Kết nối bạn đọc

Kỳ 118: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 11-06-2019 • Lượt xem: 9676
Kỳ 118: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Nhận thấy sự ăn khách của nhạc trẻ, một số vũ trường và nhà hàng ở Chợ Lớn cũng nhẩy ra tổ chức những chương trình nhạc trẻ hàng tuần, trong số có nhà hàng Đồng Khánh, đã cho người đến thương lượng với tôi để đứng ra tổ chức tại đây. Những Đại Nhạc Hội cũng đã bắt đầu đưa những tiết mục nhạc trẻ vào chương trình. Thậm chí những sân trượt patin ở vùng ngoại ô – như Phi Long ở Bình Triệu, cạnh trung tâm Fatima - chẳng hạn, cũng đã tổ chức những buổi trình diễn nhạc trẻ. Thời kỳ này nhạc trẻ đã được hoàn toàn quần chúng hóa, không chỉ còn thu hẹp trong một tầng lớp hoặc một giới trẻ nào như trước kia.     

Trước sự đi lên mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ, tôi chợt có câu hỏi trong đầu: “Tại sao không kêu gọi những anh em nhạc sĩ trong làng nhạc trẻ sáng tác những nhạc phẩm thuần túy Việt Nam để các nghệ sĩ trẻ trình bầy?”. Từ đó ý định “Việt Hóa nhạc trẻ"  bắt nguồn trong tôi. Để đánh tan thành kiến nhạc trẻ phải là nhạc ngoại quốc từ lâu đã in sâu nơi đầu óc mọi người không phải là chuyện dễ thực hiện. Thêm vào đó quan niệm cái gì của ngoại quốc mới hay, còn đồ “nội hóa” không ra cái thống chế gì cũng là một trở ngại lớn.

 

Tôi đưa ý kiến “Việt Hóa nhạc trẻ” ra thảo luận với anh em và được mọi người hưởng ứng. Tuy nhiên không thể “Việt Hóa” một cái rụp mà phải đi theo kế hoạch từng bước. Trước hết, trong giai đoạn chuyển tiếp nên lấy những nhạc phẩm ngoại quốc nổi tiếng để dịch ra lời Việt Nam để thính giả dần dần làm quen. Nói là “dịch” thật ra đại đa số chỉ làm công việc chuyển thành lời Việt, dựa trên âm điệu của nhạc ngoại quốc. Từ đó có thể chia thành ba hình thức “Việt Hóa”. Khó nhất là dịch sát nghĩa của từng câu trong một bản nhạc ngoại - chi quốc bởi tính cách độc âm của tiếng Việt Nam với sự gò bó trong những dấu bằng trắc để phù hợp với những “notes” nhạc trầm bổng. Phần đông theo cách thứ nhì là giữ nội dung của lời ca tiếng Anh hay Pháp để dịch thành tiếng Việt. Đảo lên đảo xuống thế nào cũng được miễn là giữ được nội dung của nhạc phẩm gốc. Cách thứ ba dễ dàng hơn cả là cách Việt Hóa... tự do. Chỉ dựa trên giai điệu của bài hát để “sáng chế” ra lời ca mà không cần biết đến nội dung ra sao. Trường hợp bài “Rồi Mai Đây” của tôi là một điển hình cho cách Việt Hóa... tự do, dựa trên giai điệu của nhạc phẩm “Lo Mucho Te Quiero”. Nhiều người đã lầm tưởng đây là một nhạc phẩm Việt Nam thuần túy. Nam Lộc cũng rất thành công với bài “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”, dựa trên giai điệu bài “Tell Laura I Love Her”.

 

 

Sau khi nhất định theo đuổi chương trình Việt Hóa nhạc trẻ, tôi chuyến ngay sang lời Việt nhạc phẩm tôi rất ưa thích là “Sealed With A Kiss” với tựa đề “Tình Yêu Trong Đời”, khởi đầu với lời ca “ngồi kề bên nhau cất tiếng ca...”, thích hợp với một cảnh có hai anh chị ngồi cạnh nhau tình tứ trên bãi biển trong một cuốn phim do đạo diễn Thái Thúc Nha thực hiện nên đã được đưa vào cuốn phim mà tôi đã quên tên này. “Tình Yêu Trong Đời” được coi như nhạc phẩm Việt Hóa đầu tiên của phong trào nhạc trẻ Việt Nam (không kể trước đó vào thập niên 50 cũng đã có một số nhạc ngoại quốc được chuyển qua lời Việt). Thế là căn phòng số 22 ở khách sạn Bồng Lai đã trở thành một trung tâm Việt Hóa nhạc trẻ. Các ông Nam Lộc, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Kỳ Phát, Tuấn Dũng, Tiến Chỉnh, Quốc Tai Trí,... lui tới thường xuyên để viết lời Việt, nhiều khi còn “xí phần” một bài ngoại quốc nổi tiếng nào đó để chuyển thành lời Việt Nam. Trong khi đó, nhạc sĩ Phạm Duy cũng rất hưởng ứng phong trào Việt Hóa nhạc trẻ này để tung ra những nhạc phẩm nổi tiếng như: Khi Xưa Ta Bé (Bang Bang), Tình Cho Không Biếu Không (L'Amour C'est pour Rien), Hỡi Người Tình Lara (Dr Zivago), Chuyện Tình (Love Story), Người Yêu Nếu Ra Đi (If You Go Away), Cuộc Tình Tàn (Je Sais), Himalaya, Ngày Tân Hôn (The Wedding)...

 

Nhạc sĩ Phạm Duy

 

Về phần Nam Lộc, ngoài Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu (Tell Laura ILove Her) còn được biết đến nhiều với Mây Lang Thang (The Cowboy's Work Is Never Done), Phút Bên Em (LAmour Avec Toi), Chỉ Là Giấc Mơ Qua (Yellow Bird), Một Thời Để Yêu (Les Amoureaux Qui Passent), Dòng Đời (My Way), Cho Quên Thú Đau Thương (Main Dans La Main)... Trong khi đó Tuấn Dũng của ban nhạc Mây Trắng (thành lập sau khi The Magic Stones tan rã) thành công với Mộng Phiêu Du (Cecilia), Bướm Hoa (Black And White) và nhất là Tiếc Thương (Donna Donna). Hai nhạc sĩ khác của Mây Trắng là Trung Hành và Cao Giảng (hiện ở Tân Tây Lan) cũng hưởng ứng phong trào này, tuy nhiên trong thời kỳ đầu tiên chưa có nhạc phẩm nào nổi bật. Lê Hựu Hà cũng tham gia một cách hăng hái để có được những nhạc phẩm như Tưởng Như Ngày Hôm Qua (Yesterday), Không Có Em (Without You), Đồng Xanh (Greefield)... Kỳ Phát cũng được biết đến với Mùa Thu Lá Bay, Nếu Vắng Nàng (Sans Elle)...

 

Riêng về phần tôi cũng đã đóng góp trong thời kỳ đầu tiên của phong trào Việt Hóa với một số nhạc phẩm chuyển lời Việt như: Thủ Yêu Thương (The Godfather), Khi Ta 20 (All I Have To Do Is Dream), Mùa Tình Yêu (Le Temps De L'Amour), Bài Luân Vũ Mùa Mưa (Le (The Last Waltz), Yêu Nhau Đi (Besame Mucho), Cám Ơn Người Yêu Dấu (Merci Chérie)...

 

Song song với việc chuyển lời Việt, một số những nhạc sĩ trẻ đã đi thêm một bước xa hơn nữa trong việc Việt Hóa nhạc trẻ là sáng tác những nhạc phẩm thuần túy Việt Nam được Hòa âm theo lối mới cùng với những lời ca thích hợp với giới trẻ, cùng một lúc nói lên được những ưu tư và băn khoăn của họ trong cuộc sống. Nổi bật hơn cả là Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà là những người đứng ra thành lập ban nhạc Phượng Hoàng - năm 71. Cang và Hà cũng thường xuyên lui tới căn phòng số 22 để cùng chúng tôi thảo luận và góp ý trong việc viết lời ca cho một số nhạc phẩm của hai người. Đây là một sự chuyển hướng quan trọng của nhạc trẻ Việt Nam với những nhạc phẩm đặc sắc đánh dấu cho thời kỳ này như của Lê Hựu Hà: Tôi Muốn, Đôi Khi Ta Muốn Khóc, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời, vv... và của Nguyễn Trung Cang: Mặt Trời Đen, Sống Cho Qua Hôm Nay, Thương Nhau Ngày Mưa...

 

Việc thử nghiệm đưa những nhạc phẩm Việt Hóa này lên sân khấu trình diễn đã được giới trẻ hưởng ứng ngay và họ cũng đã tỏ ra rất thích thú trước sự thay đổi mới lạ này.

(còn tiếp)