Kết nối bạn đọc

Kỳ 115: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 08-06-2019 • Lượt xem: 9797
Kỳ 115: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Đúng như tôi tiên đoán, sau khi ngày tổ chức được chính thức công bố trên báo chí, đài phát thanh cũng như truyền hình, làn sóng chống đối bắt đầu bùng lên, mà hầu như tất cả đều đến từ phía những nhân vật đối lập với chính quyền và những nhân vật thuộc thành phần được gọi là “thành phần thứ ba”. Từ đó dư luận chĩa mũi dùi vào giới nhạc trẻ và Hippy để lên tiếng phản đối và xuyên tạc Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời là một “Đại Hội Hippy” với những ý nghĩa xấu.

Liên tiếp trên hai số báo Xây Dựng đề ngày 9 và 10 tháng 5 năm 71, linh mục Hoàng Yến, hội trưởng Hội Bảo Vệ Luân Lý, đã lên tiếng gọi Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế này là một “Đại Hội Hippy” và tỏ ý lo ngại trước những tệ đoan do phong trào Hippy gây ra. Để minh xác với linh mục Hoàng Yến, tôi đã viết một bài với đề tựa “Chiếc Áo Có Làm Nên... Hippy?” đăng trên tuần báo “Hồng” một tuần trước ngày Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời khai diễn. Chúng tôi xin trích dẫn một số đoạn của bài viết sau đây...

 

"Những người lên tiếng cho rằng tại sao thiếu gì cách có thể đóng góp vào công việc xã hội mà lại phải tổ chức một chương trình Nhạc Trẻ. Chúng tôi chỉ biết trả lời rằng chúng tôi chỉ có thể thực hiện một chương trình nhạc trẻ mới có thể xét ra hữu hiệu hơn là thực hiện những công việc nào khác vì việc làm này hợp với khả năng và thích ứng với những phương tiện sẵn có của chúng tôi... Bởi thế, nhóm chúng tôi chỉ có thể thực hiện được một chương trình nhạc trẻ mới có thể đóng góp một cách hữu hiệu vào việc giúp đỡ những gia đình tử sĩ và mất tích tại Hạ Lào hiện nay. Là những người nghệ sĩ, khả năng của chúng tôi chỉ có thể làm được như vậy... chúng tôi không hiểu tại sao khi người ta gọi đó là một Đại Hội Hippy thay vì là một Đại Hội Nhạc Trẻ vì căn cứ vào thực chất của chương trình đại hội này chỉ là những màn trình diễn nhạc trẻ một cách thuần túy. Biết rõ được việc mình làm là hay hơn cả, nhất là việc làm đó mang lại một lợi ích thiết thực và để chúng tôi có dịp bày tỏ thiện chí đóng góp vào công tác xã hội nên chúng tôi đã quyết tâm theo đuổi với ước mong là Đại Hội Nhạc Trẻ thu lượm được kết quả khả quan...”.

Cũng trong bài viết “Chiếc Áo Có Làm Nên... Hippy?”, trả lời linh mục Hoàng Yến tôi đã lên tiếng minh xác cho những người trẻ Việt Nam được gọi là Hippy theo cái nghĩa thường được hiểu theo một nghĩa xấu: “... Giới trẻ Việt Nam chỉ là những Hippy trên một số hình thức theo một quan niệm dễ dãi. Hay nói cho đúng hơn, họ chỉ bị ảnh hưởng của phong trào Hippy trên phương diện hình thức... Nếu chỉ nhìn vào những mái tóc dài hoặc những bộ quần áo lạ mắt đối với những người lớn tuổi để gọi những khán giả ấy là Hippy thì thật là một sự nhận xét quá ư hẹp hòi. Một mái tóc dài chưa đủ để một người trẻ tuổi được gọi là Hippy. Một bộ quần áo lạ mắt đối với những người lớn tuổi cũng không thể được gọi là Hippy...”.

 

Trước khi Đại Hội Nhạc Trẻ khai diễn, ký giả Joe Karmalick của hệ thống truyền thanh và truyền hình Westinghouse, Hoa Kỳ đã đến phỏng vấn tôi về những vấn đề liên quan đến chiến tranh, Hippy và nhạc trẻ. Cuộc phỏng vấn này đã được ghi lại trên tuần báo Hồng, phát hành trong số đặc biệt tháng 6 năm 71 về Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời tại sân Hoa Lư như sau: “Nhà báo của tuổi choai choai Trường Kỳ đã khẳng định rằng: …. chung quanh danh từ Hippy, Trường Kỳ đã nhờ ký giả Joe Karmalick nói với nhân dân Hoa Kỳ rằng Hippy Việt Nam không bao giờ có biểu tình phản đối chiến tranh theo kiểu ngụy hòa hoặc có thể thoát y ngay trên đường phố,.. Theo Trường Kỳ, những người được gọi là Hippy ở Việt Nam chỉ giống những Hippy Mỹ về hình thức như cách ăn mặc, lối để tóc dài và một vài phần tử nhỏ dùng những thứ ma túy như cần sa. Nhưng con số những người dùng cần sa ma túy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số giới trẻ hiện nay. Theo Trường Kỳ thi Hippy chỉ là một danh từ để gọi một số người trẻ ở Việt Nam cho có vẻ hợp thời trang mà thôi. Hippy Việt Nam khác với Hippy Hoa Kỳ ngay từ nguồn gốc. Trong khi Hippy Hoa Kỳ thoát thai từ một đời sống quá ư là sung túc, là con đẻ của một cường quốc sung mãn về kinh tế, về kỹ nghệ cơ giới. Còn ở Việt Nam, Hippy là sản phẩm của chiến tranh, của một quốc gia chậm tiến. Anh nhấn mạnh Hippy Việt Nam có nhiều việc phải làm, phải lo nghĩ hơn là Hippy Hoa Kỳ, được đầy đủ về mọi mặt...”.

 

Ngoài hệ thống Westinghous, còn có một số thông tín viên ngoại quốc khác cũng có mặt trong ngày đại hội, đặc biệt có phóng viên của tạp chí Rolling Stone, cho đến nay vốn được coi là một tạp chí về ca nhạc có uy tín nhất trong giới trẻ. Tạp chí này đã đăng tại một tin ngắn về ngày Đại Hội và so sánh với đại hội nhạc trẻ Woodstock, diễn ra tại tiệu bang New York 2 năm trước.

  ….

Vào sáng ngày đại hội, trong khi chúng tôi thức dậy thật sớm để sửa soạn lên đường đến sân Hoa Lư thì bỗng nhiên một cơn mưa rào trút xuống như thác đổ vào khoảng 7 giờ 30. Chúng tôi nhìn nhau lo ngại vì nếu cơn mưa kéo dài thì đại hội không thể khai diễn vào lúc 9 giờ sáng như dự định. Hơn nữa sân khấu được  thiết lập ngoài trời, chắc chắn hệ thống âm thanh cũng sẽ bị ảnh hưởng tai hại. Nhưng may mắn thay đến khoảng 10 giờ thì cơn mưa ngớt dần và khán giả tham dự từ phía ngoài đổ vào sau đó đã đầy sân vận động. Cùng một lúc, các ban nhạc cũng đã lũ lượt kéo đến quanh sân khấu với trống đàn, ampli rầm rộ.

 

Bầu trời trở nên quang đãng dần để chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ Ngoài Trời được chính thức khai mạc với đại diện ban tổ chức ngỏ lời cám ơn khán giả và nói về mục đích của của ngày Đại Hội….

(còn tiếp)