Kết nối bạn đọc

Kỳ 13: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 26-02-2019 • Lượt xem: 10686
Kỳ 13: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Ở đời không có gì tuyệt đối. Tôi đã thấm nhuần triết lý này ngay từ khi đang độ ham vui với một vài kết quả của những màn ái tình không được hay ho cho lắm khi nhận được lá thư với những câu mở đầu là... “thằng đểu”, “thằng sở khanh” sau khi bị tác giả những lá thư đó bắt gặp thủ phạm là tôi đang dung dăng, dung dẻ với tác giả của một lá thư khác.

Nội dung những lá thư như vậy dĩ nhiên chẳng có mùi mẫn tí nào, trái lại còn pha thêm nhiều nét văn chương chợ Cầu Ông Lãnh. Ở cùng tình trạng như vậy, thủ phạm – lại vẫn là tôi – đã nhận được một vài lá thư với nội dung mà tác giả nhất quyết chia tay khi gặp phải trường hợp “tình đời bạc trắng như vôi” hoặc “lòng người đổi trắng thay đen” để kết luận bằng một câu rất đáng được bật đèn đỏ như khi xuống câu vọng cổ: “kiếp này không được xum vầy, hẹn sang kiếp khác trọn bài tình ca” mùi rệu! Lấy vợ vào năm 74 rồi, tôi vẫn ôm theo khư khư một thùng thư tình nặng cả chục kí lô để cho đủ bộ sưu tầm. Hơn nữa, trước đó tôi đã “thành thật khai báo với nhà chức trách” về những “người đi qua đời tôi” nên được bà vợ rất thông cảm và niệm tình tha thứ. Bà ấy vui vẻ chấp nhận để tôi khệ nệ vác cái thùng thơ tình ái đó về nhà, lâu lâu có dịp lôi ra đọc tiêu khiển, giải sầu. Tôi còn cẩn thận xét theo thứ tự thời gian những lá thư nhận được từ những chị đào của một thuở ham vui, cho vào từng “sơ-mi” như những hồ sơ... tòa án tôi bắt chước từ những lần đến văn phòng của bố tôi.

Bến xe buýt ngoài chợ Đà Lạt

 Ít ra tôi cũng học được nơi ông cách sắp xếp hồ sơ theo từng “case” như vậy. Sau tháng 4 năm 1975 tất cả thùng thư đó dần dần được vợ tôi mang "hỏa thiêu vì tình trạng khan hiếm củi lửa, dầu hôi, chất đốt (của những năm đầu xuất hiện những chiếc nón cối. “Những lá thư tình bất hủ" đó được dùng vào một việc rất thực tế là nhóm lửa hồng để còn chút gì để... đớp!..

Chiến thuật “cống hỉ” nhắc ở trên, do đó thành công mỹ mãn ho đến ngày tôi... lấy vợ, sau khi đã “oanh tạc” đối phương bằng những trận bom quà cáp, trăm thứ bà dằn. Tính tình tôi trở nên kiên nhẫn hẳn ra khi phải lấy lòng từ hạ tầng cơ sở là... con chó xồm nhà vợ, đến chị người làm với chiếc răng vàng sáng chói, cho đến thượng tầng cơ sở là “ghế mẫu” và “khứa lão” của nàng.

Tình cảm tăng tiến thấy rõ sau khi giai nhân Quyên được tôi “cống hỉ” những món rất có giá với lứa tuổi 14, 15 của nàng lúc đó, khi phong trào nhạc trẻ đã tạo ra những thần tượng của giới “yéyé” mà hai nữ sinh Couvent Des Oiseaux là Quyền và Cathy là điển hình: Thích nhạc, khoái thời trang. Mấy thằng bạn cũng ra sức dùng biển người tấn công Cathy. Tên nào tên nấy sửa giọng và dùng những điệu bộ từ tốn, lịch sự, con nhà lành một cách tối đa cho được nhẹ nhàng, đầy vẻ trìu mến. Trong số có tên Cương là tội nghiệp vì có tật cà lăm thuộc hàng... cao cấp, hơn hẳn tôi mấy bực. Hắn ra sức... rặn, mặt đỏ tía tai mới nói được một câu.

Ảnh kỷ niệm của các nghệ sĩ thời đó, hàng ngồi Ngọc Phu, Thành Được, Duy Mỹ, Tùng Lâm (ngồi nhổm).
Hàng đứng: 
Thẩm Thúy Hằng, Ngọc Yến, Bích Sơn... 

Cuối cùng, biết thân biết phận, Cương bỏ ra ngoài thơ thẩn một mình và chắc chắn có màn lẩm bẩm chửi thề. Còn lại Hải và Vượng tranh tài cao thấp, chuyện trò rần ran. Tôi rủ Quyên ra một góc phòng, ngồi “giao lưu” văn hóa. Bao nhiêu điều học hỏi từ quyển “Đắc Nhân Tâm” và “Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng” được mang ra sử dụng tới tấp. May mắn thay, tật cà lăm đã bớt đi nhiều nên thỉnh thoảng mới có tí... “echo” kèm theo. Tôi ra hiệu bằng mắt cho hai thằng bạn “giải” nàng Cathy đi một chỗ khác để dễ bề hành động như đã “âm mưu” từ trước. Cái chị Cathy này hình như cũng đã âm mưu với nàng Quyên hay sao mà nhất định ở đâu phải “có chị, có em”, cương quyết giữ vững lập trường để cắm dùi tại chỗ. Nói là để “dễ bề hành động” cho xôm, thật sự bố bảo cũng chả dám “hành động” như quí vị độc giả đang hiểu... tầm bậy! Cùng lắm là có cơ hội nắm tay, nắm chân hoặc quờ quạng tí ti. Cao độ hơn cả là hôn hít tí đỉnh cho thỏa lòng mong ước bấy lâu nay, với sự đồng ý của đương sự.

Cuốn sách mà thời đó rất nhiều các nam nữ thanh niên đều muốn đọc trước khi lập gia đình

Nhất định là không có màn cưỡng bách... giáo dục hôn hít. Bố bảo cũng chả dám hành động một cách phạm pháp. Chẳng may bị ra tòa án thiếu nhi thì đúng là ... “nghìn năm bạc mệnh một đời tài hoa”! Eo ôi, chả dám. Cua đào có nhiều “sì tin", điều tôi nhận xét được nhiều năm sau đó để viết một loạt phóng sự mang tựa đề “36 Kiểu Cua Đào” trên tuần báo Thứ Tư Tuần San của các anh Trương Cam Vinh và Nguyễn Đức Nhuận - năm cuối thập niên 60. Nào là “sì tin Django” với mặt mũi lầm lì lì, nào là “sì tin Tarzan Nổi Giận” làm ra bộ điều khênh khạng như... đười ươi để mong được người đẹp chiếu cố. Lại có cả “sì tin Triết Gia”, lúc nào cũng đăm chiêu, suy nghĩ về cuộc đời ô trọc. “Sì Tin Oanh Tạc Bắc Việt” dùng miệng lưỡi tía lia, không cho đối phương có phản ứng kịp đế dành phần thắng. Tôi theo “tin bất bạo động”, ngu ngơ, có sao nói vậy người ơi, vì luôn quan niệm “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Khù khờ dễ gây sự an tâm, khiến đào địch cảm thấy nền an ninh quốc gia không bị đe dọa. Chắc chắn các mục tiêu quân sự không hề bị đánh chiếm bằng đại bác hay hỏa tiễn. Ấy, khù khờ thế mà chắc ăn để nhiều khi còn “được” phe địch tấn công tới tấp, hoặc còn được “vẽ đường cho hươu chạy” một cách tận tình. Được cái ngô nghê nhưng không đến nỗi ngu dốt, nên con hươu là... tôi, khi được chỉ vẽ, dù sơ sơ, cũng đi rất đúng đường, đúng lối! Bản tính vốn thích học hỏi, nên khi được chỉ vẽ thích lắm, cứ thế mà thi hành.

Nghệ sĩ Tùng Lâm và Xuân Phát

“Sì tin bất bạo động” hôm ấy thành công hoàn toàn để cuối cùng, để tôi sau mấy tiếng đồng hồ tỉ tê tâm sự. Khoảng cách càng ngày càng thu ngắn vì tôi viện cớ hơi... nghễnh ngãng tại nên phải ngồi hơn để nghe cho rõ những lời phát ngôn dễ thương của nàng, phát ra từ chiếc miệng xinh xắn và đôi môi trông thấy chỉ muốn... cắn một phát. Nhất là cặp má phớt hồng hồng của một nàng con gái Đà Lạt, ôi sao chỉ muốn... mi một quả. Cậu nhóc nào cỡ tuổi 17 như tôi trong một khung cảnh hữu tình như vậy mà cho là không thấy xốn xang, rạo rực trong lòng thì đúng là nói phét, nếu không cũng thuộc thành phần... bất bình thường! Tôi là một người rất bình thường nên cảm thấy đê tê mê lạ thường. Nhất là trước đó, với tính mê đọc sách, nên đã đọc đi đọc lại quyển “Gái Trai Trước Ngưỡng Cửa Hôn Nhân” đến mấy lần không biết chán, ngoài một số sách thuộc loại ma mãnh khác. Vào thời đó quyển sách thuộc loại “ma mãnh” được chuyền tay nhau đọc nhất chắc chắn phải là quyển “Bẩy Đêm Khoái Lạc”. Chuyền tay nhau đọc đến nỗi quyển sách quay bằng ronéo này nhàu nát, có nhiều trang bị vàng ố chả hiểu vì nguyên nhân quái quỷ gì!

(còn tiếp)