mơ về điện ảnh cũng lên tới cả chục mạng, vỗ tay, la hét cười cợt ầm ĩ vô cùng. Thời gian thực hiện phim “Thế Giới Nhạc trẻ” kéo dài khoảng một tháng sau khi quay ngoại cảnh ở bãi sau Vũng Tầu, ở quán Con Nai Vàng Ngơ Ngác cùng các vũ trường Ritz, Tự Do, Eve (do ban tam ca Ba Trái Táo khai thác). Minh Lý quả thật có năng khiếu về điện ảnh, sau khi bỡ ngỡ ở vài buổi quay đầu tỏ ra rất tự tin trong những buổi quay sau để Jo bảo sao làm y như vậy. Còn Đan Thành, bị anh em đi theo chọc ghẹo ầm ĩ nên có ngượng ngập, tính bỏ cuộc mấy lần. Nhưng sau đó được anh em khuyến khích và... năn nỉ vì chỉ sợ ông ấy bỏ ngang xương, không biết đường nào kiếm được người thay thế sau khi đã quay được khá nhiều. Cảnh cuối cùng là cảnh anh em hồi hộp nhất vì đòi hỏi một chút diễn xuất. Chàng tiễn nàng ra tận phi trường Tân Sơn Nhất, nàng bước xuống xe bịn rịn trong khi chàng tỏ vẻ xúc động phải diễn xuất sao cho đạt mới được. Cứ đứng đơ ra như tượng để sau đó chào từ giã thì chán mớ đời. Phải có tí nắm tay, phải có tí tia mắt nhìn long lanh, nửa đi nửa ở bồi hồi mới đúng điệu.

 

Đây là cảnh “ending” ăn tiền nhất trong phim mà diễn ấm ớ sẽ hỏng kiểu. Quay đi quay lại cảnh này đến hơn 10 lần mới xong, khiến anh em thở phào nhẹ nhõm. Ngoài những cảnh rộn rã nơi phòng trà, vũ trường với những màn trình diễn ca nhạc cùng hình ảnh của Đan Thành và Minh Lý dẫn nhau đến những nơi này, đến lúc ráp nối cảnh chia tay ở phần cuối khi Minh Lý lên đường về Tây, ĐanThành đứng tần ngần nhìn theo cùng với hình ảnh một chiếc máy bay ở trên cao trong khi Jo Marcel cất tiếng hát nhạc phẩm “Merci  Chérie”, do tôi soạn lời Việt dưới tựa đề “Cám Ơn Người Yêu Dấu”, tôi thật sự thấy lòng mình có một chút xốn xang. Đây là cảnh dễ cảm xúc nơi mọi người, mặc dù chỉ là màn diễn xuất của hai tài tử rất... tài tử.

 

 

Làm phim xong rồi, bắt buộc phải có rạp chiếu, không lẽ cứ rủ anh em, bạn bè tới nhà chiều cho coi “chùa” để khoe và nổ về tác phẩm của mình coi bộ không khá. Cũng nhờ quên biết với chủ rạp Eden nên Jo đã điều đình rạp này cho chiếu “độc quyền” trong hai tuần lễ. Bắt buộc phải chiếu “độc quyền” vì lấy đâu ra “copy” hứ nhì để chiếu tại một rạp khác. Khi chấp nhận việc cho chiếu Phim “Thế Giới Nhạc Trẻ”, ông chủ rạp Eden quả đã có một tinh thần cách mạng cao độ. Trước đó rạp của ông chỉ chuyên trình chiếu những phim Tây, phim Huê Kỳ cỡ lớn hoặc một vài cuốn phim của Việt Nam thuộc giới nhà nghề. Chấp nhận cho chiếu một cuốn phim thuộc loại vớ vẩn như vậy thì phần thu nhập cá mòi quá bấp bênh, thế mà chẳng biết Jo Marcel chiêu dụ ra sao mà ông ấy lại nhận lời một cách vui vẻ. Cả bọn mừng hết lớn khi nghe tin cuốn phim của nhóm được trình chiếu tại một rạp “xi-la-ma” cỡ lớn và nổi tiếng tại Sài Gòn. Nếu điều đình không xong với Eden, chắc là “Thế Giới Nhạc Trẻ” may mắn lắm mới chui được vào những rạp như Long Phụng, Vườn Lài hoặc Cao Đồng Hưng để tranh tài cao thấp với những “Hoàng Tử Sinbad”, “Sữa Rừng Thay Sữa Mẹ” hay “Chồng Người Vợ Rắn” trong sự cổ vũ nồng nhiệt của quý vị khán giả nhi đồng và “mari sến”!

 

 

Trước khi chính thức trình chiếu, phe ta cũng tổ chức một buổi ra mắt, ra mũi quan khách và báo chí linh đình tại Ritz. Anh em quen biết cả, nhờ bốc thơm cho mấy quả đâu có gì là khó, Thế là các trang Tân Nhạc - Kịch Trường hay Điện Ảnh do các ký giả quen biết phụ trách đã có nhiều bài viết rất ưu ái với “Thế Giới Nhạc Trẻ”. Nhờ được nhắc nhở tới khá nhiều nên ngày đầu tiên trình chiếu đã có sự tham dự của đông đảo khán giả, đại đa số là Các cô cậu choai choai, trong số không thiếu những nữ sinh mặc áo dài trắng... “cúp cua” đi coi “xi-la-ma”. Ngày đầu trình chiểu, có tất cả 3 lần đứt phim trước tiếng huýt sáo và la ó ôm tỏi như đối với bất cứ sự đứt phim nào khác. Mỗi lần như vậy lại mất đi một đoạn. Cho đến ngày cuối cùng - với một số khán giả vẫn còn đầy rạp-thì tôi có cảm tưởng cuốn phim đã bị đứt đoạn khá nhiều. Chỉ có một “copy” duy nhất nên đành chịu, cứ đứt phim đến đâu, cắt bớt đi đến đấy rồi hạ hồi phân giải.

 

Khi thu hồi mấy bành phim trở về nhà kiểm điểm, chính tôi đã cảm thấy có một sự tơi tả và rã rời cành huế rõ rệt với những vết trầy sướt tùm lum. Nhưng thây kệ, phải ăn mừng trước sự thành công chẳng ai ngờ này trước đã. Tài tử, chuyên viên, thân hữu được đãi đằng phủ phê. Ông Đan Thành hình như đã mang một “sì-tin”, tài tử thứ thiệt hẳn lên. Cô Minh Lý hình như cũng cảm thấy con đường trở thành một “vedette” không bao xa. Chỉ xuất hiện trong những cảnh ngắn gọn xen kẽ với những màn trình diễn nhạc trẻ mà khi coi lại cũng thấy có tình tiết ra phết. Đoạn cuối tiễn em nơi phi trường mới lâm ly, ướt át, não nề và bi đát làm sao khiến nhiều người liên tưởng đến bài hát “Adieu, Jolie Candy” nói về lần đưa tiễn ở phi trường Orly của một anh Tây với một chị người xứ Hồng Mao, lên đường trở về Anh Quốc sau một thời gian... giao lưu trên đất Pháp. Anh em ai nấy đều lên tinh thần, tưởng chừng đã trở thành những tay làm điện ảnh cỡ lớn, sắp được Hollywood mời qua làm vài siêu phẩm điện ảnh đại vỹ tuyến.

(còn tiếp)