Kết nối bạn đọc

Kỳ 112: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 05-06-2019 • Lượt xem: 8164
Kỳ 112: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Chương kết: Một chốn bồng lai: Ở chung chung chạ với vợ chồng Trung Hành được khoảng hơn một tháng nơi phòng 20, tôi cảm thấy sức khỏe có tiền sa sút vì cứ phải lang thang ngoài đường ngoài xá cả ngày. Hơn nữa vấn để tự do cá nhân không sao thực hiện được. Nhiều lúc có bạn bè, đào địch nhất định không dám mời lên tệ xá. Những lúc mỏi mệt cần ngả lưng chút đỉnh, lên phòng cũng chẳng còn chỗ mà nằm. Tênh hênh nằm dưới sàn nhà, coi sao đăng. Nhiều lúc làm việc “đại sự” trong toilette cũng phải “hãm thanh” cho kỹ kẻo đàn bà, con gái nghe được kỳ thấy mồ.

Do đó tôi quyết định ra ở riêng một mình khi thấy căn phòng 22 cạnh bên còn trống. Huy Cường khoái chí khi biết tôi quyết định như thế vì hắn sẽ được dựa hơi mà không còn phải e ngại như khi đến với phòng 20 trước đó. Tôi được “Quang Mập” đồng ý cho mướn, tuy nhiên phải chờ đến khi tôi tìm được người mướn chung vì một mình kham không nổi. Tôi nghĩ ngay đến Kỳ Phát. Ông này quê hương ở tận xứ Quảng, mò vào Sài Gòn lập nghiệp cùng một lúc tiếp tục việc sách đèn. Việc đầu tiên của ông ấy là làm “waiter” cho vũ trường Queen Bee vào khoảng giữa thập niên 60. Nhờ chịu khó, siêng năng và cần mẫn, thêm vào đó là bản tính hiền lành, thật thà và chất phác nên ông bạn Kỳ Phát của tôi đã được chủ nhân vũ trường tin cậy. Phát cũng rất khoái nhạc trẻ nên thường xuyên có mặt trong những buổi “Hippies À GoGo” do tôi tổ chức, bởi đó cũng dần dần quen biết với các ban nhạc và ca sĩ.

 

Nhận thấy cậu nhân viên của mình cũng khá có mã, khá bảnh bao nên chủ nhân vũ trường Queen Bee đã đề nghị Kỳ Phát đứng ra tổ chức một chương trình nhạc trẻ vào buổi chiều cuối tuần giống như chương trình “Hippies À GoGo” của tôi ở Ritz. Không một chút chần chừ, Kỳ Phát nhận lời ngay để đặt tên cho chương trình của mình là “Hippies Go Round” sau khi hội ý với tôi, tên chương trình có nghĩa là Hippies chạy vòng vòng, nghe cũng rất có “action” và kêu ra phết. Thế là từ năm 70, Kỳ Phát chính thức bước chân vào làng nhạc trẻ. Cũng nhờ dần quen biết được nhiều ban nhạc, Kỳ Phát sau đó đã được các “sờ nách ba” – trong số có bar Tài – trên đường Nguyễn Văn Thoại nhờ mời các ban nhạc đến đây trình diễn. Có lần cậu đã hùn hạp để mở một “sờ nách ba” lớn như ai với tên là “Kingdom”, nhưng chẳng may “vương quốc” của cậu không tồn tại được bao lâu. Khi tôi ngỏ lời rủ rê về mướn chung căn phòng 22 ở Bồng Lai cũng vào lúc Kỳ Phát bắt đầu đi vào con đường đói kém. Hai ông đói rách “share” phòng với nhau nên cũng đỡ khổ, lại thêm vào đó là ông tài tử Huy Cường cũng không mấy gì khá nên sống đùm bọc nhau cũng vui vẻ ra phết.

 

Để ăn mừng “tân gia”, đúng vào buổi tối hôm dọn nhà, Huy Cường kiếm đâu ra được mở tiền, đã chạy ra Thái Thạch ôm về hai bình rượu vang đỏ loại 4 lít cùng với một số “sơn hào hải vị du nhập từ xứ “Phú Lang Sa”. Ký Phát vì tửu lượng lém cõi nên đã lăn quay ra ngủ sau 2, 3 ly. Cường và tôi, mỗi đứa vác một bình ra ngồi ngoài lan can, cởi trần trùng trục, vừa uống vừa chuyện trò huyên thuyên. Rượu vào lời ra, Huy Cường kể vung xích thố đủ thứ chuyện, sôi nổi nhất là chuyện đào chuyện địch của hắn với những kiểu cách làm những “chuyện ấy” rất hấp dẫn cùng với đầy đủ chi tiết ly kỳ và rùng rợn. Và như thường lệ, hắn thường hay kết thúc câu chuyện bằng lời ca của nhạc phẩm “Cuối Cùng Cho Một Tình yêu ”: Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới... Ừ thôi em về, ứ ư ư ừ “- Cứ như thế, Cường lập đi lập lại để rồi lại cười lên hình hích. Hai đứa ngồi trên hai chiếc ghế cứ vừa vác bình rượu tu ừng ực vừa hít thuốc lá liên miên cho đến 2, 3 giờ khuya thì Huy Cường đề cùng với tôi làm... thơ! Mỗi tên thay nhau làm một câu, để cuối cùng thành một bài thơ con cóc như thế này: “Trời Sài Gòn hôm nay”, “Hai thằng uống rượu say”, “Vừa ngồi vừa lung lay”, “Lay thì lay, cứ say!”.

 

Làm xong đại thi phẩm con cóc, hai thằng khoái chí rũ ra cười như điên khiến ông quản lý Chu từ dưới phải rọi đèn “pin” lên cảnh cáo! Chỉ vài tháng sau khi dọn sang căn phòng 22 thì Huy Cường được mời đi đóng và từ đó biến dạng, thỉnh thoảng mới gặp lại nơi quán Bà Cả Đọi hay dưới Thanh Thế. Mãi cho đến năm 78 thỉnh thoảng Huy Cường có đến gặp khi tôi đang lè phè với vai trò công nhân viên nhà nước, giữ chức trưởng ban văn nghệ cho Công Ty Xây Lắp Số 2 ở cư xá Thanh Đa. Và gần như lần nào Cường cũng đề nghị chu cấp cho hắn “chút cháo” để đi nhậu. Tôi thương hại hoàn cảnh của Cường nhưng biết rằng khuyên bảo hắn cũng bằng thừa, nên chỉ lẳng lặng dúi vào tay Cường được chút gì hay chút nấy.

 

Trong thời gian đó ai chả khốn khổ, tiêu điều, Lần chót Cường đến gặp tôi hình như vào khoảng giữa năm 79, năn nỉ xin tôi chút đỉnh. Xui cho hắn, hôm đó trong túi tôi không có lấy một đồng, đi hỏi mượn bạn bè để đưa cho hắn cũng không xong. Tôi thấy Cường buồn bã bỏ đi trên một chiếc xe Honda do một người bạn chở. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng gặp mặt một người bạn mà tôi rất quí mến. Ba ngày sau tôi nghe tin Huy Cường đã chết trong một tai nạn trên đường từ một quán nhậu nào đó ở Thanh Đa trở về Sài Gòn. Một người bạn chở Huy Cường trên một chiếc Hon da đụng phải một chiếc xe ba bánh. Cường ngôi ở sau văng xuống đất và ra đi sau đó.

(còn tiếp)