Kết nối bạn đọc

Kỳ 113: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 06-06-2019 • Lượt xem: 9065
Kỳ 113: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Từ khi dọn qua phòng số 22 ở Bồng Lai, sinh hoạt của tôi nhộn nhịp hẳn lên. Nhộn nhịp hơn cả những ngày tụ tập ở hội quán trên đường Trương Công Định trước kia, khi anh em bạn bè còn đầy đủ, chưa phân tán vì có kẻ đi du học, có người gia nhập quân ngũ.

Tưng bừng hơn cả những năm sống ở Ritz với những giao tiếp hàng ngày với giới nghệ sĩ. Bồng Lai là cả một sự tổng hợp của đủ mọi giới nam phụ lão ấu: vừa nghệ sĩ, vừa giới báo chí vừa bạn bè cũ, mỗi lần về phép đều ghé lại hội quán. Thêm vào đó còn không biết bao nhiêu là bạn bè mới cùng với các “fans” choai choai, yeyes tấp nập ra vào.

 

Căn phòng 22 có diện tích y hệt như căn phòng 20 bên cạnh, chỉ khoảng 25 thước vuông nhưng trong một ngày nó đã thường xuyên là nơi tới lui của hàng chục người, từ giới choai choai cho đến giới sồn sồn hoặc nhiều khi có cả những vị bô lão ham vui. Giới nhạc trẻ hầu như ai cũng đã từng đặt chân tới đây và coi đó là một nơi sinh hoạt lý tưởng.  Điều đình về vấn đề thù lao cũng diễn ra ở đây. Sắp xếp chương trình cho một buổi tổ chức cũng ở cùng một địa điểm, Lúc nào cũng ồn ào và bát nháo. Những người thường xuyên lui tới phải kể là Prosper Thắng, Tuấn Dũng, Cao Giảng, Đức Vượng, Duy Quang, Elvis Phương, Hà “Voico”, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Tiền Chỉnh, Trung Nghĩa, Kasim, Thành “Hammer”, Phan Kiên... của những ban nhạc trẻ đương thời. Elvis Phương thường đến để cùng tôi trao đổi những chiếc áo thun ngoại quốc, Elvis Phương sau cái chết của người vợ đầu tiên là Diana Hồng Ngọc đã dần dần ít lui tới Bồng Lai. Hồng Ngọc thiệt mạng vào ngày 10 tháng 7 năm 71 trong lúc ngồi phía sau xe Vespa của Phương trên đường anh từ nhà ở Trần Bình Trọng đến hát ở Queen Bee. Khi đi ngang đường Trần Hưng Đạo đã bị một chiếc xe cyclo máy đâm vào khiến cả hai người ngã xuống đất. Phương chỉ bị thương xoàng, trong khi Hồng Ngọc bị đập đầu xuống đất và được đưa vào Bệnh Viện Đô Thành, nhưng ở đây không có bác sĩ chuyên môn nên đã được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy và đã trút hơi thở cuối cùng tại đây.

 

Elvis Phương thời trẻ

 

Những người thường ăn dầm ở dề trên Bồng Lai nhất là Nam Lộc, Tùng Giang, Vũ Xuân Hùng, Phan Kiên... Những ông này khoái Bồng Lai vì nơi đây có nhiều... tiên nữ mặn mà, mơn mởn đào tơ vào ra tới tấp. Gọi chung là tiên nữ nhưng cũng được phân chia thành nhiều thành phần. Thứ nhất là những tiên nữ thuộc giới học sinh con nhà lành khoái nhạc và thời trang thích lên đây để nghe những ông anh, bà chị trong giới nghệ sĩ tán dóc. Được gần gũi với giới nghệ sĩ, được nghe những giai thoại đằng sau sân khấu là cả một sự thích thú. Sau đó đi “nổ” lại với bạn bè như một tay sành sỏi, biết được tất cả những bí mật hậu trường. Anh nhạc sĩ nào bị bệnh “cù định thiên pháo” nó hành, chị nào mới ly dị chồng hay cặp kè với ai, chị nào bị đánh ghen tơi tả, anh nào bị lác, bị ghẻ ngứa, bị liệt dương... ta đều biết rõ. Kể ra khiến bạn bè nể mặt là phải.

 

Thành phần thứ hai là những tiên nữ cùng lứa tuổi với chúng tôi, coi nhau như bạn bè hoặc đào địch cũng lui tới thường xuyên. Thành phần thứ ba là những tiên nữ bụi đời thứ thiệt, sống bất cần đời. Những tiên nữ này vào thời kỳ đó thường tụ họp ở Brodard trên đường Tự Do. Họ không phải là những “chị em ta” như mọi người lầm tưởng mà chỉ là những thiếu nữ phần lớn bất mãn với cuộc sống trong gia đình hay xã hội nên thích đi hoang, mặc cho cuộc đời đưa đẩy tới đâu thì tới. Họ sống không có ngày mai, còn yêu thì theo kiểu “yêu cuồng sống vội”. Thích anh nào chộp ngay anh đó, thấy anh nào hợp nhãn mà “chớp đèn” hay tỏ lời ong bướm là chịu ngay chẳng cần suy nghĩ. Yêu trong một đêm, ngày mai lại “nếu tình cờ gặp nhau cứ làm ngơ” làm như chẳng có chuyện gì xẩy ra.

 

Không biết được thông báo thế nào mà các cô “tiên nữ bụi đời biết được căn phòng số 22 ở khách sạn Bồng Lai của tôi và Kỳ Phát là một căn phòng bỏ ngỏ, ai muốn đến thì đến, ai muốn đi thì đi, ra vào tự do nên vào một đêm khuya khoắt đã đến gõ cửa phòng xin vào trú ngụ. Đêm hôm đó ngủ lại đây có thêm Nam Lộc, Phan Kiên, Vũ Xuân Hùng, Phan Kiên – cựu ông xã của Vy Vân và là bố của Phi Phi – thời kỳ này đang là giảng viên của trường Sinh Ngữ Quân Đội và là tay bass của ban nhạc The Flowers với Lê Trí, Hải... Còn Vũ Xuân Hùng lúc đó mới cộng tác với tuần báo Kịch Ảnh (thời kỳ này có Ngọc Hoài Phương, Trần Ngọc, Quỳnh Như và nhà văn Mai Thảo) và cũng là một trong những người chuyển lời Việt từ nhạc ngoại quốc được biết đến nhiều một năm sau đó với những tựa đề như “Búp Bê Bằng Sứ “(Poupée De Cire, Poupée De Son), “Em Đẹp Như Mơ” (Elle Etait Si Jolie), “Chuyện Phim Buồn” (Quand Le Film Est Triste)... cùng với một số bài soạn chung với Nguyễn Duy Biên.

 

 

Đêm hôm khuya khoắt mà có được một sự thăm viếng đột xuất và hấp dẫn như thế thật không còn gì bằng. Mấy ông mãnh đang nằm la liệt tán hươu tán vượn bò dậy nhanh như cắt, mặc vội quần áo ra chiều lịch sự để nghênh tiếp mấy nàng. Này Hòa, này Nguyệt, này Kim, Liên, Hạnh... lần lượt bước vào, hấp dẫn quá chừng. Em nào cũng pưng pưng và phây phây hết sức, khiến anh em ta nuốt nước miếng ừng ực. Ngay vị chủ nhà là tôi cũng thấy trong lòng xốn xang ghê gớm. Phan Kiên thì xun xoe “anh anh, em em” loạn xạ, Vũ Xuân Hùng thì “sì tin” ra vẻ một tay chơi điềm đạm và “ga lăng”. Trong khi đó Nam Lộc cũng lăng xăng ra điều ân cần săn sóc, lo lắng chỗ ngủ cho mấy em. Kỳ Phát coi bộ cảm động ra mặt khi thấy một bầy “ghế” thơm tho, nói năng tíu tít. Ham thì ham thật, khoái thì có khoái, nhưng tôi chợt nghĩ là không biết lấy chỗ đâu mà nhét mấy em trong khi cả phòng chỉ có trần xì một cái giường cùng vài chiếc chiếu cá nhân để ngủ dã chiến. Biết tôi luống cuống trong việc sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, các em đồng loạt lên tiếng “ngủ sao cũng được mà anh, nằm chung với mấy anh cho vui mà!”. Phải thú thật được đề nghị như vậy ai mà không khoái, nhưng tự nhiên tinh thần đạo đức nổi dậy một cách mãnh liệt để đề nghị mướn căn phòng kế bên để mấy em sử dụng.

 

Thấy tôi đề nghị như vậy, các em nhìn nhau tỏ ý cho rằng trên đời này sao lại có mấy thằng ngu quá như thế. Mấy ông bạn tôi cũng trở nên tiu nghỉu, trong bụng chắc cũng chửi thề, văng tục tùm lum vì chưa thấy ai điên để từ chối một màn béo bở, ngon lành quá sức. Thấy kệ, tôi chạy ngay xuống phòng ông quản lý Chu để mướn phòng cho mấy em mà trong lòng cảm thấy thánh thiện hẳn lên, mặc dù hơi... tiêng tiếc. Khuya hôm đó tôi không nhắm mắt ngủ được khi thấy các ông bạn tôi sầm xì với nhau, để rồi thấy các ông ấy thay phiên rón rén mở cửa bước sang phòng bên cạnh để mặc xác cái thằng ngu là tôi nằm phơi một mình.

(còn tiếp)