Kết nối bạn đọc

Kỳ 111: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 04-06-2019 • Lượt xem: 12138
Kỳ 111: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Qua những lần đi giang hồ đây đó với “tài tử” Đan Thành, tôi được anh giới thiệu với chủ nhân khách sạn Bồng Lai tên Quang – tục gọi là “Quang Mập”, là người học cùng trường kiến trúc với anh. Quang Mập hiện ở Montréal và từ ngày đầu sống ở nơi đất lạ, đã lại tiếp tục chương trình làm một cái nghề liên quan đến khách sạn ở một Hotel thuộc hàng cao cấp. Cũng đúng là cái số có liên quan đến khách sạn, không sao thoát khỏi!

Biết được tôi có ý định thuê phòng ở riêng, Quang cho biết khách sạn Bồng Lai của anh có một vài phòng trống. Mướn từng ngày giá khác, mướn tháng sẽ rẻ hơn, nhất là đối với một người văn nghệ như tôi thì giá cả sẽ còn rẻ hơn rất nhiều. Sau khi biết được giá cả, tôi nhận thấy một mình gánh chịu cũng không thấu nên khất với Quang để đi tìm người “share" phòng sau khi đã thỏa thuận về tiền mướn. Đúng vào lúc đó, Trung Hành của ban nhạc The New Flintstones Corporation (và sau đó là Mây Trắng) ở trong thời kỳ khủng hoảng ái tình, đang tìm nơi cư trú. Số là, Trung Hành thời gian đó đang đậm đà với Thủy, con một vị sĩ quan cấp tá nổi tiếng vào thời kỳ này. Hình như không được sự đồng ý của gia đình, nhưng hai người vẫn coi như pha để cuối cùng có với nhau một đứa con.

 

Sau khi nhóc con ra đời, họ tính chuyện ra ở riêng, nhưng lâm vào tình trạng khó khăn nên không giải quyết được. Biết được tôi có ý định cần người “share” phòng cũng do tình trạng đói rách, một mình không gồng nối, nên Trung Hành đề nghị cho vợ chồng anh mướn chung với đứa con mới được mấy tháng, còn đỏ hỏn. Mẹ kiếp, thế này thì rườm rà quá, sống chung đụng như vậy bất tiện vô cùng. Tuy nhiên thấy chú em Trung Hành đang thời kỳ tơi tả, đang ở trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và bối rối nên tôi đã nhận lời. Ông chủ “Quang Mập" của khách sạn Bồng Lai đã tá hoả tam tình khi thấy bầu đoàn thê tử chúng tôi lếch thếch lên chiếm ngụ căn phòng số 20. Ông ấy đã tính chuyện không chứa chấp nhưng khi biết được “anh em nghệ sĩ cả mà!", nên với bản tính văn nghệ và chịu chơi, ông ấy cũng phải bấm bụng bằng lòng. Gia tài của tôi chỉ có đúng cái “va-li" nhỏ đựng mấy bộ quần áo, giầy dép. Những gì còn lại ở Ritz đều thân tặng cho các “đệ tử" đã có công phục vụ “ông thầy”. Trong khi đó thì vợ chồng Trung Hành và Thủy khệ nệ nào tã lót cho nhóc tì, bình sữa, bình nước sôi cộng với một cái nôi bằng gỗ cũ mèm. Anh em chúng tôi đã đến với Bồng Lai trong một tình trạng lèm bèm như vậy.

 

Khách sạn Bồng Lai ở trên đường Nguyễn Trung Trực, giữa những nơi tụ họp của khách giang hồ, dân chơi, nhà văn, nhà báo là nhà hàng Thanh Thế (ông chỉ có người con trai tên Thành, một thời kỳ cộng tác với The Hard Stones trước khi đi du học) và nhà hàng Kim Sơn. Trên lầu khách sạn là một phòng trà lâu đời, nơi xuất thân của một số không ít những giọng ca nổi tiếng, trong đó có Lệ Thu và cũng là nơi nhạc sĩ Đan Thọ lừng danh với ngón vĩ cầm điêu luyện. Phòng số 20 nơi “bồng lai tiên cảnh” của chúng tôi cũng làm bèm không khác gì tình trạng của những người mới dọn tới. Tường thì cũ kỹ, chỉ có một chiếc giường với lớp sơn dối giá và một chiếc bàn xiêu vẹo cùng một chiếc ghế lỏng lẻo từ đời ông bành tổ được bao bọc bởi không biết bao nhiêu là lớp sơn. Ngoài ra có một cái tủ mà cánh cửa đã long lên sòng sọc và phát ra những tiếng kẻo kẹt rất thảm thương và ma quái. Trong khi đó thì bếp núc thì chẳng có nên không biết sẽ giải quyết vấn đề nấu nướng ra sao.

 

Hình ảnh của căn phòng số 20 rất tiêu điều và ảm đạm, nhất là khi có ánh nắng vàng vọt của buổi chiều tà chiếu nguyên con vào phòng từ phía cửa sau. Trước cửa phòng là một hành lang với khoảng 5, 6 căn phòng khác, phía sau là cánh cửa lớn với chiếc mành mành tơi tả, có thể xảy ra tình trạng “cho em nghe nặng trái sầu rụng rơi” bất cứ lúc nào. Chỉ có trần xì một cái giường, dĩ nhiên là tôi phải nhường cho vợ chồng Trung Hành, trong khi chú nhóc của hai người ngự trị trên chiếc nôi gỗ đặt bên cạnh. Trước tình trạng đó, tôi bay ngay ra chợ Bến Thành mua một chiếc chiếu nhỏ để có nơi ngả lưng. Vấn đề gối mới là phiền phức. Tôi nằm đâu cũng được, xó xỉnh nào, trên nệm hay trên phản gỗ cũng không thành vấn đề. Nhưng bắt buộc phải có chiếc gối mới có thể nhắm mắt qua đêm. Chạy xuống ông quản lý tên Chu - người gầy tong teo như con có mắm, tối ngày mặc “xà lỏn”, cởi trần trùng trục, phơi bầy bộ xương cách trí - ngoại giao mãi mới có được một cái gối với những đốm vàng, nhìn thấy đã nổi da gà. Tôi không hiểu cái khách sạn có tên là Bồng Lai đẹp đẽ và hay ho như vậy sao lại có thể bệ rạc đến thế. Lại phải năn nỉ mãi mới được giới thiệu đến ông già Thông chuyên trị về vấn đề giặt giũ drap giường và áo gối, mới được đáp ứng nhu cầu. Cả phòng chỉ có nhất chiếu, nhất giường, chẳng biết đặt cái bàn tọa và cái lưng ở đâu nên tối đầu tiên ở Bồng Lai tôi đã bay về nhà ông bạn Hải Heo trên đường Trương Công Định, một thời là trụ sở nhạc trẻ, để ngủ nhờ! Vợ chồng Trung Hành tỏ ra ái ngại cho tôi khi thấy tôi bị “lấn át” dữ dội, cả ngày lang thang ở dưới Thanh Thế hoặc Kim Sơn trong tình trạng “cơm hàng cháo chợ” mãi đến tối mịt mới bay lên phòng sau khi đã ngà ngà, xỉn xỉn.

 

Cứ như vậy nhắm mắt cho qua đêm, chẳng hiểu bên trên chiếc giường xảy ra những sự việc gì giữa hai cặp vợ chồng trẻ. Chỉ đôi khi giật mình dậy khi nghe tiếng xả nước trong cái toilet ẩm thấp và đầy mùi xú uế! Đó là chưa kể đến những đêm thức giấc bất tử khi chú nhóc khóc oe oe nguyên một liên khúc để đòi bú sữa, khiến vợ chồng Trung Hành làu bàu nhỏm dậy thay nhau dỗ dành, đôi khi còn cự nự nhau trong việc phục vụ cậu nhóc. Nhờ la cà ở Thanh Thế, tôi quen với Huy Cường, trong thời kỳ đang là một tài tử nổi tiếng của Việt Nam, cùng thời với Trần Quang, Tâm Phan. Huy Cường không biết nhà cửa ở đâu mà ngày nào cũng lê la ngoài Thanh Thế, lè nhè tán dóc với anh em hoặc đá lông nheo với đàn bà, con ghế qua lại. Cường tuy không được cao cho lắm, lại còn có cái bụng bự nhưng có bộ mặt điển trai, nụ cười, cái nheo mắt và hàng ria mép rất... lẳng nên chị em có bị hắn ngỏ lời ong bướm trêu ghẹo cũng không có ai nỡ lòng nào sỉ vả. Dù có chăng nữa, hắn cũng cười hềnh hệch, thế là xong. Huy Cường uống rượu rất khỏe, đúng hơn hắn là một con sâu rượu. Mới sáng sớm đã xúc miệng bằng một ly Johnny Walker mới có thể tỉnh táo. Có những đêm khuya, hắn xin lên phòng ngủ nhờ vì không có sức bò về nhà. “Anh em nghệ sĩ cả mà”, nên vợ chồng Trung Hành cũng chẳng có phiền hà gì trái lại còn khoái chí vì những lời pha trò của Huy Cường trước khi quay cu lơ ra ngáy khò khò rất hồn nhiên và vô tư.

 

Có thể vì hợp ở những điểm khoái nhậu nhẹt, khoái đào địch và thích sống cuộc sống bụi đời lang thang đây đó, nên chỉ sau hơn một tuần lễ, tôi và Huy Cường đã trở thành bạn “mày tao” thân thiết. Thời kỳ tôi quen hắn, Cường đang “ế độ” nên cũng đói rách ra gì vì chưa nhận được lời mời đóng phim, Tôi cũng không khá gì hơn hắn vì tiền bạc kiếm được bao nhiêu đều mang đi chiêu đãi anh em bạn bè, đào địch hết trơn, vậy mà thỉnh thoảng cũng phải chạy chọt để xùy cho hắn “chút cháo” để làm một vài “consom hations” ở Thanh Thế cho thỏa lòng ao ước. Những lúc không có chất men, mặt mũi Cường chảy dài, thảm hại vô cùng. Cầm lòng Không đặng nên bắt buộc phải thực hiện câu “lá rách đùm lá nát”.

 

Ngược lại, Cường cũng là một tay hào sảng, mỗi khi "trúng mánh" hắn cũng vung vít ra gì, anh em tha hồ... dựa hơi. Tôi chẳng biết nhà cửa hắn ở đâu, chỉ biết được hắn là con nhà giàu, nhưng không khoái ở nhà mà thích đi giang hồ vặt với bạn bè và làm tài tử “xila ma”. Cường nói là nếu muốn, hắn có thể nã tiền ông bố rất dễ dàng, nhưng vì vấn đề tự ái... vặt nên nhất định không chịu ngứa tay xin viện trợ. Mỗi khi rủng rỉnh - như được một chị đào sồn sồn chi viện chẳng hạn hoặc là nhận được tiền “avance” cho một cuốn phim - Cường đều vác rượu và đồ nhắm lên phòng cùng tôi chén chú chén anh, giữa tiếng la khóc ỏm tỏi và chí choé của tên nhóc, con Trung Hành. Ngược lại, có lần hai thằng không còn một xu dính túi, trong khi bụng đói mèm, không còn biết kiếm ra ai để xin trợ cấp.

 

Vợ chồng Trung Hành cũng chung một tình trạng, chỉ biết nhìn nhau thở vắn than dài. Mỗi lần ban nhạc được mời chơi, chia chác ra cũng chỉ còn chút đỉnh mà Trung Hành còn phải đèo bồng vợ con nên cũng vô cùng vất vả. Cường cũng có tính hay đói như tôi, có lần hai thằng bàn tới bàn lui mãi không biết làm cách nào để có chút gì bỏ vào hai cái bụng đang cồn cào, trong khi trán vã mồ hôi mồ kê ra vì đói, đói ghê gớm. Chợt Huy Cường sáng rỡ mắt lên, kéo tôi lại gần nói nhỏ vào tai. Thì ra hắn rủ tôi “chôm” đỡ hộp sữa Ông Thọ của thằng nhỏ, lén mang vào trong toilet để vào một cái lon “Guigoz”, sau đó đổ nước và dùng “réchaud” nấu sôi. Rồi Cường rón rén mang trả lại lon sữa ở đúng vị trí cũ, sau đó quay vào cùng tôi làm một màn “sữa bò thay sữa mẹ” ngon quên chết. Phải thú thật là chưa bao giờ tôi lại được uống một chầu sữa ngon lành như vậy. Uống xong lon “Guigoz” sữa nóng hổi, hai thằng tỉnh táo hẳn lên, phá ra cười sằng sặc khiến vợ chồng Trung Hành chả hiểu ất giáp ra làm sao, cứ tưởng hai ông đàn anh vớ được một mối béo bở gì. Chỉ thấy tối hôm đó vợ Trung Hành thắc mắc: “Quái lạ, hộp sữa Ông Thọ vừa mua, thằng bé mới uống có một lần mà sao nây giờ lại vơi đi quá nửa như vậy?”, Hộp sữa đặc Ông Thọ có đường cân nặng đúng 387 “gờ ram”, lúc đó chắc chỉ còn lại không nổi 150 “gờ ram” sau khi bị hai đứa chúng tôi “ăn cướp cơm chim”!

 

Hết phần III

 

(còn tiếp)