Kết nối bạn đọc

Kỳ 110: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 03-06-2019 • Lượt xem: 9595
Kỳ 110: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sau khi chia chác nhau, mỗi anh trong nhóm cũng được chút đỉnh dằn túi để thấy đời lên hương lạ thường. Còn cuốn phim bây giờ tính sao? Chả lẽ để ở nhà... thờ! Phải kiếm cách khai thác thêm, được đồng nào hay đồng nấy. Nhưng nhìn những bành phim tơi tả nằm trong xó, chúng tôi nghĩ rằng chẳng có ma nào thèm mua lại làm gì. Ấy thế mà Jo cũng mối lái được với một công ty phim ảnh có tên là Bốn Phương, chuyên mua lại phim cũ để mang đi chiếu tại các tỉnh.

Tưởng đã không còn khai thác được gì nơi cuốn phim đã rách bươm, ai ngờ lại còn có cơ hội kiếm thêm được chút cháo, phe ta mừng như mở cờ. Dù bán đứt với một một cái giá rẻ mạt, nhưng có còn hơn không. Ông Bốn Phương xách ngay mấy bành phim đi xuống miền Tây để chiếu tại các tỉnh Long Xuyên, Cân Thơ, Sa Đéc, Mỹ Tho. Khoảng hai tháng sau ông trở về báo cáo cho biết là cuốn phim rất được giới trẻ hoan nghênh. Nhưng kẹt một nỗi là cứ sau chừng vài ngày chiếu thì cuốn phim biến đi nhiều khúc lẻ tẻ vì thỉnh thoảng bị đứt. Nối lại thì không tránh khỏi vị mất mát. Kết quả theo ông cho biết là những xuất chiêu cuối cùng chỉ còn lại hơn một nửa chiều dài của cuốn phim, khiến khán gỉa đang từ đoạn này nhảy qua đoạn khác một cách rất đột xuất. Nhưng là một phim về nhạc trẻ, nên cứ thấy ban nhạc và ca sĩ hát đùng đùng, múa may quay cuồng là vui rồi.

 

 Anh em hung hăng con bọ xít, đề nghị Jo làm thêm một cuốn phim khác,  nhưng vì bận bịu với việc khai thác vũ trường và thực hiện băng nhạc nên anh chưa nghĩ tới việc làm phim trong lúc đó. Tuy nhiên là một người mê điện ảnh, Jo cho biết chắc chắn sẽ làm một cuốn phim khác, và phải làm cho xôm, cho ra trò chứ không có tình trạng lèm bèm và quá ư thủ công nghệ như “Thế Giới Nhạc Trẻ” và nữ tài tử chính trong cuốn phim sau không ai khác hơn là Minh Lý, lúc đó đã khiến Jo Marcel “chịu đèn” quá cỡ, tuy nhiên chưa ra mặt vì luôn có sự hiện diện của Như An trong những buổi quay phim.

 

Vũ trường Ritz vẫn lôi cuốn được số khách đến tham dự trong năm 70, cũng như những chương trình “Hippies A GoGo” vẫn còn đắt khách. Trong khi đó những băng nhạc của Jo Marcel vẫn dẫn đầu những cuốn băng nhạc khác về số bán. Tôi sống trong những sinh hoạt đó một cách rất thú vị nhờ ở sự giao tiếp với hầu hết các nghệ sĩ, các tay viết báo trong căn phòng đã ghi lại rất nhiều kỷ niệm. Cũng từ căn phòng đó tôi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của một đời người mang kiếp cầm ca, cũng như được nghe rất nhiều mẩu chuyện diễn ra sau hậu trường sân khấu. Càng ngày tôi càng thấy rõ hơn mặt phải và mặt trái của những người sống bằng nghề mua vui cho thiên hạ. Những chuyện vui cũng nhiều, những chuyện buồn cũng không phải ít. Những chuyện tử tế cũng có, những chuyện không mấy đẹp cũng không phải không nhiều. Tất cả kết tụ lại thành một cuộc sống đầy phức tạp, không phải là giản dị như nhìn vào từ phía ngoài, được che lấp bởi hào quang của ánh sáng và bằng sự rộn rã của âm thanh.

 

Nhiều lúc tôi cũng thấy chán chường cho cuộc đời nghệ sĩ, chỉ vì cái nghiệp đã bám vào thân nên luôn phải níu lấy sân khấu, bám lấy ánh đèn. Tôi đã chứng kiến cảnh một số nghệ sĩ cải lương về già, tên tuổi đã xuống, không còn “ăn khách” như một thuở đã qua. Họ chỉ cần xin làm một chân kéo màn hay một chân chiếu đèn trong đoàn hát cũng đủ để họ được an ủi phần nào. Sân khấu quả  thật đã có một sức lôi cuốn kỳ lạ đối với những người một đời sống cho nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ tân nhạc cũng từng tâm sự với tôi về cái nghiệp họ đã đeo đuổi. Rất nhiều lúc họ đã chán nản khi va chạm với những thực tế phũ phàng mà trước kia không nghĩ là có thế xấy ra đối với những đồng nghiệp. Có những trường hợp họ đã bật khóc khi bị khán giả tỏ vẻ thờ ơ, lạnh nhạt. Những giọt nước mắt tủi thân đã chảy xuống khi nghĩ đến một mai sẽ bị khán giả lãng quên. Những sự chán chường tuyệt vọng ấy thật sự chỉ xảy ra một cách nhất thời. Gần như mọi người đều cho rằng, một khi đã có cơ hội đến với khán giả, bước lên bục gỗ và được chiếu sáng bởi những ánh đèn lộng lẫy, người nghệ sĩ rất khó lòng dứt bỏ để cho rằng đã mang cái nghiệp vào thân nên phải theo tới cùng. Có những người từng tuyên bố sẽ rút lui khi đến một số tuổi nào đó để giữ một hình ảnh đẹp trong lòng khán giả. Nhưng thử hỏi đã có mấy người thực hiện được điều đó?

 

Từ sự chán chường sau khi đã chứng kiến những gì liên quan đến giới nghệ sĩ xẩy ra ở phía sau sân khấu, sau những giờ vũ trường đóng cửa, tôi có ý định tìm một nơi để sống riêng biệt hầu có được một cuộc sống riêng tư. Tôi mang ý định của mình nói với Jo. Anh tỏ ý ngạc nhiên khi được biết như vậy. Đang ngon lành, được ở chùa, có “đệ tử” phục dịch mà không chịu thì đúng là gàn bát sách. Cuối cùng Jo cũng chiều ý tôi để cho ra “ở riêng”, tuy nhiên vẫn phụ trách chương trình Hippies À GoGo hàng tuần ở Ritz như thường lệ. Và cũng phải thú thật rằng sau hơn 3 năm tổ chức liên tục và đều đặn, tôi bắt đầu thấy nhàm chán, không còn tha thiết gì mấy với việc đứng lên sân khấu giới thiệu chương trình. Giới thiệu đi, giới thiệu lại mãi cũng chỉ quanh đi quẩn lại có độ hơn hai chục ban nhạc. Giới thiệu mãi cũng nhàm nên ra sức “bán cái” cho ban nhạc để tự làm lấy việc này, trong khi lui vào một góc tán dóc với bạn bè. Ngoài ra hình thức tổ chức nhạc trẻ vào những ngày cuối tuần cũng bắt đầu lan ra một số địa điểm khác. Mất đi cái giá trị của một sự “độc quyền” nên cũng không còn lấy gì làm thú vị. Trong thời gian này ở vũ trường Queen Bee cũng đã có một chương trình nhạc trẻ do Kỳ Phát thực hiện trong khi chương trình ca nhạc ban đêm tại đây do nhạc sĩ Ngọc Chánh đứng ra khai thác với ban nhạc The Shotguns của anh.

 

Mặc dù được coi là một sự “cạnh tranh” về phương diện tổ chức nhạc trẻ, nhưng giữa Kỳ Phát và tôi không hề xảy ra một sự tranh chấp nào, trái lại còn bổ sung và giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi gặp phải những khó khăn như “kẹt ban nhạc, ban nhạc tới trễ hoặc làm eo làm sách. So với hơn hai năm trước đó, tính cách tài tử nơi các ban nhạc trẻ đã mất dần vì sự hiện diện càng ngày càng đông đảo của các clubs Mỹ ở Sài Gòn và vùng phụ cận cùng với một số rất nhiều “sờ nách ba”. Vấn đề tiền bạc đã được đặt ra một cách rất nghiêm chỉnh, không còn màn “chơi chùa, chơi miễu” cốt chỉ lấy vui như trước. Không những không xấy ra những tranh chấp trong việc tổ chức, Kỳ Phát và tôi sau đó đã trở thành hai anh em thân thiết. Kỳ Phát là người vàng bước vào “nghề” nhạc trẻ sau anh em chúng tôi: Trường Kỳ, Jo Marcel, Nam Lộc, Tùng Giang, cho đến nay vẫn tiếp tục bị cái nghiệp dĩ nó đeo đẳng.

(còn tiếp)