Nhắc đến nhạc trẻ và Hippy mà không nhắc đến chuyện tóc dài quá là không đủ bộ. Trở lại với năm 70, một thời gian trước khi Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời tại sân Hoa Lư được tổ chức, vấn đề tóc dài đã là một vấn đề gây sôi nổi một thời gian. Hình ảnh xởn tóc tai mấy cậu yéyé ngoài đường phố đã trở thành những hình ảnh thường xuyên xảy ra. Người bênh vực cho hành động sởn tóc, sởn tai nằm trong chiến dịch “Vì Dân” thời đó cũng lắm. Người chống đối cũng nhiều. Do đó đã xẩy ra những vụ tranh luận ôn ào trên báo chí.
Giới nhạc trẻ dĩ nhiên là đứng về phe chống đối một cách rất tích cực. Đi đâu cũng nghe anh em ta thán quá sức, chơi nhạc trẻ mà để tóc tai ngắn cũn cỡn thì đâu có hợp thời tí nào. Thế là anh em nhốn nháo cả lên và đè tôi ra làm đại diện cho giới nhạc trẻ, bắt phải “làm một cái gì”. Được anh em tín nhiệm nên không sao né được để cố moi óc soạn một bản kháng thư phản đối gửi đến ông Đô Trưởng Sài Gòn và ông Tỉnh Trưởng Gia Định. Báo Tiếng Vang ra ngày 29 tháng 9 năm 70 đã đăng một tin trên trang nhất với tựa đề “Toàn thể các ban nhạc trẻ ở Việt Nam gởi kháng thư lên Đô Trưởng và Tỉnh Trưởng Gia Định”, Ký giả Lê Phương đã loan tin như sau: “Trong cuộc tiếp xúc với báo chí sáng nay, anh Trường Kỳ đã cho phổ biến một kháng thư của toàn thể các ban nhạc trẻ ở Việt Nam gửi Đại Tá Đô Trưởng và Đại Tá Tỉnh Trường Gia Định về việc các nhân viên công lực xâm phạm tự do cá nhân qua các hành động xén tóc tại đường phố. Bản kháng thư đã “xét rằng quyền tự do để tóc là một trong những quyền tự do tối thiểu của con người.
Thời trang Hippy tại Sài Gòn trước 1975
Mái tóc dài chưa bao giờ làm hại tới an ninh quốc gia hay xâm phạm tới quyền lợi kẻ khác”. Kháng thư còn cho rằng mái tóc dài không thể tượng trưng cho một thể chất bất hảo. Nhân viên công lực đã xâm phạm quyền tự do cá nhân cũng như hạ thấp nhân phẩm của con người bằng hành động công khai xén tóc ngoài đường phố. Bản kháng thư nhấn mạnh chưa hề có một sắc luật nào công bố cấm để tóc dài và qui định rõ rệt về việc để tóc ngắn. Nhân viên công lực còn nhiều việc khẩn thiết phải làm hơn là quan tâm đến mái tóc của giới trẻ... Mái tóc này là một nhu cầu cần thiết trong việc trình diễn nhạc trẻ...”.
Những tờ báo khác như Chính Luận, Dân Ý, Thần Phong, Da Vàng, Tin Điển, Công Luận... ra ngày 29 và 30 tháng 9 năm 70 cũng đều đã loan tin này cũng như đề cập đến trong những mục phiếm luận.
- Chính Luận (29.09.70): “Phản Đối “Cáp Duồn” Tóc Tài, Hippy Giao Chỉ Dọa Cạo Đầu Tập Thể”: “... Kháng thư yêu cầu Đại Tá Đô Trưởng ra lệnh cho nhân viên công lực chấm dứt việc hạ thấp nhân phẩm con người nếu không giới trẻ Việt Nam sẽ phát động một phong trào cạo trọc đầu để phản đối”.
-Thần Phong (30.09.70): “Lãnh Tụ “Hippy An Nam” Phản Đối “Dùi Cui” Hỏi Thăm Sức Đi tá Khỏe Mái Tóc Dài”.
-Dân Ý (29.09.70): “Giới Nhạc Trẻ Phản Đối: Chưa Có "lịch Luật Nào Cấm Để Tóc Dài”.
-Dân Ý (01.10.70): mục “Nhân Gian Ngữ”): “...Giới Hippy đã phản pháo lại nhà nước một quả nặng.. Lập luận của Trường Kỳ chắc nịch và không... vi hiến. Anh cho rằng việc nhân viên công lực đột ngột lo hớt tóc cho thiên hạ có tính cách xâm phạm tự do cá nhân, hạ thấp nhân phẩm con người... Để chống lại sự đàn áp tóc tai kể trên, các nhân vị choai choai dọa sẽ cạo trọc luôn cho nhà nước biết tay. Thật là một đòn nặng. Nhà nước chới với. Cảnh sát chơi trò độc tài cắt tóc anh em thì anh em cắt tới gốc luôn. Không lẽ bây giờ lại cấm cạo trọc? Còn nếu bảo cạo trọc mất vệ sinh thì nhà chùa sẽ kêu là đàn áp tôn giáo, tự thiêu ào ào ngay...”.
- Da Vàng (30.09.70): “...Hippy Chúa này lý luận chắc nịch như cua gạch. Mà đúng thật: chế độ này là một chế độ tự do, đã có luật nào bắt dân phải để tóc dài tóc ngắn, hay là hạn chế tóc chỉ được để dài mấy phân, váy mặc cao trên đầu gối mấy tấc đâu? Nếu bảo tóc bù xù có tội thì ghép nó vào tội gì đây. Phá hoại an ninh quốc gia như Việt Cộng, như Trung Lập chăng? Vô lý, trên thực tế chẳng có tên Việt Cộng, Trung Lập nào để tóc bù xù, trái lại tóc cũng ngắn đạo mạo như ai. Bảo rằng tóc bù xù là tượng trưng cho một bản chất bất hảo chăng? Cũng chả phải, bởi vì hầu hết những tên cướp của giết người, thổi xế, ma cô, trùm cờ bịch, cho tới những ông dân biểu buôn bạc, tượng Chàm, hình Playboy, “Hạm” lớn “Hạm” nhỏ, có mấy ai để tóc bù xù đâu mà vẫn bất hảo tổ cha, nhà nước cũng chịu bó tay chẳng làm đếch gì nổi...”.
-Tin Điển (30.09.70, mục “Chuyện Phải Nói”): “...Chúng tôi không tán thành thanh thiếu niên để tóc dài khó coi, nhưng chúng tội chủ trương rằng để tóc ngắn hay dài là quyền tự do của con người ở một quốc gia dân chủ, Đứa nào cướp giựt ăn quịt thì cứ bắt nó chứ không nên xâm phạm đến thân thể con người vì luật pháp cũng đã cấm đoán chuyện đó. Muốn dân chúng để tóc ra sao thì hợp pháp, như thế nào là bất hợp pháp thì phải có một đạo luật, bằng không thì chánh quyền phạm luật vi hiến! Cái thẩm mỹ còn tùy thời, tùy tuổi tác. Không thể lấy con mắt ngày nay phê phán chủ quan chuyện đã qua. Mà cũng không thể dùng cái thẩm mỹ quan của mình để chê óc thẩm mỹ của người. Mách lẻo xin long trọng tuyên số. Dân Híp-Pi có lý khi phong trào Híp-Pi chưa có một đạo luật nào cấm đoán.”
- Công Luận (30.09.70, mục “Nối Cơn Gió Bụi”): “...đảng Híp-Pi cho rằng cái đảng của mình cóc có mần chính chị chính em, cũng không bao giờ chủ trương đối lập với nhà nước. Híp-Pi cũng chưa bao giờ xuống đường để làm đảo lộn an ninh trật tự, hoặc đi cắm dùi chiếm đất làm trụ sở. Ấy thế mà không dưng lại bị người nhà nước tóm cổ, đè đầu xuống để hớt mất bộ tóc dài...
- Da Vàng (30.09.70, mục “Vàng Da Trắng Mắt”): “...Hiến pháp công nhận quyền tự do, công nhận nhân phẩm của con người. Luật pháp chỉ trừng trị kẻ nào vi phạm Hiến Pháp. Việc người ta để tóc dài, mặc áo quần thì đâu phải phạm luật, vi hiến. Các ông Quân Cảnh, Cảnh Sát nhân danh quyền lực gì để cấm đoán?”.
Trước dư luận bênh vực cho giới nhạc trẻ và Hippy, Đại Tá Đô Trưởng Đỗ Kiến Nhiễu đã mở một cuộc tiếp xúc với báo chí vào ngày 29 tháng 09 năm 70, được tất cả các nhật báo ở Sài Gòn tường thuật mà nội dung giống như bản tin đăng trên tờ Thần Phong ra ngày 30 tháng 09 năm 70: “Saigon 29.9.- Nhân dịp tiếp xúc với một số đông đại diện báo chí trong nước sáng nay, Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu Đô Trưởng Sài Gòn đã cặn kẽ giải thích việc nhân viên công lực có thái độ với những mái tóc thề Hippy của thanh niên tại Đô Thành trong những ngày vừa qua, cũng như đề cập đến một vài hoạt động khác của nhân viên công lực qua chiến dịch “Vì Dân” phát động từ thứ hai vừa qua...
Trường Kỳ thời trẻ
Đề cập đến “tiêu chuẩn” làm sạch đầu tóc, Đô Trưởng nói rằng chỉ những thanh niên để tóc dài chấm vai như con gái mới bị hớt ngắn mà thôi. Ngoài ra theo Đô Trưởng hiện có 810 thanh niên đã được mời đi hớt tóc và việc hớt tóc này không hề bị ghi vào hồ sơ cá nhân của cảnh sát gì cả vì họ chưa hề vi phạm luật lệ, mà chỉ được mời đi cắt tóc để trở thành một người đẹp thôi.
Cũng dịp này, Đô Trưởng cho biết ông chưa hề nghe việc một số người có giấy phép để tóc dài. Đại tá hoàn toàn đồng ý cho những nhạc sĩ, kịch sĩ, tài tử, đào kép sân khấu được mặc sức để tóc. Đáp câu hỏi về thể thức, điều kiện xin giấy phép để tóc, chính Đại Tá cũng không biết cơ quan, nha sở nào cung cấp loại giấy phép đặc biệt này.
Tôi đã đích thân xin gặp Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu để đưa ra một vài thắc mắc. Ông nhận lời và tôi – đi cùng với Jo Marcel - đã được ông tiếp một cách rất cởi mở ngay tại Tòa Đô Chính Sài Gòn. Tuy nhiên vấn đề cũng chẳng được giải quyết ổn thỏa vì đúng như ông tuyên bố với báo chí là cũng không biết cơ quan, nha sở nào cung cấp giấy phép để tóc dài! Nhưng Đại Tá Đô Trưởng cho biết đặc biệt ông sẽ cấp cho tôi một giấc phép để tóc dài do chính tay ông ký. Vài ngày sau tôi trở lại Tòa Đô Chính để nhận tấm giấy phép đánh máy chữ, với “en-tête” của Tòa Đô Chánh cùng với dấu đóng đỏ chói và chữ ký của ông Đỗ Kiến Nhiễu. Tôi chưa hề phải trình tấm giấy phép đặc biệt này bao giờ vì chỉ một thời gian ngắn sau, chiến dịch “Vì Dân” đã hết thời kỳ phát động.
Trước sự thành công của Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế tổ chức tại sân vận động Hoa Lư, dư luận chống đối trở nên nín khe, trong khi hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn đều đi những tin tức thuận lợi cho ban tổ chức.
(còn tiếp)